Lào ghi nhận số người mắc mới cao kỷ lục, Campuchia ứng phó số ca nhiễm không ngừng tăng

Thứ Sáu, 23/07/2021, 08:00 [GMT+7]

 

1
Hơn 193,2 triệu người trên thế giới đã nhiễm virus SARS-CoV-2. (Ảnh: AP)

Đến sáng 23/7, thế giới có trên 193,2 triệu người mắc COVID-19, trong đó hơn 4,14 triệu trường hợp đã tử vong vì đại dịch này.

Mỹ vẫn là quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất bởi dịch COVID-19 với trên 35 triệu ca mắc và hơn 626.000 trường hợp tử vong. Trong ngày qua, Mỹ ghi nhận thêm hơn 43.500 người nhiễm virus SARS-CoV-2.

Ngày 22/7, Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết đang có kế hoạch mở rộng đối tượng tiêm chủng, theo đó, nước này cân nhắc đưa trẻ dưới 12 tuổi vào diện tiêm vaccine phòng COVID-19 trong khoảng thời gian trước cuối tháng 8 hoặc đầu tháng 9 tới. Trong một sự kiện diễn ra ở tòa thị chính tại Cincinnati, bang Ohio, Tổng thống Biden khẳng định, trẻ em dưới 12 tuổi tại Mỹ sẽ được tiêm chủng sớm. Ông cũng nêu rõ, Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) sẽ ban hành khuyến cáo về phòng dịch vào năm học mới. Những trẻ dưới 12 tuổi chưa tiêm vaccine sẽ phải đeo khẩu trang khi tới trường. Quy định này sẽ không áp dụng với những trẻ đã tiêm vaccine.

Theo một báo cáo mới nhất của Viện Nhi khoa Mỹ (AAP) và Hiệp hội Bệnh viện Nhi đồng, tính đến ngày 15/7, đã có hơn 4 triệu trẻ em nước này mắc COVID-19. Tính tổng thể, trẻ em chiếm 14,2% tổng số ca mắc COVID-19 trong toàn nước Mỹ. Cũng theo báo cáo trên, trẻ em chiếm từ 1,3 đến 3,6% tổng số ca nhập viện.

Các số liệu Viện Nhi khoa Mỹ cho rằng, mặc dù cho đến thời điểm này, có vẻ như các ca nặng do COVID-19 là rất hiếm gặp ở trẻ em nhưng vẫn rất cần phải thu thập thêm dữ liệu về các tác động lâu dài hơn của đại dịch với đối tượng này, bao gồm cả vấn đề virus SARS-CoV-2 có thể gây hại đến sức khỏe thể chất lâu dài của những trẻ bị nhiễm bệnh, cũng như ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần và cảm xúc.

Bệnh viện Houston Methodist, hệ thống bệnh viện ở bang Texas, đã xác nhận trường hợp đầu tiên mắc biến thể Lambda vốn được phát hiện lần đầu tiên ở Peru và đã lan rộng khắp Nam Mỹ. Dữ liệu về biến thể Lambda hiện còn hạn chế và WHO chỉ định, đây là "biến thể quan tâm", mức thấp hơn so với biến thể Delta đang hoành hành hiện nay.

Tại tâm dịch COVID-19 lớn thứ hai thế giới Ấn Độ, vào ngày 22/7, nước này ghi nhận hơn 32.200 ca mắc mới COVID-19 và 450 trường hợp tử vong. Hiện tổng cộng trên 31,2 triệu người mắc COVID-19, bao gồm hơn 419.400 trường hợp thiệt mạng vì COVID-19 tại quốc gia Nam Á này.

Bộ Y tế Ấn Độ cho biết, trong hai tháng qua, nước này đã ghi nhận hơn 45.000 ca mắc bệnh nấm đen gây tử vong cao trong bối cảnh dịch COVID-19 đang tấn công các bệnh viện của Ấn Độ. Phát biểu tại Quốc hội mới đây, Thứ trưởng Bộ Y tế Ấn Độ Bharati Pravin Pawar nhấn mạnh, bệnh nấm đen trước đây được coi là rất hiếm gặp, nhưng các trường hợp mắc bệnh này đã tăng lên trong bối cảnh xảy ra đại dịch COVID-19, thường tấn công bệnh nhân sau khi khỏi bệnh COVID-19.

Bệnh nấm đen là một căn bệnh nguy hiểm và các bác sĩ phẫu thuật buộc phải cắt bỏ những bộ phận mà bệnh lan đến gây hoại tử để ngăn chặn nguy cơ lây lan lên não. Tỷ lệ tử vong khi mắc bệnh này là 50%. Trước khi xảy ra đại dịch COVID-19, trung bình mỗi năm Ấn Độ chỉ ghi nhận khoảng 20 ca mắc bệnh nấm đen.

Trong 24 giờ qua, Brazil không ghi nhận ca mắc COVID-19. Đến nay, gần 545.700 bệnh nhân COVID-19 đã không qua khỏi trong tổng số trên 19,4 triệu người nhiễm bệnh ở quốc gia này.

1
Hơn 45.000 ở Ân Độ đã nhiễm bệnh nấm đen sau khi điều trị khỏi COVID-19. (Ảnh: AP)

Ngày 22/7, Liên minh châu Âu (EU) cho biết, 200 triệu người dân châu Âu đã được tiêm phòng COVID-19 đầy đủ, chiếm hơn một nửa số người trưởng thành ở khối này. Phát biểu tại cuộc họp báo ở Brussels, người phát ngôn Ủy ban châu Âu (EC) Dana Spinant cho biết, căn cứ vào dữ liệu mới nhất của Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh châu Âu, 54,7% số người trưởng thành đã được tiêm phòng đầy đủ với 2 mũi hoặc 1 mũi vaccine của hãng Johnson & Johnson. Tuy nhiên, tỷ lệ này vẫn thấp hơn so với mục tiêu đề ra là tiêm đầy đủ cho 70% người trưởng thành vào mùa hè này. Trong khi đó,  68,4% số người trưởng thành trong EU đã tiêm mũi vaccine đầu tiên.

Từ ngày 22/7, các rạp chiếu phim, bảo tàng và các địa điểm thể thao tại Pháp sẽ yêu cầu người đến trình chứng nhận tiêm phòng hoặc kết quả xét nghiệm âm tính mới được phép vào. Những loại giấy "thông hành y tế" kể trên là bắt buộc tại mọi sự kiện hoặc địa điểm có từ 50 người trở lên tham gia. Biện pháp này cũng sẽ được mở rộng áp dụng với các nhà hàng, quán cafe và trung tâm thương mại tại Pháp từ tháng 8 tới. Bảo tàng Louvre nằm trong số những địa điểm bắt đầu áp dụng quy định này. Hiện Pháp đang là điểm nóng dịch bệnh lớn thứ 5 thế giới với trên 6 triệu ca nhiễm và hơn 111.500 trường hợp thiệt mạng vì COVID-19.

Vài ngày sau khi Tổng thống Indonesia thông báo ý định nới lỏng các biện pháp phòng dịch COVID-19, ngày 22/7, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã hối thúc nước này mở rộng phạm vi áp dụng lệnh phong tỏa nghiêm ngặt hơn để ứng phó với tình hình gia tăng số ca nhiễm mới và tử vong do COVID-19 tại nước này.

WHO đưa ra khuyến cáo trên căn cứ vào đánh giá tình hình dịch bệnh thực tế tại Indonesia trong bối cảnh quốc gia Đông Nam Á này đã trở thành một trong những điểm nóng dịch bệnh COVID-19 trên thế giới, với số ca nhiễm mới tăng gấp 5 lần trong 5 tuần qua. Trong tuần này, số ca tử vong ghi nhận hàng ngày tại Indonesia đã vượt con số 1.300, đưa nước này vào danh sách những nước có số ca tử vong do COVID-19/ngày cao nhất thế giới.

Trong báo cáo mới nhất, WHO khẳng định, ngoài việc thực hiện nghiêm chỉnh các biện pháp y tế phòng dịch cộng đồng và hạn chế xã hội, Indonesia cần có hành động khẩn cấp để ứng phó với tình trạng lây nhiễm gia tăng mạnh được ghi nhận ở 13 trong tổng số 34 tỉnh của Indonesia hiện nay.

Tuần qua, tỷ lệ ca dương tính với virus SARS-CoV-2 trên tổng số người tham gia xét nghiệm ở Indonesia là 30%, mặc dù số ca nhiễm mới đã giảm. Tuy nhiên, WHO cho rằng, với tỷ lệ dương tính trên tổng số người xét nghiệm hơn 20%, tình hình dịch bệnh vẫn có nguy cơ lây nhiễm rất cao. Số liệu của WHO cho thấy, Aceh là tỉnh duy nhất của Indonesia có tỷ lệ này dưới 20% (19%).

Indonesia đã chính thức ra lệnh cấm nhập cảnh với lao động nước ngoài để phòng chống dịch, áp dụng với cả lao động nước ngoài đến Indonesia trong các dự án chiến lược quốc gia hay đến để đoàn viên gia đình. Những người được phép nhập cảnh vào lãnh thổ Indonesia là người có thị thực ngoại giao và thị thực công vụ, người có giấy phép lưu trú ngoại giao, giấy phép lưu trú công vụ, giấy phép lưu trú có thời hạn và giấy phép lưu trú vĩnh viễn cùng với người nước ngoài với mục đích y tế và nhân đạo.

Ngày 22/7, Indonesia ghi nhận trên 49.500 ca mắc mới và 1.449 người tử vong. Hiện tổng cộng trên 3 triệu cư dân đã nhiễm virus SARS-CoV-2 tại quốc gia này, bao gồm hơn 79.000 trường hợp tử vong. Trong đó, thủ đô Jakarta là khu vực có nhiều ca mắc nhất và Đông Java có số ca tử vong cao nhất.

Cùng ngày, Philippines đã ghi nhận thêm 5.828 ca mắc COVID-19 mới. Đáng chú ý, nước này phát hiện thêm 12 trường hợp mắc biến thể Delta có khả năng lây nhiễm cao, nâng số ca mắc biến thể Delta lên 47 người. Lo ngại trước sự gia tăng của biến thể mới, Bộ Y tế Philippines cảnh báo, người dân phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định bảo vệ sức khỏe cộng đồng tối thiểu, tiếp tục tránh đi đến những không gian kín cũng như tụ tập đông người.

Còn tại Singapore, nước này đã thông báo hoãn lại lễ diễu hành chào mừng ngày Quốc khánh sau khi tiếp tục ghi nhận thêm 162 ca lây nhiễm trong cộng đồng, trong đó có 52 ca chưa rõ nguồn lây.

Bộ Y tế Lào cho biết, ngày 22/7, nước này ghi nhận 256 ca mắc COVID-19 mới. Đây là ngày Lào ghi nhận số ca mắc mới cao nhất từ trước tới nay. Theo Bộ Y tế Lào, trong số các ca nhiễm mới, có tới 254 trường hợp là người nhập cảnh được cách ly ngay, chủ yếu tại tỉnh Savannakhet với 128 người và 2 trường hợp lây nhiễm trong cộng đồng tại tỉnh Champasak. Đến nay, Lào đã ghi nhận tổng cộng 4.119 ca nhiễm COVID-19 và 5 người tử vong.

Trong khi đó, nước láng giềng Campuchia vẫn đang nỗ lực ứng phó với tác động của đại dịch COVID-19 khi số ca mắc mới không ngừng tăng, nâng tổng số ca mắc COVID-19 tại nước này vượt 70.400 trường hợp trong ngày 22/7. Bộ Y tế Campuchia ra thông cáo xác nhận, ngày 22/7 có thêm 811 ca mắc COVID-19 mới, trong đó có 300 ca nhập cảnh và 511 người lây nhiễm trong cộng đồng. Bộ trên cũng công bố có thêm 20 ca tử vong, nâng tổng số người thiệt mạng vì COVID-19 tại Campuchia lên 1.118 bệnh nhân.

1
Trên 453.000 người tại Thái Lan đã nhiễm COVID-19. (Ảnh: AP)

Số ca nhập cảnh mắc COVID-19 ở mức cao làm tăng đáng kể số ca mắc bệnh được công bố mỗi ngày tại các tỉnh giáp biên giới Thái Lan, cùng với đó là nỗi lo biến thể Delta xâm nhập cộng đồng từ những người nhập cảnh trốn cách ly.

Tính đến ngày 21/7, 6.334.378 người dân Campuchia và người nước ngoài sinh sống, làm việc tại Campuchia đã được tiêm ít nhất 1 mũi vaccine ngừa COVID-19, tương đương 63,34% trong tổng số 10 triệu người dự kiến được tiêm chủng.

Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha đã chỉ đạo các cơ quan chức năng nước này thành lập một ủy ban nghiên cứu về việc sử dụng chiết xuất từ cây xuyên tâm liên (Andrographis paniculata) để điều trị cho các bệnh nhân COVID-19 có các triệu chứng nhẹ. Ủy ban này, do Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Y tế Thái Lan Anutin Charnvirakul đứng đầu, sẽ điều phối các nghiên cứu về tính an toàn và hiệu quả của việc chiết xuất từ cây xuyên tâm liên trên bệnh nhân COVID-19, cũng như soạn thảo một kế hoạch chiến lược để quảng bá y học cổ truyền Thái Lan nói chung.

Với 13.655 ca mắc mới trong ngày 22/7, hiện Thái Lan báo cáo trên 453.000 người nhiễm COVID-19, bao gồm 3.697 trường hợp không qua khỏi.

Tại Nhật Bản, nỗi lo dịch bệnh COVID-19 đang bao trùm lên Olympic Tokyo 2020 bất chấp việc các nhà tổ chức đã thực hiện nhiều biện pháp rất quyết liệt để phòng chống dịch bệnh lây lan. Ngày 22/7, Ban Tổ chức Olympic và Paralympic Tokyo ghi nhận thêm 12 ca dương tính với virus SARS-CoV-2 có liên quan tới Olympic Tokyo, trong đó có 2 người là vận động viên đang lưu trú tại làng Olympic ở Harumi, thủ đô Tokyo. Như vậy, tổng số ca mắc COVID-19 có liên quan tới đại hội thể thao này kể từ ngày 1/7 đến nay là 87 người. Hai bệnh nhân mới được phát hiện mắc COVID-19 là nữ vận động viên ván trượt Candy Jacobs của Hà Lan và vận động viên bóng bàn Pavel Sirucek của CH Czech.

Ban Tổ chức Olympic và Paralympic Tokyo bắt đầu thống kê số liệu về số ca mắc COVID-19 liên quan tới thế vận hội từ ngày 1/7. Con số thống kê này không bao gồm các vận động viên đã mắc COVID-19 trong các chuyến đi tập huấn tiền Olympic ở Nhật Bản.

Trong khi đó, tại cuộc họp với chính quyền thủ đô Tokyo, các chuyên gia y tế cảnh báo, trong 2 tuần nữa, Tokyo có thể sẽ trải qua cuộc khủng hoảng y tế tồi tệ hơn làn sóng lây nhiễm thứ 3 xảy ra cuối năm 2020 nếu số ca mắc mới tiếp tục tăng với tốc độ như hiện nay.

Theo Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản, ngày 22/7, Nhật Bản ghi nhận thêm 4.943 ca mắc mới và 20 trường hợp tử vong vì dịch COVID-19. Số bệnh nhân COVID-19 nguy kịch tăng thêm 16 ca, lên 392 người.

Nhật Bản bắt đầu từ tuần tới sẽ chính thức sử dụng "hộ chiếu vaccine" đối với các nước Italy, Australia, Bulgaria, Ba Lan, Thổ Nhĩ Kỳ. Các địa phương của Nhật có thể tiếp nhận người đến từ các nước này và được ưu tiên một số biện pháp phòng chống dịch COVID-19. Những đối tượng có hộ chiếu vaccine, xuất trình thêm giấy xác nhận âm tính với virus SARS-CoV-2 sẽ được miễn trừ kiểm tra và cách ly khi đến Nhật Bản. Dự kiến, trong thời gian tới sẽ có khoảng 30 quốc gia và vùng lãnh thổ sẽ được áp dụng "hộ chiếu vaccine" khi tới Nhật Bản.

Dịch bệnh COVID-19 tại nhiều nước đang trở nền trầm trọng hơn do sự lây lan khó lường của biến thể Delta. Biến chủng này hiện đã xuất hiện tại 124 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Biến thể Delta được phát hiện trong hơn 75% số mẫu bệnh phẩm được đưa đi phân tích chuỗi gen tại nhiều quốc gia lớn. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), các nước trên thế giới phải hết sức cảnh giác trước biến thể vô cùng nguy hiểm này.

Số khu vực ghi nhận số ca nhiễm biến thể Delta tiếp tục được mở rộng với số ca mắc mới tăng cao kỷ lục. Tổng Giám đốc WHO Tedros cảnh báo, biến thể này có thể đẩy nhiều nước lún sâu vào đại dịch.

Ông Tedros kêu gọi mở rộng sản xuất vaccine COVID-19 nhằm thúc đẩy tiếp cận công bằng. Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) nhấn mạnh, việc triển khai vaccine tuy được đẩy nhanh nhưng tình trạng bất bình đẳng còn nhiều thách thức. Theo đánh giá của WTO, tiếp cận không bình đẳng với vaccine là lý do chính cho sự phục hồi nền kinh tế toàn cầu không đồng đều, trong đó các nền kinh tế tiên tiến và một số nền kinh tế khác đang vượt lên phía trước, phần còn lại tụt hậu trong bối cảnh nghèo đói và thất nghiệp gia tăng.

Link: https://vtv.vn/the-gioi/lao-ghi-nhan-so-nguoi-mac-moi-cao-ky-luc-campuchia-ung-pho-so-ca-nhiem-khong-ngung-tang-20210722164322929.htm

 

 

Theo VTV

 

.