Ô nhiễm đại dương do rác thải nhựa sẽ tăng gấp 4 lần vào năm 2050

Thứ Tư, 09/02/2022, 15:17 [GMT+7]

Theo một báo cáo mới được Tổ chức Quốc tế về bảo tồn thiên nhiên (WWF) công bố, ô nhiễm nhựa đại dương có thể tăng gấp 4 lần vào năm 2050.

1
(Ảnh minh họa: AP)

Tình trạng ô nhiễm nhựa ở đại dương nói trên khiến cho ngày càng nhiều khu vực bị tổn hại về mặt sinh thái do hàm lượng vi nhựa cao trong môi trường biển.

Số liệu trên là kết quả của nghiên cứu được thực hiện bởi Trung tâm Nghiên cứu Địa cực và Biển Helmholtz có trụ sở tại Đức. Các nhà khoa học đã phân tích hơn 2.500 nghiên cứu về ô nhiễm nhựa để tổng hợp tất cả các dữ liệu có sẵn về vấn đề này và đưa ra các dự đoán.

Báo cáo cũng cảnh báo rằng vào năm 2100, "các khu vực biển có diện tích lớn hơn 2,5 lần so với Greenland có thể vượt quá ngưỡng nguy hiểm về mặt sinh thái của nồng độ vi nhựa". Vi nhựa cũng có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đa dạng sinh học biển, làm giảm tốc độ tăng trưởng và giảm khả năng sinh sản của các loài sinh vật biển. Các chuyên gia cho rằng, hiện nồng độ ô nhiễm vi nhựa trong đại dương là không thể đảo ngược, con người chỉ có thể hạn chế tình trạng này trầm trọng hơn.

WWF cho biết, rác thải nhựa đã xuất hiện ở cả các vùng xa xôi nhất và những vùng nguyên sinh của Trái đất như vùng băng Bắc Cực và trong cả các loài cá sinh sống tại khu vực sâu nhất của đại dương là Rãnh Mariana.

1

Rác thải nhựa đã xuất hiện ở cả các vùng xa xôi nhất và những vùng nguyên sinh của Trái đất. (Ảnh: AP)

Báo cáo được công bố tại thời điểm một hội nghị của Liên Hợp Quốc về môi trường dự kiến diễn ra từ ngày 28/2 đến ngày 2/3 tới tại Nairobi (Kenya), trong đó các đại biểu tham dự sẽ tiến hành thảo luận xây dựng nội dung dự thảo một hiệp ước về rác thải nhựa toàn cầu.

Theo ông Eirik Lindebjerg, Giám đốc phụ trách chính sách nhựa toàn cầu của WWF, rác thải nhựa đang là mối nguy đối với hệ sinh thái biển tại nhiều nơi. Đáng quan ngại nhất là rác thải nhựa đang làm ô nhiễm toàn bộ mạng lưới thức ăn của các động vật biển.

Trong một nghiên cứu vào năm 2021, trong số 555 loài cá được kiểm tra, 386 loài đã ăn phải rác thải nhựa. Trong một nghiên cứu khác được tiến hành với các loài cá đánh bắt phục vụ thương mại, có tới 30% cá tuyết trong một đợt đánh bắt tại biển Bắc có hạt vi nhựa trong dạ dày của chúng.

Ông Lindebjerg cho biết, WWF mong muốn tại hội nghị môi trường sắp tới sẽ có được một hiệp ước về rác thải nhựa toàn cầu để có những quy chuẩn toàn cầu trong sản xuất sản phẩm nhựa và tái chế rác thải nhựa. Ông nhấn mạnh, việc làm sạch các đại dương là một vấn đề đặc biệt khó khăn và tốn kém, do đó, cần tránh làm ô nhiễm môi trường này ngay từ đầu.

Link: https://vtv.vn/the-gioi/o-nhiem-dai-duong-do-rac-thai-nhua-se-tang-gap-4-lan-vao-nam-2050-20220209112530985.htm

 

 

Theo VTV

 

.