Thế giới ngày càng quan tâm đến bệnh đậu mùa khỉ
Mặc dù Tổ chức Y tế thế giới khuyến nghị bệnh đậu mùa khỉ vẫn trong phạm vi kiểm soát, nhưng các quốc gia đều có động thái phòng chống bệnh.
Trung tâm Phòng và Kiểm soát bệnh châu Âu và hàng loạt quốc gia như Mỹ, Australia, Campuchia, Cuba, Bolivia và Cộng hòa Dominica đã kêu gọi người dân để ý những triệu chứng bệnh, kích hoạt giám sát dịch tễ học tại các cửa khẩu và sân bay để phát hiện các trường hợp nghi mắc bệnh đậu mùa khỉ.
Ngoài Chính phủ Bỉ yêu cầu cách ly 21 ngày với người mắc đậu mùa khỉ thì giới chức Đức cũng đã có động thái tương tự. Bệnh nhân phải hết mọi triệu chứng trước khi kết thúc thời gian cách ly. Khuyến cáo cách ly 21 ngày cũng được áp dụng với các trường hợp tiếp xúc trực tiếp với người bệnh - tức là diện F1.
Một số nước chuẩn bị vaccine và lên kế hoạch tiêm chủng cho người dân
Đầu tiên là Mỹ, sau đó đến các nước Liên minh châu Âu đã đặt hàng hãng công nghệ sinh học Bavarian Nordic của Đan Mạch, nhà sản xuất vaccine ngừa bệnh đậu mùa khỉ duy nhất được Mỹ cấp phép. Hàng trăm triệu liều vaccine đang được khẩn trương sản xuất và giao đến các chính phủ đặt hàng, sớm nhất là vào năm 2023.
Giới chức Pháp và Mỹ đang lên kế hoạch tiêm chủng cho những người trưởng thành có nguy cơ cao nhiễm virus gây bệnh đậu mùa khỉ, trong đó có nhân viên y tế, sử dụng vaccine ngừa bệnh đậu mùa khỉ thế hệ thứ ba, lý tưởng nhất là trong 4 ngày sau khi tiếp xúc với bệnh nhân, cho đến tối đa 14 ngày sau đó. Chương trình tiêm chủng sẽ gồm 2 hoặc 3 mũi đối với các bệnh nhân không có khả năng miễn dịch, với mỗi mũi tiêm cách nhau 28 ngày.
Ngoài ra, Trung tâm phòng và kiểm soát bệnh Mỹ cảnh báo, người dân tránh tiếp xúc gần với người bệnh cũng như động vật hoang dã đã chết hoặc còn sống như những loài động vật có vú nhỏ, ví dụ như loài gặm nhấm, loài động vật linh trưởng như khỉ và vượn.
Theo Tiến sĩ Rosamund Lewis - Trưởng ban thư ký bệnh đậu mùa, Chương trình Khẩn cấp của WHO: "Điều quan trọng bây giờ là nhận ra đợt bùng phát này có thể được ngăn chặn bằng cách truy vết tiếp xúc và cách ly các ca bệnh".
Bà Maria Van Kerkhove - Trưởng nhóm kỹ thuật, Chương trình Khẩn cấp của WHO cho rằng: "Bệnh lây truyền qua tiếp xúc gần, da với da nên rất khác với COVID-19. Vậy nên, chúng ta phải giám sát để phát hiện những người nổi mụn để hỗ trợ họ trước nhất. Hầu hết những người được xác định mắc bệnh hiện nay là các ca nhẹ, nhưng bất cứ ai đã tiếp xúc với những người này cần được thông báo để tránh bệnh lây lan thêm. Điều tôi muốn nói ở đây là tình hình hiện nay là có thể kiểm soát được".
Tiến sĩ Amesh Adalja - Trung tâm An ninh y tế Johns Hopkins, Mỹ khẳng định: "Tôi không nghĩ bệnh đậu mùa khỉ có bất cứ khả năng gây ra đại dịch nào, vì nó không dễ lây, không dễ lây cả ở giai đoạn ủ bệnh, và vì chúng ta đã có vaccine đậu mùa đã chứng tỏ hiệu quả cả với bệnh đậu mùa khỉ".
Chưa có bằng chứng cho thấy virus đậu mùa khỉ đã biến đổi
Hiện tại, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đánh giá rằng tuy đợt bùng phát bệnh đậu mùa khỉ hiện nay là khá bất thường do xuất hiện ở những nước vốn hiếm khi có ca bệnh, song vẫn nằm trong tầm kiểm soát.
Hôm thứ hai tuần này, WHO cũng khẳng định chưa có bằng chứng cho thấy virus đậu mùa khỉ đã biến đổi. Hiện vẫn chưa thể xác định hàng loạt ca mắc bệnh đậu mùa khỉ hiện nay là phần nổi của tảng băng chìm, hay là dấu hiệu cho thấy đã qua đỉnh dịch. Vì vậy, các nước nhìn chung đang giữ quan điểm bình tĩnh nhưng không lơ là cảnh giác.
Một số nước không loại trừ khả năng bị virus đậu mùa khỉ xâm nhập trong bối cảnh du lịch quốc tế đang hồi sinh. Còn về khả năng đậu mùa khỉ có thể phát triển thành đại dịch như COVID-19 hay không, thì các chuyên gia đều chung một nhận định rằng, các ca bệnh chỉ có khả năng tăng lên về số lượng, nhưng gần như không có cơ hội để phát triển thành đại dịch, bởi đậu mùa khỉ khó lây hơn COVID-19 rất nhiều, hiện chúng ta cũng đã có một số vũ khí để kiểm soát đậu mùa khỉ.
Link: https://vtv.vn/the-gioi/the-gioi-ngay-cang-quan-tam-den-benh-dau-mua-khi-20220526105430595.htm
Theo VTV