Lễ mừng cơm mới của dân tộc Si La
Điện Biên TV - Ngoài ý nghĩa tín ngưỡng, lễ mừng cơm mới của đồng bào Si La còn là dịp để các dòng họ tưởng nhớ những người đã khuất, biểu thị sự đoàn kết và sức mạnh cộng đồng và cầu mong muốn cho mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu, bản làng ấm no, sung túc.
Thời điểm vụ lúa đầu, người Si La sẽ lấy những hạt lúa chín đầu tiên của vụ mùa về cúng tổ tiên trước khi thu hoạch. |
Cuộc sống của người dân tộc Si La bền chặt với núi rừng, điều kiện canh tác khó khăn, đồng bào Si La luôn mơ ước về sự no đủ. Theo quan niệm của người Si La, trong suốt quá trình sản xuất của gia đình và dòng họ luôn có sự che chở của tổ tiên, ông bà, cha mẹ.
Thời điểm vụ lúa đầu, người Si La sẽ lấy những hạt lúa chín đầu tiên của vụ mùa về cúng tổ tiên trước khi thu hoạch. Nghi lễ diễn ra tại gia đình trưởng họ của mỗi dòng họ. Lễ cúng thường được làm vào buổi chiều, bởi theo quan niệm của người Si La khi mặt trời lặn ông bà mới có thể về bên con cháu.
Anh Lý Nhù Hừ, bản Nậm Sin, xã Chung Chải, huyện Mường Nhé cho biết: "Lễ cơm mới của người dân tộc Si La có truyền thống cội nguồn từ ngày xưa được truyền lại cho đến bây giờ. Cứ vào ngày rằm tháng 9 hàng năm chúng tôi tổ chức lễ cơm mới theo dòng họ."
Lễ mừng cơm mới là một trong những nghi lễ truyền thống đặc trưng của người Si La. Họ không chỉ tổ chức lễ tại từng gia đình của từng dòng họ riêng mà còn quây quần cả bản, cử thầy mo cùng tổ chức cúng cho cả bản.
Lễ vật là những đồ ăn thức uống quen thuộc trong đời sống hàng ngày, được bà con chuẩn bị từ nhiều ngày trước đó. Trong đó, cơm nấu bằng gạo mới gói cẩn thận trong lá chuối, một nắm bông lúa cùng với 1 con sóc, 1 con cua, 1 con cá đã được chế biến, gói vào lá chuối, hấp chín bày lên mâm cúng.
Mâm cúng còn đặt thêm bát nước trắng và một ống tre cao 15 cm, có đường kính miệng khoảng 8 cm, bên trong ống có men rượu, trên miệng phủ lá chuối và cắm 3 que tre, tượng trưng cho bình rượu cần.
Trong ngày làm lễ ngay từ sáng sớm, tất cả các gia đình trong bản tổ chức quét dọn vệ sinh quanh làng bản, dọn nhà cửa, rửa sạch bát đũa, lau chùi các đồ dùng sinh hoạt trong nhà và sửa sang nơi thờ cúng.
Đối với các đồ cúng chính như: cua, cá được phụ nữ ra suối bắt từ hôm trước, họ chọn những con cua to, béo để chế biến lễ vật. |
Đối với các đồ cúng chính như: Thịt sóc phải được những người đàn ông trong gia đình chuẩn bị từ 3 tháng trước đem về sấy khô để dành đến ngày làm lễ; cua, cá được phụ nữ ra suối bắt từ hôm trước, họ chọn những con cua to, béo để chế biến lễ vật.
Đồ cúng phải có đủ thực phẩm dưới sông suối và trên nương, trên rừng và điều đặc biệt không thể thiếu là cơm nấu bằng gạo mới. Sau khi mọi thứ được chuẩn bị xong, chiều tối trưởng dòng họ bắt đầu nấu cơm mới và chế biến các đồ lễ bày lên mâm cúng.
Khi mặt trời lặn hẳn, gia chủ tiến hành lễ cúng mời tổ tiên, ông bà, cha mẹ những người đã khuất về hưởng đồ lễ cơm mới. Đối với lễ cúng chung của bản thì cần một thầy mo phụ, còn tại gia đình trưởng họ khi cúng phải có một người con trai ngồi cạnh để mời rượu ông bà, tổ tiên.
Ông Hù Chà Thái, bản Nậm Sin, xã Chung Chải, huyện Mường Nhé cho biết: " Về lý nếu bố mất thì cúng một con sóc, một con cá, một con cua. Nếu cả bố và mẹ mất thì cúng hai con sóc, hai con cá, hai con cua, bông lúa và củ mài "
Trên địa bàn tỉnh Điện Biên có duy nhất 1 bản đồng bào dân tộc Si La là bản Nậm Sin, xã Chung Chải, huyện Mường Nhé với 30 hộ gần 100 nhân khẩu. Lễ mừng cơm mới (ồ ứng khẹ ê) là một trong những nghi lễ quan trọng trong đời sống văn hóa tinh thần phản ánh hiện thực cuộc sống, mang bản sắc độc đáo của dân tộc Si La. Đồng thời, truyền tải những tâm tư, tình cảm, suy nghĩ và thể hiện quan điểm sống của đồng bào Si La. Đây cũng là trong những nghi lễ độc đáo, một nét đẹp văn hóa cần được gìn giữ, phát huy./.
Việt Hòa- Văn Hùng/DIENBIENTV.VN