Không thống kê được số người đi lao động bất hợp pháp ở nước ngoài
Xã Thiên Lộc là một trong những địa phương có người dân đi "xuất ngoại" nhiều nhất ở Hà Tĩnh, trong đó chủ yếu ở các nước như Anh, Pháp.
Đã gần một tuần trôi qua, một số gia đình ở Hà Tĩnh trong trạng thái thấp thỏm và lo âu vì nghi vấn có người thân trong vụ việc 39 nạn nhân tử vong trong container xảy ra ở Anh.
Đến thời điểm này vẫn chưa có phát ngôn nào chính thức về xác định danh tính, quốc tịch của các nạn nhân trong số 39 người tử vong trong xe container ở Anh. Những ngày qua, sự mệt mỏi hằn trên nét mặt của ông Phạm Văn Th là bố đẻ của chị Phạm Th Tr M., sinh năm 1993, ở khối phố 7, thị trấn Nghèn, Can Lộc, Hà Tĩnh - người được cho là một trong các nạn nhân xấu số có liên quan đến vụ việc này.
Người dân xã Thiên Lộc hoang mang, lo lắng. |
Trước đó, chị Phạm Th Tr M. đã gửi tin nhắn về cho gia đình với nội dung làm dấy lên những dự cảm không lành. Bây giờ, hy vọng đối với ông Phạm Văn Th. dường như còn lại rất mong manh và đề nghị chính quyền hỗ trợ
"Thấy người ta đi được nhiều, con tôi muốn thì cho đi chứ có nghĩ đến rủi ro gì đâu. Mong các cơ quan chức năng có thẩm quyền giúp đỡ gia đình", ông Th. nói.
Cũng như hoàn cảnh của ông Phạm Văn Th., hiện nay, trên địa bàn xã Thiên Lộc đã có 5 gia đình trình báo có người thân đi lao động ở nước ngoài bị mất liên lạc. Xã Thiên Lộc là một trong những địa phương có người dân đi "xuất ngoại" nhiều nhất ở Hà Tĩnh, trong đó chủ yếu ở các nước như Anh, Pháp.
Tại nhà của ông Võ Nhân Q, những ngày vừa qua có nhiều người đến thăm hỏi động viên khi gia đình thông tin mất liên lạc với con trai là anh Võ Nhân D. Trao đổi với phóng viên, các thành viên gia đình không biết anh Võ Nhân D đi xuất khẩu lao động ở nước ngoài theo cá nhân và tổ chức nào đưa đi. Trong khi đó, trao đổi với một số người dân trong xã Thiên Lộc cho biết: trên địa bàn xã có nhiều người đi xuất khẩu lao động ở các nước Châu Âu vì có thu nhập cao.
Theo người dân trong xã, đi theo con đường chính thống thì sẽ không được làm ngoài, làm thêm, thu nhập thấp. Còn đi bất hợp pháp thì làm tự do, cái nào lương cao thì làm, thu nhập được hơn. Đa số người ở đây đi theo con đường bất hợp pháp.
UBND xã Thiên Lộc, nơi có nhiều người trình báo mất thông tin với người thân tại Anh. |
Ông Đặng Anh Tuấn, Chủ tịch xã Thiên Lộc cho biết, đến thời điểm này, trên địa bàn xã có 1.279 người đi xuất khẩu lao động, trong đó ở các nước châu Âu có 704 người. Điều đáng nói là UBND xã Thiên Lộc chưa thể thống kê được trong số đó có bao nhiêu người xuất khẩu lao động theo đường bất hợp pháp.
Ông Tuấn nói: "Như ở Hàn Quốc hiện không nhận lao động chính quy nên phải đi qua đường dây hết. Không phải 1 người mà nhiều người, cùng đường dây họ chia sẻ tiền ăn với nhau, đi Anh là 1 tỷ, đi Đức như trước khoảng 450 triệu, cũng tùy cò đưa đi".
Trong thời gian qua, các cơ quan chức năng tỉnh Hà Tĩnh đã phát hiện và xử lý một số công ty không có giấy phép hoạt động dịch vụ việc làm; không có giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, nhưng vẫn tổ chức các hoạt động tư vấn, hướng dẫn người lao động đăng ký và tiếp nhận hồ sơ đi làm việc ở nước ngoài.
Cụ thể, ngày 11/10 vừa qua, Đoàn kiểm tra của Sở Lao động- Thương binh & Xã hội Hà Tĩnh đã yêu cầu đình chỉ hoạt động kinh doanh của Công ty trách nhiệm hữu hạn Du học - Xuất khẩu lao động LUCKY TD MASAN có trụ sở tại 186 đường Hà Huy Tập, thành phố Hà Tĩnh, không có chức năng tuyển dụng lao động đi làm việc tại nước ngoài, nhưng vẫn nhận hồ sơ và thu tiền của người lao động./.
Theo Sỹ Đức/VOV