Sử dụng mạng xã hội có trách nhiệm và văn hóa
Dư luận cho rằng, trong bối cảnh bùng nổ mạng xã hội như hiện nay mỗi người cần phải có trách nhiệm và có văn hóa khi sử dụng mạng xã hội
Đối với những người sử dụng mạng internet hiện nay thì việc sử dụng mạng xã hội không còn gì là mới lạ. Một người có thể dùng cả Facebook, zalo, youtube... để chia sẻ thông tin, tải nội dung, hoặc chia sẻ những vấn đề mình thích. Tuy nhiên, việc sử dụng mạng xã hội hiện nay đang như “con dao hai lưỡi”.
Ảnh minh họa |
Bạn Nguyễn Thu Trang, sinh viên năm thứ 4, Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng, sử dụng mạng xã hội sẽ giúp cho việc giữ liên lạc với bạn bè hoặc chia sẻ những cảm xúc vui buồn cá nhân của mình để mọi người hiểu mình hơn.
Tuy nhiên, việc sử dụng mạng xã hội hiện đang theo phong trào, tung hô nhiều mặt tiêu cực, nhiều vấn đề khi chia sẻ lại chưa được kiểm chứng rõ ràng, nhiều thông tin không đúng sự thật lại được chia sẻ tràn lan.
"Mạng xã hội như một con dao hai lưỡi sẽ có cả mặt tích cực và tiêu cực, bây giờ trên cộng đồng mạng hay theo phong trào, tung hô sẽ tung hô theo phong trào, phê phán cũng theo phong trào, nhiều khi hơi quá. Nhiều vấn đề chỉ là sai lầm nhất thời của một số cá nhân nhưng cộng đồng mạng cứ nói đi nói lại, rất nhiều người nói và có lời lẽ miệt thị, lăng mạ người ta. Mình nghĩ đây là việc rất xấu và không nên như thế", bạn Trang bày tỏ.
Trước thực tế này, theo Nhà báo Phạm Trung Tuyến, Phó Giám đốc kênh VOV Giao thông, mọi người nên có trách nhiệm với uy tín của bản thân mình khi sử dụng mạng xã hội. Trách nhiệm ở đây là cần phải tuân thủ quy định của luật pháp, không gây ra những ảnh hưởng tiêu cực gây tổn thương cho người khác.
Nhà báo Phạm Trung Tuyến cho rằng lâu nay mọi người thường hình dung đây là một môi trường ảo, vì thế những phát ngôn, lời lẽ khi đưa lên mạng xã hội sẽ không trực tiếp tác động đến người khác và tới cộng đồng. Song thực tiễn không phải như vậy, bởi nếu người dùng thiếu trách nhiệm với những nội dung đăng tải hoặc chia sẻ với những thông tin chưa được kiểm chứng sẽ có tác động tiêu cực đến xã hội, con người, tổ chức, doanh nghiệp...
"Trên thực tế thấy rõ việc sử dụng mạng xã hội thiếu trách nhiệm sẽ tạo thông tin sai lệch, có thể vô tình hoặc cố ý tác động tạo ra thông tin xấu gây tác động ảnh hưởng tới quyền lợi của cá nhân, doanh nghiệp cũng như với xã hội. Tôi nghĩ sử dụng mạng xã hội cần có trách nhiệm giống việc chúng ta ứng xử trong cuộc sống hàng ngày vậy. Để người dân thực sự có trách nhiệm thì luật pháp phải rõ ràng cụ thể về quy định về sử dụng mạng xã hội cần phải được phổ biến một cách cụ thể hơn, rõ ràng hơn và có tính răn đe mạnh mẽ hơn khi đó người dân sẽ tuân thủ và có trách nhiệm hơn", nhà báo Phạm Trung Tuyến nói.
Đồng tình với quan điểm này, nhà báo Đỗ Doãn Hoàng, PV Báo Lao Động cho rằng, quan niệm của nhiều người rằng mạng xã hội là trang cá nhân của mình nên muốn đăng tải gì thì tùy ý muốn, nếu có vấn đề gì thì gỡ cũng chẳng sao... Đây là quan điểm rất sai lầm, bởi khi đưa thông tin trên mạng thì hiệu ứng của nó sẽ rất lớn và không thể kiểm soát được do tốc độ chia sẻ của những người dùng. Do đó, khi phát hiện thông tin không chính xác, người dùng gỡ xuống thì hậu quả đã xảy ra rồi...
Vì vậy, nhà báo Đỗ Doãn Hoàng luôn tâm niệm, đưa thông tin lên mạng xã hội cũng như đưa thông tin lên tờ báo nơi mình làm việc luôn phải thận trọng về góc độ đạo đức và luật pháp, về tính khách quan, sự trung thực cũng như tầm ảnh hưởng của nó như thế nào và phải chịu trách nhiệm về vấn đề được đăng tải. Theo đó, để chia sẻ một câu chuyện, bài báo hay một thông tin nào đó... anh đều phải kiểm chứng tỉ mỉ, cẩn trọng, trách nhiệm bằng nhiều nguồn thông tin.
Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng nhận định: "Sức mạnh của mạng xã hội, truyền thông là rất lớn và khi biết là rất lớn rồi thì hết sức thận trọng và khoa học cũng như có trách nhiệm với nó, bởi một lần đặt bút thì rất nhiều tai họa xảy ra nếu khi viết sai. Nếu họ ý thức thì bạn sẽ thận trọng, khi bạn thận trọng sẽ rèn luyện cho mình một tâm thế cũng như kiến thức để không phạm sai lầm. Tóm lại tôi đề cao ý thức của người sử dụng, cái gì không hiểu thì hỏi, cái gì chưa biết thì học, khi có ý thức là có tất cả."
Để khai thác và sử dụng hiệu quả mạng xã hội phục vụ cuộc sống, hay lấy cảm xúc cũng như lấy câu chuyện từ mạng xã hội thì điều kiện cần là chúng ta kiểm chứng nguồn thông tin, nên lấy từ nguồn thông tin chính thống, đáng tin cậy để tránh thông tin sai lệch, thông tin giả, xấu độc... tránh làm ảnh hưởng đến cộng đồng trong xã hội, đồng thời góp phần vào việc ổn định chính trị, xã hội trong bối cảnh bùng nổ công nghệ thông tin như hiện nay. Sử dụng mạng xã hội có trách nhiệm đúng luật và có văn hóa chính là cách để khiến cho môi trường mạng xã hội được an toàn và lành mạnh./.
Nguyễn Hằng/VOV