Đôi nét về dân tộc Khơ Mú
Điện Biên TV - Khơ Mú là 1 trong những cộng đồng dân tộc sinh sống lâu đời trên mảnh đất Điện Biên. Họ cư trú theo từng bản và có văn hóa truyền thống phong phú. Cộng đồng người Khơ Mú tuy ít, sống rải rác và chịu ảnh hưởng nhiều của người Thái song đời sống văn hoá của người Khơ Mú vẫn là một kho tàng lớn cần được bảo tồn và phát huy.
Trên địa bàn tỉnh, người Khơ Mú cư trú đông nhất ở huyện Tuần Giáo, huyện Điện Biên, huyện Điện Biên Đông, huyện Mường Chà. Cuộc sống của người Khơ Mú gắn liền với rừng, núi, sông, suối, với thiên nhiên.
Sinh kế chủ yếu của người Khơ Mú chủ yếu là làm nương và ruộng lúa nước. Bản cư trú thường cách xa nhau, nhỏ bé, ít dân; các dòng họ thường mang tên một loài thú, một loài chim hay một thứ cây rừng.
Từ xa xưa, trong tiềm thức của người Khơ Mú là phải làm một kiểu nhà an toàn, chịu đựng được điều kiện nơi núi cao rừng sâu. Vì thế những ngôi nhà truyền thống ra đời, gắn với đồng bào hàng ngàn năm, giúp họ tồn tại, phát triển và tránh được biết bao hiểm nguy bởi thú dữ, bởi thiên tai khắc nghiệt.
Để có ngôi nhà vừa ý, người Khơ Mú chọn những loại gỗ tốt làm khung, trước đây mái nhà được lợp gianh, nhờ khói bếp lâu ngày bám vào mà tạo được độ bền, còn ngày nay mái nhà đã được thay thế bằng mái tôn, ngói và các loại tấm lợp khác. Ngôi nhà không chỉ để cho nhiều thế hệ cùng chung sống mà còn là nơi gặp gỡ anh em họ tộc, bà con làng bản mỗi khi gia đình có việc. Vì thế diện tích nhà thường rộng từ 60 đến 80 mét vuông.
Nhà sàn Khơ Mú cấu trúc 3 gian. Bếp nấu được làm ngay ở góc gần cầu thang phía trước. Một bếp nữa ở gian thứ hai đặt lễ thờ cúng tổ tiên, ma nhà... Bếp thứ ba ở gian trong cùng, chỉ để xôi cơm, nấu rượu. Khách không nên đến gần hai bếp này vì đồng bào quan niệm dễ đem điều rủi ro tới cho chủ nhà.
Một nét đặc trưng của ngôi nhà sàn người Khơ Mú là nhà chỉ có một cửa chính để ra vào và một cầu thang để lên xuống. Còn một cửa phụ phía cuối gian trong cùng chỉ được mở khi ông chủ nhà qua đời, còn bình thường đây là khu vực để thờ cúng.
Phụ nữ người Khơ Mú. |
Trang phục của người Khơ Mú chịu ảnh hưởng nhiều trang phục của người Thái. Khăn piêu, áo cóm đen, áo có hàng cúc bướm chạy dọc đối diện nhau, váy bằng vải đen. Riêng ngực áo cóm, dọc hai bên hàng cúc áo có bộ giải hình mặt trời tròn và hình mặt trời khuyết, ở giữa giải có đính những đồng tiền bạc thể hiện sự mong ước giàu sang phồn thịnh luôn được vị thần mặt trời sưởi ấm, che chở.
Khăn piêu gần giống như khăn piêu Thái, khác là đầu khăn có khâu những đường viền xanh đỏ. Cách đội khăn piêu của người Khơ Mú khác hoàn toàn với cách đội khăn piêu của người Thái. Khi đội khăn, người Khơ Mú đã biết tạo cho mình một phong cách riêng biệt, trước khi đội khăn, chị em búi tóc gọn trên đầu, dùng thêm độn tóc cho búi tóc đẹp. Sau đó, chị em mới quấn khăn quanh đầu, ôm lấy búi tóc ngược, còn đầu kia giấu kín vào vành khăn.
Trang phục của nam giới gồm có áo, quần được may bằng vải bông nhuộm chàm. Vào những dịp lễ, tết, cưới hỏi, đàn ông người Khơ Mú thường mặc áo dài màu đen và đội mũ nồi đối với người già, áo ngắn có khuy bằng vải đen đối với người trẻ tuổi.
Một nét đặc trưng trong văn hoá của người Khơ Mú là nghệ thuật múa của người Khơ Mú thường sử dụng các đạo cụ từ những nguyên liệu tự nhiên như ống tre, ống nứa. Một số đạo cụ được sử dụng trong múa đồng thời cũng được coi là nhạc cụ tạo ra âm nhạc để dẫn dắt người múa theo những nhịp điệu, tiết tấu riêng.
Động tác múa Khơ Mú mang tính kỹ thuật cao. Bên cạnh những động tác múa đơn giản như múa vòng thì còn có những động tác múa phức tạp đòi hỏi người tham gia phải linh hoạt, thích ứng nhịp nhàng với âm nhạc, có độ mềm dẻo nhất định và có tâm hồn nhạy cảm. Khi múa phải có sự kết hợp nhuần nhuyễn, uyển chuyển của nhiều động tác trên cơ thể như: Lên, xuống, uốn lượn, lắc ngang từ chân đến tay, bụng.
Khi thể hiện các điệu múa, toàn thân người múa đều rung lên thể hiện sức sống dồi dào, người múa như đắm mình trong những tiếng trống, tiếng chiêng rộn ràng và thăng hoa trong các điệu múa. Nghệ thuật múa của người Khơ Mú còn thể hiện tinh thần đoàn kết, tính cộng đồng cao thể hiện ở việc thu hút đông đảo các chủ thể tham gia thực hành múa và truyền dạy cho thế hệ trẻ.
Nghệ thuật múa Khơ Mú đã trở thành phong tục của cộng đồng và cuốn hút mọi người rộn ràng trong tiếng trống, tiếng chiêng trong các lễ hội, ngày hội, các cuộc vui của cộng đồng, mang đến niềm vui, sự hy vọng về cuộc sống ấm no cho người Khơ Mú làm nên dấu ấn văn hoá độc đáo của người Khơ Mú trong cộng đồng các dân tộc trên địa bàn tỉnh Điên Biên./.
Tuấn Trung/DIENBIENTV.VN