Những chuyển biến tích cực về văn hóa - xã hội
Những ngày mùa thu mang không khí lịch sử quan trọng này của đất nước, người dân khắp các thôn, bản vùng thấp, vùng cao trên địa bàn tỉnh ta đang nô nức, hào hứng chuẩn bị cho hoạt động vui chơi, gặp gỡ mừng ngày “Tết Ðộc lập” - Quốc khánh 2/9. Nhờ sự phát triển, vươn lên về mọi mặt của tỉnh nhà, đời sống tinh thần, văn hóa - xã hội của đồng bào các dân tộc được chăm lo, đảm bảo, nên những ngày lễ lớn của đất nước càng trở nên tưng bừng và ý nghĩa hơn.
Nghệ thuật tạo hoa văn trên trang phục truyền thống của người Mông hoa, huyện Mường Chà được công nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, là niềm tự hào, động lực gìn giữ của người dân bản địa. |
Tỉnh ta có văn hóa bản địa đặc sắc, đa dạng. Với chủ trương, chính sách của Ðảng, Nhà nước, nét đẹp truyền thống của các dân tộc trên địa bàn được quan tâm gìn giữ, bảo tồn, phát huy giá trị. Hàng năm có nhiều hoạt động thuộc lĩnh vực này được triển khai thực hiện, nhờ đó toàn tỉnh có 18/19 dân tộc được kiểm kê, đánh giá về di sản văn hóa; 11/19 dân tộc có di sản văn hóa tiêu biểu, đại diện được bảo tồn, phát huy.
Trong đó, 8 di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào danh mục quốc gia, gồm: Nghệ thuật xòe Thái, Lễ hội Ðền Hoàng Công Chất, Lễ Kin Pang Then của người Thái, Tết Nào Pê Chầu của người Mông, Tết té nước của người Lào, nghệ thuật tạo hoa văn trên trang phục truyền thống của người Mông hoa, Lễ Gạ Ma Thú người Hà Nhì, Tết Hoa người Cống.
Ngoài ra có 2 hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể đang được trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục quốc gia là: Lễ Tủ Cải của người Dao, lễ hội Pang Phoóng của người Kháng. Ông Chu Khai Sinh, thầy cúng ở bản A Pa Chải, xã Sín Thầu (huyện Mường Nhé) thường được mời tham gia trình diễn trích đoạn Lễ Gạ Ma Thú trong các hoạt động văn hóa - du lịch của tỉnh thời gian gần đây, chia sẻ: Nghi lễ truyền thống của tổ tiên được vinh danh, bảo tồn, bà con người Hà Nhì chúng tôi đều rất vui mừng và tự hào. Chúng tôi còn có cơ hội tái hiện lễ cúng giới thiệu cho nhiều người dân, du khách trong và ngoài tỉnh biết tới, giúp cho thế hệ trẻ nói riêng và cộng đồng dân tộc Hà Nhì nói chung thêm yêu và có trách nhiệm cao hơn trong việc gìn giữ, truyền nối các nét đẹp văn hóa cổ truyền.
Cùng với văn hóa, giáo dục được đặc biệt chú trọng quan tâm, đầu tư; con em đồng bào các dân tộc được tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để đến trường, tiếp cận tri thức. Toàn tỉnh hiện có gần 530 trường/trung tâm với hơn 190.000 học sinh. Ngành Giáo dục và Ðào tạo đã thực hiện tốt các giải pháp huy động học sinh đến trường, tăng tỉ lệ dân số trong độ tuổi đi học ở các cấp.
Nhờ vậy, tỉ lệ này tăng qua các năm, so sánh trong giai đoạn 15 năm (2004 - 2018), tỉ lệ huy động trẻ từ 3 tháng đến dưới 36 tháng tuổi ra lớp tăng từ 6,6% vào năm 2004 lên 35,8% năm 2018, trẻ 3 - 5 tuổi ra lớp tăng từ 35,1% lên 98,3%, 6 - 10 tuổi học tiểu học tăng từ 94% lên 99,8%, 11 - 14 tuổi học THCS tăng từ 47% lên 95,3%, 15 - 18 tuổi học THPT và tương đương tăng từ 29% lên 63%. Kết quả đánh giá chất lượng hoàn thành, tốt nghiệp các cấp học cũng được cải thiện, năm sau cao hơn năm trước. Những kỳ thi THPT quốc gia gần đây, tỉ lệ học sinh tốt nghiệp của tỉnh luôn đạt trên 90%. Các cuộc thi, hội thi học sinh cấp quốc gia, Ðiện Biên cũng đều có kết quả cao trong khối các tỉnh miền núi.
Tủa Chùa - huyện vùng cao gian khó, công tác giáo dục được ưu tiên để con em dân tộc thiểu số có cơ hội mở mang tri thức, thay đổi cuộc sống. Ông Nguyễn Hồng Sơn, Trưởng phòng Giáo dục và Ðào tạo huyện Tủa Chùa cho biết: Toàn huyện có 46 cơ sở giáo dục. Các thôn, bản xa trung tâm, đi lại khó khăn đều có điểm trường mầm non, tiểu học, 95/143 thôn, bản, tổ dân phố có lớp mẫu giáo; 43/143 thôn, bản, tổ dân phố có lớp tiểu học.
Năm học 2018 - 2019, tỉ lệ huy động trẻ 3 - 5 tuổi ra lớp đạt 98,5%, trẻ 6 - 10 tuổi học tiểu học đạt 99,8%, 11 - 14 tuổi học THCS đạt 89,9%, 15 - 18 tuổi học THPT đạt 48,3%. Tại các kỳ thi cấp tỉnh cũng đạt nhiều giải thưởng, như: Kỳ thi học sinh giỏi máy tính cầm tay có 3/13 học sinh đạt giải, cuộc khi khoa học kỹ thuật 2/3 sản phẩm đạt giải, thi chọn các môn văn hóa lớp 9 có 6/58 học sinh đạt giải…
Các lĩnh vực y tế, xóa đói giảm nghèo, giải quyết việc làm và an sinh xã hội cũng được tỉnh chăm lo, nâng cao chất lượng và hiệu quả, góp phần làm thay đổi diện mạo và cuộc sống vùng cao, biên giới. Hệ thống y tế từ tỉnh đến xã và thôn, bản được củng cố, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị và đào tạo cán bộ chuyên khoa; người bệnh được tiếp cận các dịch vụ y tế có chất lượng ngày càng cao ngay tại địa bàn sinh sống. Nhờ đó, các chỉ số sức khỏe cải thiện qua các năm.
Tỷ lệ hộ nghèo cũng giảm từng năm (còn 37,08% vào năm 2018), người lao động được đào tạo, tập huấn, tạo việc làm từ nhiều chương trình hỗ trợ như vay vốn ưu đãi, xuất khẩu lao động, giới thiệu đưa đi làm việc ngoài tỉnh…
Có thể khẳng định văn hóa - xã hội trên địa bàn tỉnh ta nói chung, vùng cao, biên giới trong tỉnh nói riêng đều đã và đang có những chuyển biến tích cực. Các đổi thay ấy góp phần quan trọng nâng cao chất lượng đời sống vật chất, tinh thần, vun đắp ấm no, hạnh phúc cho đồng bào các dân tộc, để mỗi người dân đều thêm trân trọng, ghi nhớ giây phút thiêng liêng 74 năm trước Bác Hồ đọc Tuyên ngôn Ðộc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Theo Dienbienphuonline