Các luật mới được thông qua có ý nghĩa quan trọng

Thứ Bảy, 15/06/2019, 06:22 [GMT+7]

Các Luật vừa được Quốc hội khóa XIV thông qua tại kỳ họp thứ 7 là những cơ sở pháp lý quan trọng để kịp thời giải quyết các vấn đề phát sinh từ thực tiễn cuộc sống, góp phần phát triển kinh tế-xã hội nhanh và bền vững, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân.

Phechuanthamphan.jpg

Cụ thể, 7 luật được Quốc hội kỳ này thông qua gồm: Luật Giáo dục; Luật Kiến trúc; Luật Quản lý thuế; Luật Đầu tư công; Luật Thi hành án hình sự; Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm, Luật Sở hữu trí tuệ.

Trong phát biểu bế mạc kỳ họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá, các dự án luật được cho ý kiến tại kỳ họp này có ý nghĩa quan trọng trong việc tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tổ chức bộ máy, quản lý cán bộ, công chức, viên chức, bảo đảm quốc phòng, an ninh, phục vụ quá trình phát triển và hội nhập quốc tế của đất nước.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị các cơ quan hữu quan tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, tiếp tục lấy ý kiến rộng rãi các đối tượng chịu sự tác động, các chuyên gia, các nhà khoa học để nghiên cứu, hoàn thiện dự thảo, bảo đảm chất lượng trình Quốc hội xem xét tại kỳ họp tới.

Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia được ban hành nhằm tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc, nâng cao thể chất, tinh thần, tuổi thọ và chất lượng cuộc sống của người dân. Luật gồm 7 chương, 36 điều, quy định các biện pháp về giảm mức tiêu thụ, quản lý việc cung cấp rượu, bia và giảm tác hại của rượu, bia; điều kiện bảo đảm cho hoạt động phòng, chống tác hại của rượu, bia; quản lý nhà nước và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phòng, chống tác hại của rượu, bia. Trong đó, quy định cấm “Điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn”. Quy định này mở rộng đối tượng không được uống rượu, bia khi tham gia giao thông, tạo chế tài nghiêm khắc để xử lý nghiêm minh người vi phạm, đáp ứng nguyện vọng của cử tri và đại biểu Quốc hội, thể hiện quyết tâm của Quốc hội, của Chính phủ trong việc kiềm chế các vụ tai nạn giao thông. Quy định cụ thể việc quản lý quảng cáo rượu, bia và tài trợ của các tổ chức, cá nhân kinh doanh rượu, bia; quy định đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm đối với rượu, bia và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức trong phòng, chống tác hại của rượu, bia. Nhà nước ưu tiên các hoạt động thông tin, giáo dục, truyền thông; giảm tính sẵn có, dễ tiếp cận của rượu, bia; tăng cường quản lý sản xuất rượu thủ công; thực hiện các biện pháp phòng, chống tác hại của rượu, bia đối với trẻ em, thanh niên.

Luật Giáo dục được sửa đổi toàn diện nhằm tạo cơ sở pháp lý để nâng cao chất lượng giáo dục, chất lượng nguồn nhân lực, tăng tính dân chủ, tự chủ của các cơ sở giáo dục đào tạo. Luật gồm 9 chương, 117 điều, trong đó, quy định về liên thông giữa các cấp học, trình độ đào tạo trong giáo dục phổ thông, giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học; giấy chứng nhận hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông và giấy chứng nhận đủ yêu cầu khối lượng kiến thức văn hóa; việc giảng dạy khối lượng kiến thức văn hóa; chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông; cơ sở giáo dục; các quy định liên quan đến nhà giáo, người học; đầu tư, tài chính trong giáo dục; quản trị cơ sở giáo dục; quy định Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về giáo dục đào tạo…

Luật Thi hành án hình sự được sửa đổi toàn diện nhằm cụ thể hóa việc thi hành Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự và các đạo luật khác có liên quan, khắc phục những vướng mắc trong thực tiễn thi hành Luật hiện hành. Luật gồm 16 chương, 207 điều, trong đó, mở rộng phạm vi điều chỉnh; bổ sung quy định về thi hành án hình sự đối với pháp nhân thương mại; tái hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong án phạt tù, người được đặc xá, tha tù trước thời hạn có điều kiện; sửa đổi, bổ sung quy định về quyền, nghĩa vụ của phạm nhân, tổ chức lao động cho phạm nhân; tha tù trước thời hạn có điều kiện, án treo, thủ tục thi hành các hình phạt và biện pháp tư pháp; nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan có thẩm quyền trong thi hành án hình sự.

Luật Đầu tư công được sửa đổi toàn diện nhằm bảo đảm quản lý chặt chẽ, hiệu quả các hoạt động và nguồn vốn đầu tư công, khắc phục thêm một bước tình trạng đầu tư phân tán, dàn trải, đẩy mạnh phân cấp trong phê duyệt chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư chương trình, dự án đầu tư công. Luật gồm 6 chương, 101 điều với một số điểm mới như: quy định thống nhất quy trình phê duyệt chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư các dự án không phân biệt nguồn vốn trừ chương trình, dự án đầu tư sử dụng vốn vay ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài; phân cấp cho Hội đồng nhân dân được quyết định chủ trương đầu tư dự án nhóm A, B, C sử dụng vốn ngân sách địa phương, bao gồm vốn bổ sung có mục tiêu từ ngân sách cấp trên; thông báo tổng mức vốn đầu tư công dự kiến của các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương vào năm thứ tư của kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn trước...

Luật Quản lý thuế được sửa đổi toàn diện nhằm tạo cơ sở cho quản lý thuế hiện đại, tiếp cận những chuẩn mực, thông lệ quốc tế, cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho người nộp thuế, phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Luật gồm 17 chương, 152 điều với một số điểm mới như: áp dụng nguyên tắc bản chất hoạt động, giao dịch quyết định nghĩa vụ thuế; quy định Kiểm toán nhà nước chủ trì, phối hợp với cơ quan quản lý thuế thực hiện việc xác định chính xác nghĩa vụ thuế; quy định về khoanh nợ, xóa nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt...

Luật Kiến trúc được ban hành nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế, đáp ứng yêu cầu quản lý, phát triển kiến trúc; góp phần hình thành đội ngũ kiến trúc sư có đức, có tài, xây dựng nền kiến trúc Việt Nam hiện đại, giàu bản sắc dân tộc. Luật gồm 5 chương, 41 điều, quy định về: quản lý kiến trúc, hành nghề kiến trúc; chính sách của Nhà nước trong hoạt động kiến trúc và định hướng phát triển kiến trúc Việt Nam; bản sắc văn hóa dân tộc trong kiến trúc và quy chế quản lý kiến trúc; quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong hoạt động kiến trúc.

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm, Luật Sở hữu trí tuệ được ban hành nhằm đáp ứng kịp thời yêu cầu thực hiện các cam kết trong Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cùng các văn kiện liên quan. Trong đó, đã sửa đổi, bổ sung quy định về dịch vụ phụ trợ bảo hiểm, sáng chế, chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ,...

 

 

Theo Chinhphu.vn

.