Thái Lan có ca tử vong đầu tiên do Omicron, số ca nhiễm mới tại Ấn Độ chạm đỉnh trong 8 tháng
Đến sáng 17/1, thế giới có trên 327,69 triệu người mắc COVID-19, trong đó hơn 5,55 triệu trường hợp đã tử vong vì đại dịch này.
Đến nay, hơn 327,69 triệu người đã mắc COVID-19 trên toàn cầu. (Ảnh: AP) |
Mỹ vẫn là quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất bởi dịch COVID-19 với trên 66,78 triệu ca mắc và hơn trường hợp tử vong. Trong ngày qua, Mỹ ghi nhận thêm hơn 125.300 người nhiễm virus SARS-CoV-2.
Nhà Trắng cho biết, Mỹ sẽ cung cấp 500 triệu bộ xét nghiệm nhanh COVID-19 miễn phí cho người dân trong bối cảnh tình trạng khan hiếm bộ xét nghiệm nghiêm trọng đang diễn ra tại nước này. Người dân sẽ đăng ký nhận bộ xét nghiệm thông qua một trang web. Mỗi gia đình có thể đăng ký nhận 4 bộ xét nghiệm trong vòng từ 7 - 12 ngày.
Tình trạng khan hiếm bộ xét nghiệm nhanh COVID-19 xảy ra trên khắp nước Mỹ trong vài tuần trở lại đây, khi biến thể Omicron lây lan rộng. Người dân Mỹ ở nhiều thành phố hàng ngày phải xếp hàng dài đợi chờ trên các đường phố để được làm xét nghiệm tại các quầy xét nghiệm, gây gia tăng nguy cơ lây nhiễm COVID-19.
Tại tâm dịch COVID-19 lớn thứ hai thế giới Ấn Độ, vào ngày 16/1, nước này ghi nhận tổng cộng trên 37,12 triệu người mắc COVID-19, bao gồm hơn 486.000 trường hợp thiệt mạng vì COVID-19 tại quốc gia Nam Á này.
Bộ Y tế Ấn Độ ngày 16/1 công bố báo cáo dịch bệnh COVID-19 cho biết, số ca nhiễm mới tại nước này trong 24 giờ qua là 271.202 ca, mức tăng theo ngày cao kỷ lục trong 8 tháng qua. Cũng trong 24 giờ qua, Ấn Độ có thêm 314 bệnh nhân COVID-19 không qua khỏi.
Brazil hiện là điểm nóng dịch bệnh lớn thứ 3 thế giới với hơn 621.000 bệnh nhân COVID-19 không qua khỏi trong tổng số trên 22,97 triệu người nhiễm bệnh ở quốc gia này.
Theo cảnh báo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), thế giới đang chứng kiến tình trạng số ca mắc mới COVID-19 do biến thể Omicron lây lan rất nhanh và mạnh như cơn sóng thần. Điều này đang làm hệ thống y tế bị quá tải trên quy mô toàn cầu. Đáng chú ý, thế giới lần đầu tiên ghi nhận gần 3,4 triệu ca mắc mới trong một ngày vào ngày 13/1. Trong 7 ngày qua, đã có hơn 48.000 trường hợp tử vong do hệ thống y tế quá tải. Tại châu Âu, số ca nhiễm mới Omicron có ngày lên tới 1,3 triệu trường hợp.
Tổng Giám đốc WHO cảnh báo rằng, sẽ là sai lầm khi cho rằng Omicron là biến thể nhẹ. Trên thực tế, đây vẫn là một biến thể nguy hiểm, đặc biệt đối với những người chưa được tiêm chủng. Trong bối cảnh hơn 90 quốc gia trên thế giới vẫn chưa đạt được mục tiêu tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho 40% dân số, hơn 85% người dân ở châu Phi vẫn chưa được tiêm một mũi vaccine nào, cộng đồng quốc tế "không được phép buông lỏng kiểm soát hoặc đầu hàng trước loại virus này".
Omicron vẫn là một biến thể nguy hiểm, đặc biệt đối với những người chưa được tiêm chủng. (Ảnh: AP) |
Nga sẽ cấp giấy chứng nhận cho người có kháng thể chống COVID-19, kể cả người nước ngoài dựa trên kết quả xét nghiệm kháng thể. Trong thông báo được Phó Thủ tướng Nga Golokova đưa ra, việc cấp giấy chứng nhận cho người có kháng thể chống COVID-19 sẽ được bắt đầu thực hiện từ ngày 1/2 tới. Người nước ngoài và người Nga tiêm vaccine ở nước ngoài cũng sẽ được cấp giấy chứng nhận COVID-19 nếu có kháng thể và giấy này sẽ có giá trị trong vòng 6 tháng. Nga đã ghi nhận hơn 10,7 triệu người mắc COVID-19, trong đó có hơn 300.000 trường hợp tử vong.
Trên kênh truyền hình Rossyia 1 vào ngày 16/1, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Dịch tễ học và Vi sinh học Quốc gia Gamaleya, ông Denis Logunov cho biết, trung tâm này dự kiến điều chế loại vaccine có thể ngừa cùng lúc một số chủng virus SARS-CoV-2. Theo ông Logunov, khả năng này đang được thảo luận. Loại vaccine mới sẽ có thể ngừa cả chủng virus SARS-CoV-2 đầu tiên ở Trung Quốc, cùng như các chủng Delta và Omicron.
Ngày 16/1, Nga ghi nhận 29.230 ca mắc COVID-19 mới, mức cao nhất kể từ ngày 13/12/2021, và 686 người thiệt mạng. Đến nay, tổng cộng trên 10,8 triệu người ở Nga đã nhiễm virus SARS-CoV-2, bao gồm hơn 321.300 người thiệt mạng.
Từ tháng 2 tới, người dân Vương quốc Anh đã tiêm phòng đầy đủ vaccine ngừa COVID-19 khi đi du lịch nước ngoài sẽ không cần phải tiến hành xét nghiệm COVID-19 lúc trở về. Bộ trưởng Bộ Giao thông Grant Shapps ủng hộ việc chấm dứt xét nghiệm với những người đã tiêm phòng đầy đủ và một thông báo chính thức hướng dẫn cụ thể về quy định mới sẽ được đưa ra vào ngày 26/1 tới.
Trong một diễn biến khác, Bộ trưởng Y tế Anh Sajid Javid cho biết, kể từ ngày 17/1, chương trình tiêm mũi tăng cường sẽ được mở rộng đến các thanh thiếu niên 16 và 17 tuổi. Cho đến nay, nhóm đối tượng trên mới chỉ áp dụng tiêm mũi tăng cường cho những trường hợp bị coi là nguy cơ cao. Theo Bộ trưởng Javid, khi tỷ lệ hơn 4/5 người trưởng thành ở Anh đã tiêm mũi tăng cường, chương trình giờ được mở rộng hơn với thanh thiếu niên 16 và 17 tuổi, giúp họ nâng cao khả năng miễn dịch trong mùa đông này.
Tỷ lệ mắc mới COVID-19 ở Đức lần đầu tiên đã vượt ngưỡng 500 ca/100.000 dân/7 ngày. Đây là mức cao nhất ghi nhận được tại nước này từ khi đại dịch bùng phát. Số liệu từ Viện Robert Kock (RKI) ngày 16/1 cho biết, tỷ lệ các ca mắc mới trên mỗi 100.000 dân trong vòng 7 ngày qua tại nước này đã đạt mức 515,7 ca, cao hơn mức đỉnh 485 trường hợp hồi tháng 11/2021 trong làn sóng lây nhiễm thứ 4 và cao hơn mức 497,1 người của một tuần trước đó. Viện RKI cũng cho biết, tại một số địa phương, con số này cao hơn nhiều lần. Tuy nhiên, tín hiệu đáng mừng là cho đến nay, số nạn nhân không qua khỏi không có xu hướng tăng.
Trong 24 giờ qua, Đức ghi nhận 41.314 ca mới. Tuy nhiên, số lượng ca nhiễm thực tế có thể cao hơn do có ít xét nghiệm hơn vào những ngày cuối tuần. Hiện 72,6% dân số nước này đã được tiêm chủng đủ hai mũi và 46,6% đã được tiêm liều vaccine COVID-19 tăng cường. Do vẫn còn nhiều người chưa được tiêm vaccine, giới chức y tế lo ngại số ca tử vong sẽ tiếp tục tăng cao cũng như các bệnh viện quá tải do làn sóng Omicron.
Cơ quan Y tế công cộng Canada cảnh báo, biến thể Omicron có thể sẽ khiến số người nhập viện tăng lên "mức cực cao" trong những tuần tới. Và số ca mắc COVID-19 cũng sẽ ở mức cao "chưa từng có" tại quốc gia Bắc Mỹ này.
Số ca nhập viện mới được dự đoán có thể tăng lên khoảng 2.000 - 4.000 ca mỗi ngày, thiết lập các mức cao kỷ lục mới. Hiện tỷ lệ nhập viện đang gia tăng ở tất cả các nhóm tuổi và đặc biệt cao ở những người trên 80 tuổi. Giới chức Canada đã kêu gọi người dân hạn chế tiếp xúc trực tiếp, tiêm mũi vaccine tăng cường và đeo khẩu trang chất lượng tốt để ngăn chặn dịch bệnh lây lan.
Ngày 16/1, giới chức Thái Lan thông báo, nước này đã ghi nhận trường hợp đầu tiên tử vong do biến thể Omicron. Người phát ngôn Bộ Y tế Thái Lan Rungrueng Kitphati nêu rõ, ca tử vong là một phụ nữ 86 tuổi, mắc chứng Alzheimer, sống tại tỉnh miền Nam Songkhla. Thái Lan ghi nhận ca mắc đầu tiên nhiễm biến thể Omicron hồi tháng 12/2021, quốc gia Đông Nam Á này đã phải ra quy định cách ly bắt buộc đối với các du khách nước ngoài. Theo ông Kitphati, cho tới nay, Thái Lan đã ghi nhận hơn 10.000 ca nhiễm biến thể Omicron.
Cùng ngày, Thái Lan đã ghi nhận 8.077 ca mắc mới COVID-19 và 9 người tử vong. Hiện tổng số người nhiễm bệnh ở Thái Lan kể từ đầu mùa dịch là hơn 2,32 triệu ca, trong đó có hơn 21.900 bệnh nhân tử vong. Khoảng 66% trong tổng số 72 triệu dân số Thái Lan đã tiêm đủ hai mũi cơ bản vaccine và gần 15% đối tượng tiêm chủng đã tiêm mũi tăng cường.
Người dân đeo khẩu trang phòng chống COVID-19 ở thủ đô Tokyo của Nhật Bản. (Ảnh: AP) |
Số ca mắc mới COVID-19 tại Nhật Bản đã vượt mốc 20.000 ca/ngày trong ngày thứ 3 liên tiếp trong bối cảnh nước này đang đối mặt với làn sóng lây nhiễm do biến thể Omciron. Ngày 16/1, Nhật Bản xác nhận 22.707 trường hợp nhiễm mới. Thống kê trên được công bố chỉ một ngày sau khi số ca mắc mới tại Nhật Bản gần chạm mức cao kỷ lục 25.992 ca vào ngày 20/8/2021. Số ca mắc mới đã tăng khoảng 50 lần trong hai tuần qua, trong đó một số tỉnh tại Nhật Bản liên tục ghi nhận các kỷ lục về số ca nhiễm mới.
Dựa trên các nghiên cứu cho thấy biến thể Omicron có thời gian ủ bệnh ngắn hơn và có khả năng ít gây bệnh nặng hơn so với các biến thể trước đây, từ ngày 15/1, Nhật Bản đã rút ngắn thời gian cách ly đối với tất cả các trường hợp nhập cảnh từ 14 ngày xuống còn 10 ngày. Quy định này cũng được áp dụng đối với những người tiếp xúc gần với người nhiễm biến thể Omicron trong cộng đồng.
Giới chức y tế Hàn Quốc lo ngại, dịch bệnh COVID-19 có thể bùng phát mạnh trong dịp Tết Nguyên đán. Ngày 16/1, Hàn Quốc ghi nhận gần 4.200 ca nhiễm mới, phần lớn là ca lây nhiễm trong cộng đồng. Đây cũng là ngày thứ năm liên tiếp Hàn Quốc ghi nhận số ca mắc mới trên 4.000 ca.
Để ngăn chặn số ca lây nhiễm mới gia tăng, Chính phủ Hàn Quốc có kế hoạch duy trì lệnh giới nghiêm vào 21h hàng ngày đối với các nhà hàng, quán cà phê, trong khi hạn chế số lượng người tụ tập còn 4 người. Các quy định phòng dịch điều chỉnh sẽ có hiệu lực từ ngày 17/1 đến hết ngày 6/2. Giới chức y tế cảnh báo, nếu không có các biện pháp điều chỉnh về giãn cách xã hội chặt chẽ hơn, Omicron sẽ trở thành chủng thống trị tại Hàn Quốc chỉ trong vòng hai tuần tới. Số ca mắc hàng ngày có thể lên tới 20.000 trong tháng 2 và 30.000 trong tháng 3.
Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc (NHC) cho biết, tình hình dịch COVID-19 gần đây nhìn chung đã ổn định trở lại và có thể kiểm soát được trong bối cảnh quốc gia này nỗ lực để ngăn chặn kịp thời sự bùng phát dịch ở một số khu vực.
Theo ông Hà Thanh Hoa, một quan chức của ủy ban trên, Trung Quốc hiện đang phải đối mặt với những thách thức chủ yếu là các trường hợp mắc COVID-19 nhập cảnh và hoạt động du lịch cao điểm trong dịp nghỉ lễ sắp tới. Số liệu chính thức công bố ngày 16/1 cho thấy, trong 24 giờ qua, Trung Quốc đại lục ghi nhận 119 ca mắc mới, trong đó có 65 trường hợp lây nhiễm trong cộng đồng, 54 ca mới nhập cảnh ở 9 khu vực.
Tính đến thời điểm này, đã có hơn 1,26 tỷ người Trung Quốc (gần 90% dân số nước này) được tiêm vaccine ngừa COVID-19. NHC nhấn mạnh, người dân nên tiêm mũi tăng cường càng sớm càng tốt và sau khi tiêm vẫn nên tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng bệnh như đeo khẩu trang, giãn cách xã hội và tăng cường thông gió tại nơi ở.
Hôm nay, hàng chục triệu người dân Trung Quốc sẽ bước vào kỳ Xuân vận khi những người làm việc ở thành phố lớn quay về quê đón Tết Nguyên đán. Kỳ Xuân vận sẽ kéo dài trong 40 ngày, đến ngày 25/2. Bộ Giao thông Vận tải Trung Quốc ước tính, năm nay sẽ có số lượt di chuyển khoảng hơn 1 tỷ, vượt xa mức 870 triệu của năm 2021.
Hiện nhiều Bộ, ngành của Trung Quốc đã ban hành nhiều quy định siết chặt đi lại để đảm bảo an toàn cho người dân. Thậm chí, một số thành phố lớn như Bắc Kinh, Thượng Hải đã vận động người dân ăn Tết tại chỗ, không về quê. Trong đó, có cả giải pháp tặng tiền cho người ở lại. Nhiều doanh nghiệp còn đảm bảo chỗ ở, cung cấp thức ăn ngày Tết cho công nhân ở lại sản xuất.
COVAX, chương trình chia sẻ vaccine ngừa COVID-19 toàn cầu do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Liên minh vaccine GAVI đồng hành, tính đến nay đã đạt dấu mốc phân phối 1 tỷ liều. Có tổng cộng 144 nước và vùng lãnh thổ đã tiếp nhận số vaccine viện trợ này.
Được khởi xướng vào năm 2020, COVAX đặt mục tiêu đến cuối năm 2021 phân phối 2 tỷ liều vaccine cho các nước có thu nhập trung bình và thấp. Như vậy, COVAX mới chỉ hoàn thành được 50% mục tiêu đề ra. Nguyên nhân được xác định là do hành động tích trữ vaccine của các nước giàu hơn, lệnh hạn chế xuất khẩu của các nước sản xuất vaccine và thay đổi trong kế hoạch hành động của COVAX.
Theo báo cáo của WHO, có 67% dân số tại các nước giàu hơn đã hoàn thành tiêm chủng cơ bản, trong khi tỷ lệ này ở những nước nghèo nhất chỉ là 5%. Hiện GAVI đang tìm kiếm thêm các nguồn vốn nhằm hiện thực hóa mục tiêu của WHO tiêm chủng cho 70% dân số tại những nước nghèo hơn vào tháng 7 năm nay.
Link: https://vtv.vn/the-gioi/thai-lan-co-ca-tu-vong-dau-tien-do-omicron-so-ca-nhiem-moi-tai-an-do-cham-dinh-trong-8-thang-20220116203312461.htm
Theo VTV