Tội phạm ma túy tại Đông Nam Á tăng mạnh

Chủ Nhật, 10/07/2022, 07:44 [GMT+7]

Bất chấp đại dịch COVID-19, việc sản xuất và buôn bán ma túy vẫn diễn ra trên quy mô lớn tại khu vực Đông Nam Á.

1
Tháng 6/2022, Myanmar tiêu hủy ma túy trị giá hơn 600 triệu USD

Số lượng ma túy tổng hợp thu giữ được vào năm ngoái cao kỷ lục, cho thấy quy mô buôn bán và sản xuất ma túy bất hợp pháp trong khu vực vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.

Cuối tháng 6 vừa qua, Myanmar tiêu hủy lượng ma túy khổng lồ, gần 2 tấn heroin, hơn 630 triệu viên ma túy đá, trị giá ước tính khoảng 642 triệu USD. Một nỗ lực của nước này trong cuộc chiến chống ma túy vẫn còn hết sức cam go.

Theo báo cáo mới nhất của LHQ, sản xuất và buôn bán ma túy đá đang gia tăng ở Đông Nam Á do bất ổn khu vực, đặc biệt tại Myanmar. Báo cáo cho biết, tổng lượng ma túy thu giữ được tại khu vực trong năm 2021 là khoảng 172 tấn, trong đó hơn nửa là ma túy tổng hợp. Con số này cao gấp 7 lần so với 10 năm trước. Tại Myanmar, Lào, Thái Lan và Việt Nam, các vụ bắt giữ ma túy tổng hợp cũng tăng 89%.

Bà Kavinvadee Suppapongtevasakul - Văn phòng LHQ về chống ma túy và tội phạm cho biết: "Lần đầu tiên trong khu vực, chúng ta thu giữ hơn 1 tỷ viên ma túy tổng hợp, đây là số lượng thực sự khổng lồ. Nếu tôi quy đổi nó sang tấn, con số này tương đương với khoảng 91 tấn. Con số này vào năm 2020 chỉ là 78 tấn".

Báo cáo cũng cho biết, nguồn cung tăng khiến giá ma túy rẻ và dễ tiếp cận hơn, tạo thêm nhiều rủi ro cho cộng đồng. Ma túy đá dễ sản xuất và đã vượt qua thuốc phiện, heroin, trở thành loại ma túy được sản xuất và buôn bán nhiều nhất ở Đông Nam Á.

1
Những kẻ buôn ma túy còn sử dụng công nghệ để đối phó với việc tuần tra.

Giá ma túy đá khoảng 1 USD/viên và ở Bangkok, có thể là khoảng 2 USD/viên, thấp hơn nhiều so với 10 USD của 10 năm trước. Chúng ta có thể thấy rằng các nhóm tội phạm có tổ chức đã thúc đẩy nguồn cung vào khu vực để giảm giá và cũng có thể giảm chi phí sản xuất. Nhưng điều đáng quan tâm là khả năng tiếp cận cao hơn, đặc biệt là ở những người trẻ tuổi, những người có thể không có sức mua trước đây".

Liên Hợp Quốc kêu gọi các quốc gia Đông Nam Á cần thay đổi cách tiếp cận trong cuộc chiến phòng chống ma túy, thúc đẩy các nỗ lực thực thi pháp luật với loại hình tội phạm này.

Ông Jeremy Douglas - Văn phòng LHQ về chống ma túy và tội phạm khu vực Đông Nam Á và Thái Bình Dương nhấn mạnh: "Có rất nhiều vụ bắt giữ được thực hiện nhưng tác động là không nhiều, tội phạm có tổ chức chỉ giảm về số lượng chứ lượng ma túy vẫn nhiều hơn. Trong khi có các hoạt động rửa tiền quy mô lớn tại khu vực, vì vậy cần phải có một sự thay đổi lớn trong cách tiếp cận ở khu vực này".

Theo báo cáo mới nhất, ngoài Myanmar, Campuchia cũng là địa bàn mà các nhóm tội phạm đang nhắm tới để sản xuất ma túy.

Tại Đông Nam Á, điểm nóng về buôn bán ma túy nằm tại khu vực tam giác vàng, đó là vị trí giáp ranh giữa ba nước Myanmar, Thái Lan, Lào. Với địa hình rừng núi hiểm trở, lại là khu vực giáp ranh nên đã tạo ra một vùng trũng để cho các tổ chức tội phạm quốc tế ẩn nấp, lẩn trốn cũng như sản xuất, vận chuyển ma túy đi các nước.

Ma túy sẽ được chuyển từ khu vực Trung Đông - châu Phi vào khu vực Đông Nam Á. Rồi từ Tam giác vàng, nguồn ma túy sẽ được vận chuyển lậu tới các nước láng giềng trong khu vực như từ Thái Lan sang Myanmar, từ Campuchia sang Việt Nam để rồi tiêu thụ hoặc vận chuyển tiếp sang nước thứ ba.

Link: https://vtv.vn/the-gioi/toi-pham-ma-tuy-tai-dong-nam-a-tang-manh-20220710004457528.htm

 

 

Theo VTV

 

.