Quy hoạch hệ thống báo chí - Khó nhưng vẫn phải làm
Theo Bộ trưởng Bộ TT&TT, quy hoạch để báo chí mạnh hơn, hiệu quả hơn, không chạy theo lợi nhuận thuần túy, không để tư nhân sở hữu báo chí, không để nhóm lợi ích chi phối.
Tại hội nghị triển khai Đề án quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025 được Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức tại Hà Nội ngày 25/9, nhiều đại biểu tham dự đã cùng đặt ra các vấn đề như xem xét cơ chế đặc thù đối với một số tờ báo, cơ quan báo chí có số lượng, có sức ảnh hưởng lớn đến công chúng và xem xét việc thực hiện sáp nhập không gây ảnh hưởng đến đội ngũ nhà báo, phóng viên, biên tập viên...
Bộ Giao thông Vận tải được đánh giá là cơ quan đi đầu trong việc thực hiện quy hoạch hệ thống báo chí. Từ chỗ có 7 tờ báo, tạp chí, Bộ đã thực hiện việc tái cơ cấu, dừng xuất bản báo Đường sắt và 5 tạp chí từ đầu tháng 4/2015.
Thời điểm trước sát nhập các báo, tạp chí trực thuộc Bộ có 13 tổng biên tập và phó tổng biên tập. Nhân sự báo chí sau đó được chuyển về Báo Giao thông, các nhân sự không có chuyên môn báo chí hoặc có nhu cầu ở lại, cơ quan chủ quản có trách nhiệm bố trí công việc, giải quyết chế độ.
Thận trọng, từng bước, theo lộ trình, dễ làm trước, khó làm sau, Bộ trưởng TT&TT Nguyễn Bắc Son khẳng định, đây là việc lớn, cấp bách, phức tạp, nhạy cảm, có tác động đến nhiều địa phương, cơ quan, đơn vị, đối tượng.
Ngày 1/10 tới, Bộ Thông tin - Truyền thông sẽ làm việc trước tiên với TP.HCM, sau đó là các địa phương, các bộ, ngành, liên hiệp. Sắp xếp, nhưng phải hạn chế thấp nhất những ảnh hưởng đến những người làm báo, thậm chí phải quan tâm đến họ cả khi tờ báo đó không còn là quyết tâm và cả thách thức của những người chịu trách nhiệm triển khai đề án thời điểm này.
Theo VTV