Trả lời kiến nghị cử tri Thị xã Mường Lay, huyện Điện Biên Đông và Điện Biên
Điện Biên TV - 3. Cử tri thị xã Mường Lay kiến nghị
Khu vực gần đầu cầu Chi Luông (thuộc Tổ dân phố 5, phường Na Lay) nằm trên Tỉnh lộ 142, do cửa thu hệ thống thoát nước cao hơn so với mặt đường, vì vậy, vào mùa mưa có rất nhiều bùn, đất bị ứ đọng ảnh hưởng đến việc đi lại và sinh hoạt của người dân, đã có nhiều phương tiện gặp tai nạn khi đi qua khu vực này. Đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo cơ quan có thẩm quyền sớm xem xét, có biện pháp xử lý để khắc phục tình trạng trên.
Nội dung này UBND tỉnh trả lời như sau: Nguyên nhân để xảy ra tình trạng vào mùa mưa có rất nhiều bùn, đất bị ứ đọng tại khu vực gần cầu Chi Luông (thuộc tổ dân phố 5, phường Na Lay) nằm trên Tỉnh lộ 142, là do quá trình triển khai thi công hạng mục khắc phục sự cố sạt trượt taluy dương thuộc dự án San nền, đường giao thông, thoát nước Khu tái định cư Chi Luông, Thị xã Mường Lay (do Ban QLDA di dân, tái định cư thủy điện Sơn La tỉnh Điện Biên làm chủ đầu tư) đã để xảy ra tình trạng đất đá vương vãi trong quá trình vận chuyển vật liệu xây dựng, vật liệu đổ thải tại khu vực cầu Chi Luông, gây mất vệ sinh môi trường, bùn, đất bị ứ đọng trên mặt đường, làm nước không thoát được vào cửa hố thu, đất đá thải bồi lấp lòng cầu ảnh hưởng đến việc đi lại và sinh hoạt của người dân, tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn giao thông rất cao, đồng thời ảnh hưởng đến khả năng khai thác, tính ổn định kết cấu công trình cầu.
Ngày 21/02/2018, Sở Giao thông Vận tải đã có Văn bản số 327/SGTVT-KT&QLGT đề nghị Ban QLDA di dân TĐC thủy điện Sơn La thực hiện vệ sinh công nghiệp đảm bảo môi trường trong quá trình thi công dự án đầu tư xây dựng công trình San nền, đường giao thông, thoát nước Khu TĐC Chi Luông, thị xã Mường Lay. Theo đó, Ban QLDA di dân TĐC thủy điện Sơn La đã có Văn bản số 09/BQLDA-XDCB ngày 16/3/2018 báo cáo tình hình thực hiện công tác vệ sinh môi trường và thanh thải đất khu vực cầu Chi Luông, Thị xã Mường Lay, trong đó đã thực hiện thanh thải đất đá vương vãi trên tuyến Tỉnh lộ142 đảm bảo an toàn giao thông, đồng thời Chủ đầu tư cũng đã cam kết sẽ thực hiện nghiêm túc và chịu trách nhiệm về an toàn của khu vực cầu Chi Luông, không để xảy ra sự cố đất đá chưa được thanh thải trong quá trình thi công xây dựng gây ra.
Bên cạnh đó, Sở Giao thông vận tải cũng đã chỉ đạo Công ty Cổ phần đường bộ 226 tiến hành đào nạo vét bùn đất tại các cửa hố thu đảm bảo thoát nước tốt, đặc biệt là tăng cường công tác đào nạo vét rãnh dọc, vệ sinh mặt đường khi mưa lũ xảy ra.
4. Cử tri huyện Điện Biên Đông kiến nghị
4.1. Cử tri xã Na Son kiến nghị:
- Đề nghị UBND tỉnh xem xét bố trí kinh phí đầu tư nâng cấp tuyến đường từ thị trấn huyện Điện Biên Đông đến xã Na Son để thuận tiện cho người dân khi tham gia giao thông, góp phần đẩy mạnh lưu thông hàng hóa trên địa bàn, giúp người dân phát triển kinh tế, từng bước xóa đói giảm nghèo
Nội dung này UBND tỉnh trả lời như sau: Tuyến đường từ trung tâm xã Na Son đến thị trấn huyện Điện Biên Đông có chiều dài khoảng 7km thuộc tuyến đường tỉnh 146 (Búng Lao - Na Son). Theo Quy hoạch phát triển giao thông vận tải giai đoạn 2011-2020, định hướng đến 2030, tuyến đường Búng Lao - Na Son sẽ được đầu tư cải tạo, nâng cấp nhựa hóa. Trong giai đoạn 2011-2015 mới chỉ đầu tư hoàn thành được đoạn đầu Búng Lao - Mường Lạn bằng nguồn vốn TPCP, đoạn Mường Lạn - Sa Dung - Na Son hiện vẫn là đường cấp phối. Dự án đã được dự kiến đưa vào kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016-2020; tuy nhiên, do nguồn vốn NSTW giai đoạn 2016-2020 còn hạn chế, chỉ cân đối bố trí được cho tuyến đường trục của huyện Điện Biên Đông là đường Phì Nhừ - Phình Giàng - Pú Hồng - Mường Nhà, giai đoạn 1 đầu tư đoạn Phì Nhừ - Phình Giàng với kinh phí đầu tư là 274 tỷ đồng (hiện đang triển khai thực hiện) và chưa có khả năng cân đối bố trí cho dự án đầu tư nâng cấp, mở rộng tuyến đường Mường Lạn - Sa Dung - Na Son.
Tiếp thu ý kiến của cử tri, căn cứ khả năng cân đối các nguồn vốn đầu tư công của địa phương và đề xuất của UBND huyện Điện Biên Đông; UBND tỉnh sẽ báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét đầu tư trong kế hoạch đầu tư công sau trung hạn giai đoạn sau năm 2020.
- Hiện nay, nhà đầu tư đang chuẩn bị triển khai thực hiện Dự án Cải tạo nâng cấp Trạm thủy điện Na Son, xã Na Son, huyện Điện Biên Đông. Cử tri đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chức năng xem xét mức giá đền bù về: đất, tài sản, hoa màu của người dân cho phù hợp, tránh thiệt thòi cho người dân có đất bị thu hồi; đồng thời có cam kết giữa Nhà đầu tư với chính quyền địa phương và người dân trong quá trình triển khai thực hiện dự án, không làm ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất của nhân dân địa phương
Về nội dung này UBND tỉnh trả lời như sau: Căn cứ Quyết định số 1278/QĐ-UBND ngày 25/12/2017 của UBND tỉnh Điện Biên phê duyệt giá đất cụ thể để tính tiền bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình: Thủy điện Na Son, xã Na Son, huyện Điện Biên Đông; nhà đầu tư đã lập, trình thẩm định, phê duyệt phương án đền bù giải phóng mặt bằng trong phạm vi dự án. Ngày 06/02/2018 UBND huyện Điện Biên Đông đã ban hành Quyết định số 144/QĐ-UBND phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ giai đoạn I xây dựng công trình: Thủy điện Na Son, xã Na Son, huyện Điện Biên Đông. Theo đó, tổng giá trị bồi thường, hỗ trợ do chủ dự án phải chi trả cho các tổ chức, hộ gia đình, các nhân là 653.373.486 đồng, bao gồm: Bồi thường hỗ trợ về đất 191.966.800 đồng; Bồi thường về cây trồng vật nuôi 2.965.500 đồng; Hỗ trợ về đất và ổn định đời sống 391.413.350 đồng; Thưởng tiến độ bàn giao mặt bằng 18.629.800 đồng; Chi phí tổ chức thực hiện 48.398.036 đồng. Đến nay, nhà đầu tư đã thực hiện hoàn thiện tất cả các hợp đồng bồi thường, hỗ trợ tài sản gắn liền với đất và quyền sử dụng đất cho 38 hộ dân bị ảnh hưởng trong phạm vi Dự án xây dựng công trình Thủy điện Na Son, xã Na Son, huyện Điện Biên Đông và được người dân chấp thuận không có ý kiến khác phát sinh.
4.2. Cử tri xã Luân Giói: Đề nghị tỉnh giao thêm chỉ tiêu tuyển nghĩa vụ quân sự đối với công dân nhập ngũ là nữ giới.
Nội dung này UBND tỉnh trả lời như sau: Theo quy định tại khoản 2 Điều 6 Luật nghĩa vụ quân sự năm 2015 quy định “Công dân nữ trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự trong thời bình nếu tự nguyện và quân đội có nhu cầu thì được phục vụ tại ngũ”. Thực hiện Luật nghĩa vụ quân sự và căn cứ vào nhu cầu sử dụng; Bộ Quốc phòng quyết định giao chỉ tiêu, đối tượng tuyển chọn công dân nhập ngũ cho các địa phương. Thực tế trong những năm qua, tỉnh Điện Biên không được Bộ Quốc phòng giao chỉ tiêu tuyển chọn công dân nữ vào quân đội.
UBND tỉnh tiếp thu ý kiến của cử tri, giao cho Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh tham mưu cho Hội đồng nghĩa vụ quân sự tỉnh để đề nghị với Bộ Tư lệnh Quân khu 2 và Bộ Quốc phòng giao chỉ tiêu tuyển chọn đối với công dân là nữ giới cho tỉnh Điện Biên trong thời gian tới.
5. Cử tri huyện Điện Biên kiến nghị
5.1. Cử tri xã Na Ư kiến nghị:
- Hiện nay, Công ty TNHH Hoàng Anh và Nhà máy Xi măng Điện Biên khai thác đá, sỏi trên địa bàn xã gây bụi, ồn, ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân Bản Na Láy, bản Ka Hau; đặc biệt đối với những diện tích ruộng gần mỏ khai thác, đá, sỏi rơi làm ảnh hưởng tới việc sản xuất của nhân dân. Đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường các biện pháp kiểm tra, giám sát, yêu cầu giảm thiểu ô nhiễm môi trường; xử phạt đối với những hành vi cố tình vi phạm gây ô nhiễm môi trường; chỉ đạo các doanh nghiệp bố trí thời gian khai thác hợp lý để không làm ảnh hưởng đến việc sản xuất của nhân dân.
Về nội dung này UBND tỉnh trả lời như sau: Ngày 02/02/2018 UBND tỉnh đã có Văn bản 318/UBND-TH chỉ đạo và giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì kiểm tra hiện trạng khu vực mỏ khai thác, chế biến đá của các doanh nghiệp: Công ty TNHH Đầu tư Thương mại và Dịch vụ Hoàng Anh, Công ty Cổ phần Xi măng Điện Biên, kết quả như sau:
- Về thực hiện các thủ tục về môi trường: Mỏ đá của Công ty TNHH Đầu tư Thương mại và Dịch vụ Hoàng Anh, Công ty Cổ phần Xi măng Điện Biên đã lập Báo cáo đánh giá tác động môi trường, Đề án bảo vệ môi trường chi tiết và Dự án cải tạo, phục hồi môi trường và được UBND tỉnh phê duyệt theo đúng quy định; các đơn vị đã thực hiện ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường trong khai thác khoáng sản; đã lập báo cáo quản lý chất thải nguy hại định kỳ gửi cơ quan chức năng, thực hiện đúng chương trình quan trắc, giám sát môi trường theo nội dung Báo cáo đánh giá tác động môi trường, đề án bảo vệ môi trường chi tiết được phê duyệt.
- Về quản lý và xử lý chất thải, bảo vệ môi trường: Các đơn vị đã thực hiện đúng quy định về quản lý chất thải rắn thông thường, quản lý CTNH; thực hiện các biện pháp nhằm giảm thiểu bụi phát sinh trong quá trình nổ mìn, vận chuyển đá thành phẩm theo đúng nội dung báo cáo ĐTM, Đề án bảo vệ môi trường chi tiết được phê duyệt.
- Đối với hoạt động nổ mìn: Các đơn vị đều gửi thông báo cho UBND xã Kế hoạch, thời gian nổ mìn theo Giấy phép nổ mìn được cấp.
- Tại thời điểm kiểm tra, dây truyền sản xuất đá tại các khu mỏ đang hoạt động và có áp dụng các biện pháp phun dập bụi. Tại mỗi mỏ, Đoàn kiểm tra đã tiến hành đo 01 mẫu không khí ngoài khu khai thác nhằm đánh giá ảnh hưởng của hoạt động khai thác, chế biến đá đối với môi trường xung quanh. Kết quả đo cho thấy các thông số đều đạt QCVN 05:2013/BTNMT Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng không khí xung quanh.
- Qua kết quả kiểm tra Sở Tài nguyên và Môi trường đã yêu cầu Công ty TNHH Đầu tư Thương mại và Dịch vụ Hoàng Anh và Công ty Cổ phần Xi măng Điện Biên:
+ Duy trì thường xuyên các biện pháp bảo vệ môi trường theo đúng các nội dung cam kết trong báo cáo đánh giá tác động môi trường và đề án bảo vệ môi trường chi tiết được phê duyệt; thực hiện đúng quy định về quản lý chất thải rắn thông thường, CTNH và chương trình quan trắc giám sát môi trường định kỳ.
+ Thực hiện đúng các quy định về quản lý, sử dụng vật liệu nổ theo giấy phép nổ mìn được cấp; tăng cường các biện pháp cảnh báo trước khi nổ mìn để đảm bảo an toàn cho người dân và tài sản khu vực xung quanh.
+ Đối với những diện tích ruộng gần mỏ khai thác Công ty TNHH Đầu tư Thương mại và Dịch vụ Hoàng Anh cần chủ động phối hợp cùng UBND xã Na Ư và hộ dân có đất nương giáp ranh, xác định cụ thể ranh giới đất của công ty và đất của hộ dân. Trong trường hợp xác định là đất nương của dân, yêu cầu công ty thu dọn đất đá trả lại hiện trạng cho người dân canh tác.
- Hiện nay, tình trạng một số hộ dân không muốn thoát nghèo khá phổ biến, đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan chức năng tổ chức thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ việc điều tra, rà soát hộ nghèo hàng năm.
Nội dung này UBND tỉnh trả lời như sau: Những năm qua, tỉnh Điện Biên luôn xác định xóa đói giảm nghèo là nhiệm vụ trọng tâm, quan trọng của tỉnh. Hằng năm, UBND tỉnh đã chỉ đạo quyết liệt các cấp, các ngành triển khai thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện các chương trình, dự án, chính sách giảm nghèo và đã đạt được những kết quả tích cực. Đồng thời, tỉnh cũng đã chỉ đạo các ngành chức năng và các huyện thực hiện công tác điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo hằng năm theo đúng chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, làm cơ sở để thực hiện các chính sách an sinh xã hội và các chính sách kinh tế, xã hội khác của tỉnh.
Tuy nhiên, vẫn còn xảy ra tình trạng một số hộ dân không muốn thoát nghèo để thụ hưởng chính sách hỗ trợ của Nhà nước như phản ánh nêu tại kiến nghị của cử tri. Bên cạnh đó, công tác điều tra rà soát, hộ nghèo, hộ cận nghèo hằng năm còn một số tồn tại, hạn chế, bất cập như Bộ công cụ rà soát do Trung ương ban hành còn một số điểm chưa phù hợp với thực tế, chưa phản ánh chính xác tình hình đời sống nhân dân, ý thức, vai trò, trách nhiệm, năng lực chuyên môn của một số Ban chỉ đạo điều tra, rà soát và cán bộ xã còn hạn chế, còn xảy ra tình trạng nể nang người nhà của một số trưởng thôn bản, bí thư chi bộ và điều tra viên, một bộ phận người dân chưa trung thực khai báo đặc điểm tình hình kinh tế, thu nhập của gia đình.
Trước thực trạng trên, đối với Trung ương UBND tỉnh đã có những kiến nghị cụ thể với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội xem xét, sửa đổi những điểm còn bất cập trong Bộ công cụ rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo hằng năm tại các Báo cáo của tỉnh với Trung ương về công tác giảm nghèo. Đối với các tồn tại, hạn chế, yếu kém xuất phát từ cơ sở và người dân cũng đã được UBND tỉnh và các ngành thành viên Ban Chỉ đạo tỉnh chỉ đạo rất quyết liệt khi thực hiện các cuộc điều tra rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo hằng năm. Ghi nhận kiến nghị của cử tri, thời điểm cuối năm 2018 và các năm tiếp theo khi tỉnh triển khai Kế hoạch điều tra rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo, UBND tỉnh sẽ tiếp tục quyết liệt chỉ đạo các ngành chức năng, nhất là các địa phương tập trung thực hiện các giải pháp khắc phục các tồn tại, hạn chế này, trong đó sẽ tăng cường giáo dục, tuyên truyền, tập huấn, bồi dưỡng nâng cao vai trò, nhận thức, ý thức, trách nhiệm, năng lực chuyên môn của cán bộ chính quyền cơ sở, thôn bản và người dân. Đồng thời sẽ tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra, giám sát, phúc tra kết quả điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo của các địa phương, cơ sở.
5.2. Cử tri Đồn Biên Phòng Cửa khẩu Quốc tế Tây Trang kiến nghị:
- Hiện nay, Trạm Kiểm soát liên hợp đã xuống cấp nghiêm trọng, nhiều hạng mục công trình không thể tiếp tục sử dụng, nhiều hạng mục thiếu so với nhu cầu. Đề nghị UBND tỉnh bố trí kinh phí để cải tạo, sửa chữa, nâng cấp.
Nội dung này UBND tỉnh trả lời như sau: Công trình Trạm kiểm soát liên hợp cửa khẩu Quốc tế Tây Trang được UBND tỉnh đầu tư xây dựng từ năm 2005 tại Quyết định số 768/QĐ-UBND ngày 21/7/2005, với tổng mức đầu tư được phê duyệt là 6.000 triệu đồng (bao gồm đầu tư cả hạng mục trạm cân xe), với quy mô đầu tư nhà cấp III 2 tầng, diện tích xây dựng 905,7m2, diện tích sàn 1659m2; công trình hoàn thành bàn giao đưa vào khai thác, sử dụng ngày 10/12/2007. Công trình được UBND tỉnh phê duyệt quyết toán tại Quyết định số 1220/QĐ-UBND ngày 20/7/2009, với giá trị phê duyệt quyết toán dự án hoàn thành là 5.883,3 triệu đồng, sử dụng nguồn vốn CK viện trợ và ngân sách Trung ương.
Hiện nay, trạm kiểm soát liên hợp cửa khẩu Quốc tế Tây Trang được UBND tỉnh giao cho Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh quản lý, khai thác và sử dụng từ ngày 20/7/2009. Qua hơn 10 năm khai thác, sử dụng, đến nay theo phản ánh của đơn vị quản lý thì Trạm kiểm soát liên hợp Cửa khẩu Quốc tế Tây Trang đã xuống cấp, hư hỏng, một số hạng mục công trình không thể tiếp tục sử dụng, nhiều hạng mục đầu tư còn thiếu so với nhu cầu. Xuất phát từ thực tế nêu trên việc sửa chữa, cải tạo và nâng cấp cơ sở vật chất hiện có của Trạm kiểm soát liên hợp cửa khẩu Quốc tế Tây Trang để phục vụ hoạt động của các ngành chức năng tại khu vực cửa khẩu là cần thiết.
Để có đủ cơ sở xem xét quyết định việc cải tạo, sửa chữa công trình, bảo đảm đúng trình tự thủ tục đầu tư xây dựng theo quy định của pháp luật hiện hành. UBND tỉnh giao Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh (đơn vị quản lý tài sản) có trách nhiệm phối hợp với các ngành chức năng (Sở Xây dựng, Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư) thành lập đoàn kiểm tra liên ngành tổ chức kiểm tra, đánh giá hiện trạng công trình, thống nhất phương án cải tạo, sửa chữa, khái toán kinh phí và nguồn kinh phí thực hiện, trên cơ sở đó tổng hợp báo cáo UBND tỉnh xem xét, quyết định chủ trương cải tạo, sửa chữa công trình. Sau khi được UBND tỉnh cho chủ trương đầu tư, yêu cầu đơn vị thực hiện đầy đủ các thủ tục đầu tư xây dựng theo quy định.
- Theo phản ánh của cử tri, hiện nay, các doanh nghiệp, thương lái Điện Biên vận chuyển hàng hóa sang các tỉnh Phong Sa Lỳ, U Đôm Xay, Luông Pha Băng, Nước CHDCND Lào bán bị thu thuế cao hơn so với quy định và bị đánh thuế nhiều lần (cùng một lô hàng nhưng qua tỉnh nào cũng bị đánh thuế); do đó đã hạn chế việc giao thương, trao đổi hàng hóa, kìm hãm sự phát triển kinh tế của đôi bên. Đề nghị UBND tỉnh kiểm tra, xem xét, có ý kiến với các tỉnh nước bạn Lào, ban hành quy chế phối hợp để khắc phục tình trạng trên.
Về nội dung này UBND tỉnh trả lời như sau: Nội dung cử tri Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Tây Trang phản ánh là chính xác. Tuy nhiên, việc thu thuế cao hơn so với quy định và bị đánh thuế nhiều lần trên cùng một lô hàng, qua nhiều tỉnh là quy định thuộc phạm vi điều chỉnh của pháp luật nước CHDCND Lào.
Để khắc phục vấn đề cử tri phản ánh, trong thời gian tới, UBND tỉnh sẽ thành lập đoàn công tác liên ngành sang gặp gỡ, trao đổi với các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền của phía Bạn, nhằm đánh giá thực trạng việc thu và mức thu thuế các lô hàng khi thông quan qua Cửa khẩu. Sau khi có báo cáo đánh giá của Đoàn công tác liên ngành, căn cứ vào thực tế, tỉnh Điện Biên sẽ có Công hàm trao đổi chính thức với phía bạn để khắc phục. Đồng thời, có công văn đề nghị Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Luông Pha Băng phối hợp với Văn phòng thương mại tại Luông Pha Băng tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp và thương lái Việt Nam sang giao thương, trao đổi hàng hóa, tích cực góp phần thúc đẩy hợp tác kinh tế phát triển.
5.3. Cử tri xã Nà Tấu kiến nghị:
- Hiện nay, có 10 hộ dân đang sinh sống gần trại giam Nà Tấu có đường điện đi qua nhưng chưa được sử dụng điện. Đề nghị Công ty Điện lực Điện Biên quan tâm, xem xét đầu tư đường điện cho các hộ dân nói trên.
Nội dung này UBND tỉnh trả lời như sau: Công ty Điện lực Điện Biên đã chỉ đạo Điện lực Thành phố Điện Biên Phủ đến làm việc trực tiếp với Trại giam Nà Tấu (chủ sở hữu tài sản có lưới điện đi qua các hộ dân).
Ngay sau khi có sự đồng ý cho các hộ dân lắp đặt điện qua trạm biến áp Phân trại 1 thuộc tài sản của Trại giam Nà Tấu. Ngày 07/02/2018 Điện lực Thành phố Điện Biên Phủ đã thực hiện lắp đặt công tơ và ký hợp đồng mua bán điện trực tiếp đến 10 hộ dân trên thuộc bản Tà Cáng 2 xã Nà Tấu. Đến nay, 10 hộ dân nêu trên đã có điện sử dụng.
- Theo phản ánh của cử tri, Trại giam Nà Tấu đổ đất, kéo đường điện làm hỏng mương và 500m ống dẫn nước tưới tiêu của dân nhưng không sửa chữa khắc phục hoàn trả; Đề nghị UBND tỉnh kiến nghị với Tổng cục 8 - Bộ Công an chỉ đạo Trại giam Nà Tấu sớm khắc phục hoàn trả hoặc bồi thường thiệt hại cho nhân dân.
Về nội dung này UBND tỉnh trả lời như sau: Qua kết quả kiểm tra thực tế và báo cáo của UBND huyện Điện Biên cho thấy việc tuyến kênh của công trình thủy lợi bản Hua Rốm 1+2 có chiều dài 70m bị gãy, lún, sạt lở do địa chất yếu; đoạn tuyến ống từ cuối kênh đi qua Trại giam Nà Tấu có chiều dài 650m ống HDPE Ø200mm, trong đó có khoảng 300m ống nằm sâu từ 2-3m dưới lòng đất tại vị trí tiếp giáp với xưởng sản xuất cột điện của Trại giam Nà Tấu bị dập, vỡ, đứt gãy do máy xúc của Trại giam Nà Tấu thi công nền nhà xưởng sản xuất cột điện gây nên.
Để giải quyết vấn đề này, yêu cầu UBND huyện Điện Biên làm việc cụ thể với Trại giam Nà Tấu nhằm xác định rõ những thiệt hại do việc thi công nền nhà xưởng sản xuất cột điện của Trại giam Nà Tấu gây ra và thống nhất phương án khắc phục dứt điểm, trên cơ sở đó yêu cầu Trại giam Nà Tấu bố trí kinh phí bồi thường thiệt hại theo quy định. Đối với các hỏng hóc do các nguyên nhân khác, huyện phải chủ động ưu tiên bố trí kinh phí sửa chữa để đảm bảo nước tưới tiêu phục vụ nhu cầu sản xuất của nhân dân, trường hợp còn thiếu kinh phí, huyện làm việc cụ thể với các ngành chức năng của tỉnh để báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
(Hết)
BBT