Omicron chiếm 100% ca mắc mới tại Italy, Hàn Quốc dỡ bỏ hoàn toàn các biện pháp giãn cách phòng dịch
Đến sáng 16/4, thế giới có trên 503,48 triệu người mắc COVID-19, trong đó hơn 6,219 triệu trường hợp đã tử vong vì đại dịch này.
Đến nay, hơn 503,48 triệu người đã mắc COVID-19 trên toàn cầu. (Ảnh: AP) |
Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất bởi dịch COVID-19 vẫn là Mỹ với trên 82,27 triệu ca mắc và hơn 1,015 triệu trường hợp tử vong. Trong ngày qua, Mỹ ghi nhận thêm hơn 17.000 người nhiễm virus SARS-CoV-2.
Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) vừa cấp phép sử dụng khẩn cấp máy xét nghiệm chẩn đoán COVID-19 qua hơi thở đầu tiên phát triển trong nước. Bộ xét nghiệm COVID-19 qua hơi thở có kích thước bằng một va li xách tay, cho phép phát hiện các chất hóa học trong hơi thở xuất hiện khi cơ thể nhiễm virus SARS-CoV-2. Việc thực hiện xét nghiệm có thể được thực hiện ở ngay tại phòng khám của các bác sĩ, bệnh viện và trạm xét nghiệm lưu động, những nơi có thể tiến hành lấy mẫu và phân tích mẫu bệnh phẩm. Kết quả sẽ có trong 3 phút.
Máy xét nghiệm COVID-19 qua hơi thở đã được chứng minh hiệu quả trong một nghiên cứu quy mô lớn với hơn 2.400 người tham gia, trong đó bao gồm những người mắc bệnh có và không có triệu chứng. Kết quả thử nghiệm cho thấy, dụng cụ xét nghiệm này có độ nhạy là 91,2% và độ rõ ràng, chính xác là 99,3%.
Hãng dược phẩm Pfizer (Mỹ) và BioNTech (Đức) khẳng định, mũi thứ 3 vaccine của 2 hãng này có thể cung cấp sự bảo vệ đáng kể ngăn ngừa biến thể Omicron ở trẻ em khỏe mạnh từ 5 đến 11 tuổi. Theo Pfizer và BioNTech, kết quả xét nghiệm huyết thanh của 30 trẻ em đã tiêm mũi tăng cường vaccine ngừa COVID-19 cho thấy, nồng độ kháng thể trung hòa ngừa Omicron tăng gấp 36 lần. Kháng thể trung hòa chống lại chủng gốc virus SARS-CoV-2 tăng gấp 6 lần sau khi tiêm mũi tăng cường.
Nghiên cứu được thực hiện để kiểm tra độ an toàn và khả năng sinh miễn dịch ở 140 trẻ em khỏe mạnh trong độ tuổi 5-11, sau khi tiêm mũi tăng cường với liều lượng 10 microgram. Liều lượng mũi tiêm ở người lớn là 30 microgram. Pfizer và BioNTech cho biết, có kế hoạch nộp đơn xin cấp phép sử dụng khẩn cấp vaccine làm mũi tăng cường cho trẻ em 5-11 tuổi ở Mỹ trong vài ngày tới.
Tại tâm dịch COVID-19 lớn thứ hai thế giới Ấn Độ, vào ngày 15/4, nước này ghi nhận tổng cộng gần 43,04 triệu người mắc COVID-19, bao gồm hơn 521.700 trường hợp thiệt mạng vì COVID-19 tại quốc gia Nam Á này.
Brazil hiện là điểm nóng dịch bệnh lớn thứ 3 thế giới với hơn 661.800 bệnh nhân COVID-19 không qua khỏi trong tổng số trên 30,23 triệu người nhiễm bệnh ở quốc gia này.
Tình trạng lây lan COVID-19 đang giảm dần tại Italy. (Ảnh: AP) |
Bộ Y tế và Viện Y tế quốc gia Italy (ISS) cho biết, biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2 hiện chiếm 100% các ca mắc mới COVID-19 tại nước này, trong đó dòng phụ BA.2 chiếm đa số. Số liệu này được đưa ra sau khi Bộ Y tế Italy và ISS thực hiện cuộc khảo sát nhanh với các phòng thí nghiệm vùng và Quỹ Fondazione Bruno Kessler.
Tình trạng lây lan COVID-19 đang giảm dần tại nước này với số ca mắc mới trong tuần từ ngày 6 - 12/4 giảm 6,5% so với tuần trước đó. Số ca tử vong liên quan đến COVID-19 cũng giảm 11,4%, trong khi số bệnh nhân COVID-19 phải cấp cứu giảm 1,7% và số người phải nhập viện giảm 0,4%.
Các số liệu cho thấy, đại dịch COVID-19 đang trong giai đoạn giảm ổn định tại Italy, tuy nhiên mức độ lây lan vẫn còn cao với khoảng 60.000 ca mắc mới mỗi ngày và khoảng 1,2 triệu người dương tính với virus SARS-CoV-2. Để phòng ngừa dịch bệnh, người dân vẫn cần tránh tụ tập đông người và sử dụng khẩu trang khi ở trong không gian kín.
Trong một bài phát biểu vào ngày 15/4, Giám đốc điều hành (CEO) công ty ProtectHealth của Malaysia, Tiến sĩ Anas Alam Faizli, nêu rõ, khi Malaysia chuyển sang giai đoạn coi COVID-19 là bệnh đặc hữu, điều quan trọng là phải tiếp tục bảo vệ tối ưu cho các nhóm dân số dễ tổn thương nhất, gồm người cao tuổi và những người có nguy cơ cao. Việc lên kế hoạch tiêm mũi tăng cường thứ hai là một trong những nỗ lực như vậy, đặc biệt trong bối cảnh lễ hội Hari Raya - lễ hội lớn nhất của người Hồi giáo - đang đến gần.
Ngày 15/4, quốc gia Đông Nam Á này ghi nhận 10.413 ca mắc mới, nâng tổng số ca mắc trên cả nước lên trên 4,36 triệu trường hợp. Trong số ca mắc mới, có 13.202 người lây nhiễm trong cộng đồng và 27 trường hợp nhập cảnh. Ngoài ra, với thêm 18 bệnh nhân không qua khỏi, tổng số ca tử vong vì COVID-19 tại nước này hiện là 35.381 bệnh nhân. Tổng số ca bệnh đã bình phục là hơn 4,2 triệu người.
Bộ Y tế Lào cho biết, khách quốc tế từng mắc COVID-19 không cần phải xét nghiệm PCR trước khi nhập cảnh vào nước này. Đây là một phần của kế hoạch mở cửa toàn phần đất nước của Chính phủ Lào.
Theo quy định mới, người nhập cảnh vào Lào cần có kết quả xét nghiệm PCR trong vòng 72 giờ kể từ thời điểm lấy mẫu xét nghiệm, nhưng người từng khỏi COVID-19 chỉ cần có giấy xác nhận của cơ quan y tế. Khách du lịch khi đến Lào chỉ cần thực hiện thêm xét nghiệm nhanh, thời gian chờ đợi kết quả sẽ phụ thuộc vào số lượng người nhập cảnh ở từng thời điểm. Nếu kết quả xét nghiệm nhanh là âm tính, du khách có thể nhập cảnh mà không cần cách ly, ngược lại, người cho kết quả dương tính sẽ được đánh giá triệu chứng để cách ly tại khách sạn nếu ở thể nhẹ hoặc đưa đi điều trị tại cơ sở y tế nếu ở thể nặng.
Bộ Y tế Lào đang đề nghị các sân bay, cửa khẩu đường bộ chuẩn bị địa điểm xét nghiệm, hệ thống xử lý rác thải để đáp ứng cơ chế mới. Trong cuộc họp bất thường mới đây, Chính phủ Lào đồng ý về nguyên tắc đề xuất mở cửa đất nước đối với khách du lịch và đã yêu cầu cơ quan chức năng xây dựng cơ chế cụ thể để triển khai thực tế.
Bộ Y tế Philippines cảnh báo về khả năng gia tăng đột biến các ca mắc COVID-19 vào giữa tháng 5 nếu người dân giảm việc tuẩn thủ các biện pháp phòng dịch. Theo đó, nếu việc tuân thủ quy trình y tế giảm 20%, số ca mắc mới trong tháng 5 có thể rơi vào khoảng gần 35.000 ca mỗi ngày. Còn nếu mức độ tuân thủ giảm tới 30%, số ca mắc có thể tăng vọt tới 300.000 ca trong cùng khoảng thời gian. Vùng đô thị Manila có thể có 25.000 đến 60.000 ca mắc mới mỗi ngày, gấp 3 lần số ca mắc trong làn sóng Omicron nếu mức độ tuân thủ giao thức y tế giảm 50%.
Giới chức y tế Philippines kêu gọi người dân đeo khẩu trang phù hợp, cách ly khi có triệu chứng và hoàn thành các mũi tiêm vaccine cần thiết.
Hàn Quốc sẽ dỡ bỏ các biện pháp hạn chế chống dịch.(Ảnh: AP) |
Chính phủ Hàn Quốc đã quyết định dỡ bỏ hoàn toàn các biện pháp giãn cách phòng dịch COVID-19 từ ngày 18/4, trừ quy định bắt buộc đeo khẩu trang cả trong nhà và ngoài trời. Với quyết định được công bố vào sáng 15/4, các hạn chế như giới hạn giờ kinh doanh của các nhà hàng, quán cà phê đến 24h, tụ tập riêng tư tối đa 10 người, sự kiện ngoài trời tối đa 299 người ... đều sẽ được xóa bỏ. Việc ăn uống tại các rạp chiếu phim, phòng biểu diễn sẽ được cho phép. Riêng quy định đeo khẩu trang sẽ vẫn được áp đặt và Chính phủ sẽ xem xét lại sau 2 tuần triển khai quy định mới.
Quy định mới đưa Hàn Quốc chính thức quay trở lại với cuộc sống thường nhật, kết thúc 757 ngày thực hiện các biện pháp giãn cách vì đại dịch COVID-19. Hàn Quốc bắt đầu áp đặt các biện pháp giãn cách xã hội từ ngày 22/3/2020.
Kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát tại Vũ Hán vào cuối năm 2019, ngày 14/4 là lần đầu tiên Trung Quốc ghi nhận gần 30.000 ca nhiễm, kể cả các ca dương tính không triệu chứng, trong một ngày. Thượng Hải tiếp tục là tâm dịch với 27.800 ca trong ngày 14/4.
Số ca nhiễm tăng liên tiếp 12 ngày, chuyên gia Ủy ban Y tế Thượng Hải lý giải do xét nghiệm rộng, dịch bệnh lây nhiễm theo chuỗi gia đình, với chủ yếu là Omicron tàng hình lây lan nhanh và tiềm tàng. Dù chưa ghi nhận ca tử vong nhưng với dân số già, chính quyền thành phố lo lắng khi đã có một số trường hợp bệnh nặng. Một số quận được nới lỏng đi lại để giảm tải cung cấp thực phẩm, thuốc men nhưng gần như Thượng Hải đang bị phong tỏa toàn bộ. Cơ quan chức năng cảnh báo sẽ xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm phong tỏa và kêu gọi tất cả người dân đoàn kết chống dịch.
Ngày 15/4, giới chức thành phố Thượng Hải (Trung Quốc) cho biết đang tăng cường quản lý các cơ sở dưỡng lão trên khắp thành phố trong bối cảnh số ca mắc COVID-19 tại đây tăng mạnh. Ngày 15/4, Thượng Hải đã ghi nhận hơn 23.000 ca mắc COVID-19, thấp hơn so với mức 27.000 ca của ngày trước đó, trong đó có 3.200 trường hợp có triệu chứng.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo vẫn chưa thể coi COVID-19 là bệnh đặc hữu. Lý do là hiện vẫn tiềm ẩn nguy cơ cao bùng phát những đợt dịch lớn trên toàn cầu. WHO nhận định, sẽ là sai lầm nếu cho rằng khi đại dịch COVID-19 dần hạ nhiệt và trở thành bệnh đặc hữu, mọi vấn đề sẽ được giải quyết.
Theo WHO, COVID-19 chưa hề thuyên giảm hay trở thành căn bệnh theo mùa, mà dịch bệnh này vẫn có khả năng dẫn đến các đợt dịch lớn. Virus SARS-CoV-2 vẫn đang lây lan mạnh trên thế giới, là nguyên nhân dẫn đến số lượng lớn các ca tử vong, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của con người trên nhiều phương diện.
Chính vì vậy, WHO kêu gọi các nước nâng cao cảnh giác sẵn sàng ứng phó với nguy cơ làn sóng dịch mới khi các biến thể mới của SARS-CoV-2 vẫn tiếp tục xuất hiện.
Link: https://vtv.vn/the-gioi/omicron-chiem-100-ca-mac-moi-tai-italy-han-quoc-do-bo-hoan-toan-cac-bien-phap-gian-cach-phong-dich-20220415165051092.htm
Theo VTV