Nhanh chóng làm rõ trách nhiệm vụ khai thác rừng thông ở Tỏa Tình

Thứ Ba, 20/07/2021, 10:40 [GMT+7]

Điện Biên TV - Sau khi nắm thông tin về việc rừng gỗ thông trên địa bàn xã Tỏa Tình, huyện Tuần Giáo bị khai thác trái phép, các cơ quan chức năng tỉnh Điện Biên đã tiến hành kiểm tra thực địa, làm việc với các đơn vị chuyên môn tại cơ sở để rà soát đánh giá thiệt hại, nhanh chóng làm rõ trách nhiệm của tập thể và các cá nhân liên quan.

Trên địa bàn bản Hua Sa A, xã Tỏa Tình, huyện Tuần Giáo có hơn 10 ha rừng hỗn hợp gồm: thông, trẩu, mỡ được trồng bằng nguồn ngân sách nhà nước từ năm 2001 theo Chương trình phủ xanh đất trống, đồi trọc và Dự án trồng 5 triệu ha rừng.

Toàn bộ diện tích rừng này đều quy hoạch rừng phòng hộ theo Quyết định 1208 của UBND tỉnh về việc phê duyệt dự án rà soát, điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Diện tích này do nhà nước là đại diện chủ sở hữu; giao cho các hộ dân để quản lý, bảo vệ và đang được hưởng chính sách dịch vụ môi trường rừng theo quy định.

Từ đầu tháng 6/2021, 29 hộ dân thuộc bản Hua Sa A, xã Tỏa Tình đã làm đơn xin khai thác cùng phương án khai thác, tận dụng, tận thu; báo cáo địa danh, diện tích khối lượng lâm sản dự kiến khai thác của chủ rừng và Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của các hộ gia đình, nhưng chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

1
Lực lượng chức năng kiểm đếm số lượng gỗ bị chặt hạ.

Dù chưa được phê duyệt, nhưng giữa tháng 6, các hộ dân vẫn tự ý hợp đồng với ông Trần D.T. - hộ khẩu thường trú tại huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La để khai thác rừng thông. Qua kiểm đếm sơ bộ của cơ quan chức năng, đã có khoảng 600 cây bị chặt hạ bằng cưa máy theo hình thức khai thác chọn lọc, theo đám. Số gỗ đã khai thác còn nằm tại hiện trường ước khoảng 85m – 90m3. Diện tích san ủi mặt bằng để vận xuất lâm sản ra khỏi diện tích khai thác là trên 4.200m2.

Theo ông Hà Lương Hồng, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Điện Biên, bước đầu có thể nhận định đây là vụ vi phạm có dấu hiệu hình sự.

Theo cơ quan chức năng, số diện tích rừng phòng hộ này đã được bàn giao cho các hộ dân quản lý, bảo vệ để đảm bảo nguồn nước, bảo vệ đất, chống xói mòn, sạt lở, lũ quét, lũ ống, hạn chế thiên tai, điều hòa khí hậu. Đồng thời góp phần bảo vệ môi trường, cung ứng dịch vụ môi trường rừng.

Việc khai thác lâm sản trong rừng phòng hộ, sản xuất trong rừng phòng hộ và các hoạt động sử dụng rừng phòng hộ khác phải được thực hiện theo quy định của Luật Lâm nghiệp. Người dân tự ý khai thác là vi phạm các quy định của Nhà nước về khai thác, quản lý và bảo vệ rừng.

Thời điểm này, cấp ủy, chính quyền địa phương và các lực lượng chức năng huyện Tuần Giáo đang tập trung rà soát để đánh giá chính xác mức độ thiệt hại và điều tra, xác minh rõ trách nhiệm của người đứng đầu để xử lí theo quy định của pháp luật. Đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền để người dân xã Tỏa Tình nói riêng và toàn huyện nói chung nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong chăm sóc và bảo vệ rừng./.  

 

 

Nhật Oanh - Ngọc Hải/DIENBIENTV.VN
                                                                                                                                                                        

.