Giúp trẻ khuyết tật hòa nhập cộng đồng
Còn nhiều khó khăn trong giúp trẻ khuyết tật hòa nhập cộng đồng tại tỉnh Điện Biên. ( ảnh minh họa) |
Theo số liệu thống kê, toàn tỉnh có hơn 1.120 trẻ khuyết tật đang theo học tại các trường được thụ hưởng chính sách theo Thông tư số 42/2013 của Bộ Giáo dục và Ðào tạo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính quy định chính sách về giáo dục đối với người khuyết tật. Các em thuộc nhiều dạng khuyết tật khác nhau, như: Khuyết tật vận động, khuyết tật bộ phận (khiếm thị, câm, điếc, rối loạn phát triển ngôn ngữ, chậm phát triển trí tuệ…).
Những năm qua, với sự nỗ lực của Ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh Điện Biên công tác giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật ngày càng đi vào chiều sâu, mang lại hiệu quả trong việc nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ. Nhiều trẻ khuyết tật đã được tạo điều kiện thuận lợi để hòa nhập cộng đồng, phát triển các kỹ năng sống.
Để công tác giúp trẻ khuyết tật hòa nhập cộng đồng đạt hiệu quả cao nhất, Ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh Điện Biên đã triển khai nhiều giải pháp cụ thể: Thường xuyên mở các lớp tập huấn về chuyên môn nghiệp vụ giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật trong trường mầm non nhằm trang bị kiến thức và kĩ năng nghề nghiệp chuyên môn thuộc lĩnh vực giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật mầm non nhằm đảm bảo nâng cao hiệu quả trong việc giáo dục trẻ khuyết tật được hòa nhập một cách hiệu quả nhất; chỉ đạo các nhà trường thường xuyên theo dõi sự tiến bộ của trẻ, đưa ra những tiêu chí cụ thể để đánh giá. Giáo viên lên kế hoạch giáo dục theo từng tháng, tuần, đề ra nội dung giáo dục và biện pháp giáo dục cụ thể đảm bảo phù hợp , vừa sức đối với trẻ.
Còn đó nhiều khó khăn
Học sinh khuyết tật học hòa nhập với nhiều dạng tật khác nhau. Một số học sinh mắc nhiều tật (đa tật) và mức độ khuyết tật nặng. Do đó, còn gặp khó khăn trong việc tổ chức các hoạt động giáo dục phù hợp với từng dạng tật.
Ở các địa phương trong tỉnh hiện nay chưa có cán bộ, giáo viên, nhân viên đặc thù, được đào tạo, bồi dưỡng chuyên sâu về công tác giáo dục hoà nhập; cơ sở vật chất dành riêng cho trẻ khuyết tật, tự kỷ còn thiếu. Ngoài ra, sự thiếu hiểu biết và cách ứng xử kỳ thị của một bộ phận phụ huynh, học sinh cũng tạo áp lực không nhỏ cho bản thân các em học sinh khuyết tật, tự kỷ và các nhà trường.
Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập tỉnh Điện Biên có chức năng phát hiện khuyết tật để tư vấn lựa chọn phương thức giáo dục phù hợp. |
Hiện nay, Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập tỉnh Điện Biên được thành lập theo Quyết định số 603/QĐ-UBND ngày 26/7/2018 của UBND tỉnh Điện Biên. Trung tâm đặt tại tổ 10, phường Thanh Trường, thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên, trên khu đất có diện tích 6.940,4m2 với 6 dãy nhà gồm 24 phòng học, phòng chức năng, nhà ở nội trú...
Trung tâm là đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo với 6 chức năng cơ bản bao gồm: Phát hiện khuyết tật để tư vấn lựa chọn phương thức giáo dục phù hợp; Thực hiện biện pháp can thiệp sớm người khuyết tật tại cộng đồng để lựa chọn phương thức giáo dục phù hợp; Tư vấn tâm lý, sức khỏe, giáo dục, hướng nghiệp để lựa chọn phương thức giáo dục phù hợp; Hỗ trợ người khuyết tật tại gia đình, tại cơ sở giáo dục và cộng đồng; Cung cấp nội dung, thiết bị, tài liệu dạy và học đặc thù phù hợp với từng dạng tật, mức độ khuyết tật;
Tại Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập tỉnh Điện Biên các em bị khuyết tật sẽ được tham gia nhiều hoạt động: Liên kết dạy một số nghề phù hợp với năng lực, năng khiếu của trẻ khuyết tật (Làm hoa, vẽ, may, thủ công mỹ nghệ, âm nhạc, mỹ thuật, tin học); được nhân viên y tế có nghiệp vụ về phục hồi chức năng tập các bài tập tại phòng phục hồi chức năng; trang bị kỹ năng tự nhận thức, kỹ năng xác định giá trị, kỹ năng kiểm soát cảm xúc, kỹ năng tìm kiếm sự hỗ trợ, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng vệ sinh cá nhân, lựa chọn thực phẩm, nấu ăn…
Với các chính sách quan tâm đặc biệt, cùng sự tích cực vận động, giúp đỡ của cán bộ, giáo viên các trường. Hy vọng trong thời gian tới trẻ khuyết tật cùng gia đình trên địa bàn tỉnh Điện Biên đã dần gỡ bỏ rào cản mặc cảm và cho con em đến trường để các em có thêm niềm vui, bớt tự ti và được tiếp cận tri thức./