Ám ảnh nỗi đau mang tên lá ngón

Thứ Bảy, 07/09/2019, 15:20 [GMT+7]

Điện Biên TV - Trung bình, mỗi năm trên địa bàn huyện Điện Biên Đông xảy ra 70 - 80 vụ tự tử bằng lá ngón, trong đó có 20 - 30 trường hợp tử vong. Không biết từ bao giờ, tự tử bằng lá ngón đã trở thành bóng ma ám ảnh nhiều thôn bản vùng đồng bào dân tộc Mông trên địa bàn huyện. Mặc dù đã có nhiều giải pháp quyết liệt, đồng bộ với sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền địa phương các hội đoàn thể và cộng đồng nhưng tình trạng tự tử bằng lá ngón vẫn xảy ra thường xuyên và có chiều hướng gia tăng.

Bản Keo Lôm 2, xã Keo Lôm, huyện Điện Biên Đông nhìn bề ngoài cũng yên bình như bao thôn bản vùng cao khác với những nếp nhà xen giữa núi rừng. Vậy nhưng ở đây từ nhiều năm qua luôn tồn tại một nỗi ám ảnh mang tên lá ngón. Chúng tôi tìm gặp anh Chá Khua Xìa, người hai lần phải chịu nỗi đau mất người thân do ăn lá ngón tự tử. Đầu tiên là vợ anh, chị Lầu Thị Khua ăn lá ngón tự tử chết năm 2014. Ba năm sau, nỗi đau mất vợ còn chưa kịp nguôi ngoai thì con gái lớn Chá Thị Vương sinh năm 2005 cũng ăn lá ngón đi theo mẹ. Cả hai mẹ con tìm đến cái chết bởi những lý do đơn giản đến mức chẳng ai nghĩ tới.

1
Không biết từ bao giờ, tự tử bằng lá ngón đã trở thành bóng ma ám ảnh nhiều thôn bản vùng đồng bào dân tộc Mông trên địa bàn huyện Điện Biên Đông

Anh Xìa chia sẻ: "Hồi đấy, con gái đang học lớp 6, bị ốm. Vợ bảo đưa vào viện khám nhưng mình bảo hết giờ rồi để sáng mai mới đưa đi, thế là hai vợ chồng cãi nhau. Sáng hôm sau mình đưa con đi vào viện khám đến tận 11 giờ, vợ ở nhà đi nương lại ăn lá ngón, lúc phát hiện ra thì chết rồi. Đến năm 2017, mình đi ăn tết nhà anh chị ở Phình Giàng, con cũng đi, mình đi một ngày rồi về trước, bảo con về thì con không chịu về. Sáng hôm sau mới về cùng mấy đứa nữa và rủ nhau ăn lá ngón. Mình đến đưa về nhưng chưa kịp về đến nhà thì cũng chết rồi."

Câu chuyện đau lòng của gia đình anh Chá Khua Xìa đáng buồn hơn lại không phải là trường hợp cá biệt. Không khó để tìm gia đình có người tự tử bằng lá ngón trong bản Keo Lôm 2, cái khó là không dễ để tiếp cận trò chuyện và tuyên truyền vận động kể cả với những y tá bản như anh Ly A Mua. Em L.T.C sinh năm 2005 ăn lá ngón tự tử vào cuối tháng 8 vừa qua, mới xuất viện về nhà được vài ngày.

Gia đình, mọi người trò chuyện, thuyết phục nhưng em nhất định không nói lý do khiến mình phải tìm đến lá ngón để tự tử. Lá ngón đã trở thành nỗi ám ảnh rình rập mọi gia đình trong bản. Ngay cả anh Mua đã từng đưa rất nhiều người đi cấp cứu do ăn lá ngón tự tử nhưng tháng 5 vừa qua, anh lại phải đưa chính đứa con gái lớn của mình đi cấp cứu tại Trung tâm Y tế huyện.

h
Cây lá ngón

"Bản thân tôi đã đưa đi cấp cứu 7 người tự tử bằng lá ngón rồi, còn người thứ 8 chính là con gái mình cách đây mấy tháng. Thi thoảng nó đi chơi về mẹ nói, hôm đấy nó ngủ từ lúc sáng gọi dậy ăn cơm không dậy, đến 3 giờ chiều mình mới phát hiện và đưa vào viện huyện, bác sĩ bảo nó ngấm hết rồi không rửa được nữa mà tiêm truyền dịch, may mà cứu sống được." - Anh Mua buồn bã nói.

Cây lá ngón có tên khoa học là Gelsemium elegans ngoài ra còn có những tên gọi khác như cây rút ruột, đoạn trường thảo còn người Mông gọi là Sụa Nọ Tùa, có nơi lại gọi một cách hình tượng là "Cua tùa nhủ" tức là "thuốc giết ruột". Về mặt y học, lá ngón là loại cây có độc tính rất mạnh. Nếu ăn phải chỉ trong vài giờ chất độc có thể gây suy hô hấp, tụt huyết áp dẫn đến ngưng tim, tăng phản xạ cơ xương, co giật.

Nếu không cấp cứu kịp thời, đúng cách nạn nhân chắc chắn sẽ tử vong. Bởi vậy, khi xác định cây lá ngón là thủ phạm chính gây ra các vụ tử vong, cực chẳng đã, huyện Điện Biên Đông đã thực hiện phong trào cộng đồng chung tay chặt bỏ cây lá ngón tại các khu vực gần khu dân cư. Nhưng việc này cũng chỉ như muối bỏ bể vì cây lá ngón chặt bỏ đi rồi chỉ còn sót lại một ít rễ nó lại lên xanh tốt hơn. Thêm nữa cây lá ngón mọc rất nhiều trong tự nhiên, một khi người tự tử đã biết cây lá ngón và muốn tìm chắc chắn sẽ tìm thấy.

Trước đây, người tự tử hầu như sẽ tử vong chỉ sau 1 đến 2 tiếng từ lúc ăn lá ngón. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, nhờ tiến bộ y học cũng như nỗ lực, cố gắng của đội ngũ y, bác sĩ chỉ cần đưa nạn nhân đến cơ sở y tế kịp thời, tỷ lệ được cứu sống rất cao. Nhiều bệnh nhân nhập viện sau 6 tiếng ăn lá ngón, tiên lượng rất xấu nhưng vẫn được cấp cứu thành công.

Các trường hợp tử vong do ăn lá ngón được ghi nhận chủ yếu do khi phát hiện đã chết, không đưa tới cơ sở y tế hoặc đưa tới quá muộn. Hiện nay, với kinh nghiệm thực hiện các biện pháp xử lý, cấp cứu thuần thục của đội ngũ y, bác sĩ từ tuyến y tế cơ sở tới tuyến huyện đã cứu nhiều bệnh nhân thoát khỏi cửa tử.

Bác sĩ Phạm Văn Ninh, Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu - Trung tâm Y tế huyện Điện Biên Đông cho biết: "Từ đầu năm đến nay, các trường hợp cấp cứu ở khoa là khá thường xuyên, tuần này thôi cũng có 2 ca vào liền lúc và thường là các ca nặng. Những trường hợp ca nặng thì chúng tôi thường phải đặt nội khí quản, ép tim, bóp bóng cấp cứu ngay lập tức. Tất cả các trường hợp tự tử lá ngón thì đa số đều cứu được, vì trước đây thì khó nhưng nay có phương pháp cấp cứu mới với việc đặt nội khí quản sống nên đều cứu được."

1
Tất cả các trường hợp tự tử lá ngón thì đa số đều cứu được, vì trước đây thì khó nhưng nay có phương pháp cấp cứu mới khi được cấp cứu kịp thời

Mỗi ca cấp cứu thành công, một mạng người được cứu sống nhưng dù sao việc làm của các y, bác sĩ mới chỉ là giải quyết hậu quả, giải quyết phần ngọn của việc tự tử lá ngón. Còn chuyện làm sao để người dân không còn tìm đến lá ngón để tự tử đã và đang là một bài toán khó tồn tại trong nhiều năm qua mà chưa có lời giải thỏa đáng.

Qua thống kê 7 tháng đầu năm 2019 cho thấy, người tự tử lá ngón là nữ giới chiếm 78%, người dưới 18 tuổi chiếm khoảng 60%, bệnh nhân trẻ tuổi nhất sinh năm 2013. Nguyên nhân dẫn đến các vụ tự tử lá ngón cũng muôn hình, vạn trạng: Vợ chồng cãi nhau ăn lá ngón; Giận bố mẹ, bố mẹ quát mắng, không cho đi chơi, không cho yêu nhau ăn lá ngón; Thầy cô cho điểm kém, không có tiền mua điện thoại, cãi nhau với bạn ăn lá ngón; Thấy nhà mình nghèo hơn bạn, rồi ti vi không chiếu bộ phim có thần tượng của mình nữa cũng tự tử...

Có thể nói là vô vàn những lý do, nguyên nhân để tìm đến cái chết với lá ngón và chung quy đều xuất phát từ yếu tố tâm lý, do bức bách không tìm ra cách giải quyết các vấn đề trong cuộc sống và dẫn đến cái chết. Trước vấn nạn nan giải trên, cấp ủy, chính quyền huyện Điện Biên Đông tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chương trình phòng chống nạn tự tử bằng lá ngón với nhiều nội dung phong phú, đa dạng.

Ông Bùi Xuân Thức, Trưởng phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Điện Biên Đông cho biết: "Theo số liệu thì trong 7 tháng đầu năm 2019, toàn huyện ghi nhận 89 trường hợp tự tự lá ngón, trong đó có 16 trường hợp tử vong. Số vụ tự tử tăng hơn 37 trường hợp so với cùng kỳ năm trước. Trước thực trạng đó, UBND huyện cũng đã tăng cường các giải pháp chỉ đạo các cơ quan liên quan tuyên truyền vận động như là tổ chức các hội thi, phát động phong trào phá cây lá ngón, tập huấn cho trẻ ở các trường về nội dung này. Tuy nhiên, những con số kể trên cho thấy thực trạng khá là nan giải trong việc giải quyết vấn đề này."

Không ai nghĩ rằng loại cây leo thân cành khẳng khiu với những lá dài xanh mướt cùng những bông hoa vàng nhỏ nhỏ kia lại có thể gieo những tai ương lớn đến như vậy tới cộng đồng. Để ngăn chặn và đẩy lùi tình trạng tự tử bằng là ngón, bên cạnh nỗ lực của cấp ủy, chính quyền, cơ quan chuyên môn thì phần còn lại phụ thuộc rất nhiều vào việc nâng cao nhận thức của bản thân mỗi người. Một khi dân trí được nâng cao, thoát khỏi tư tưởng cố hữu, suy nghĩ thiển cận, bản thân họ sẽ không tìm đến lá ngón như là cách để giải quyết vấn đề, không tìm đến cái chết một cách dễ dàng như vậy. Nỗi đau mang tên lá ngón mới không còn là nỗi ám ảnh với đồng bào các thôn bản vùng cao huyện Điện Biên Đông./.

 

 

Chu Linh - Huy Long/DIENBIENTV.VN

.