Tuyên bố Mỹ là cường quốc Thái Bình Dương, Biden sẽ "rắn tay" với Trung Quốc?
Tuyên bố Mỹ là cường quốc ở Thái Bình Dương song ông Biden sẽ hành động như thế nào để củng cố nhận định này trước một Trung Quốc ngày càng trở nên quyết đoán?
Phép thử với chính quyền Biden
Ngày 20/1, khi ông Biden tuyên thệ nhậm chức, ông sẽ phải đối mặt với một thực tế Mỹ không còn là lực lượng hải quân lớn nhất thế giới.
Hiện nay, hải quân lớn nhất thế giới là lực lượng hải quân của Trung Quốc - một dấu mốc mà Lầu Năm Góc công bố hồi tháng 9. Đây rõ ràng sẽ là một thách thức với ông Biden khi ông và các cố vấn quốc phòng lên kịch bản đối phó với một Trung Quốc ngày càng quyết đoán với quyền lực gia tăng.
Ông Joe Biden. Ảnh: Reuters |
"Trung Quốc là một đối thủ cạnh tranh liên tục. Chúng ta phải rất thận trọng và hiểu rõ về việc này", ông Paul Heer, người dành hàng thập kỷ với vai trò là nhà phân tích tình báo cho Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ, đồng thời từng là một quan chức tình báo quốc gia trong chính phủ Mỹ phụ trách khu vực Đông Á cho hay.
Ông Biden cùng đội ngũ của mình đang đứng trước quyết định về cách thức phản ứng với sự phô diễn sức mạnh của Trung Quốc từ các động thái của nước này ở Biển Đông cho tới những căng thẳng ở dãy Himalaya với Ấn Độ.
"Chúng tôi là một cường quốc ở Thái Bình Dương", ông Biden viết trong một bài phân tích vào tháng trước. Giữa bối cảnh căng thẳng Mỹ - Trung leo thang và cả 2 nước ngày càng coi nhau như kẻ thù, Bắc Kinh sẽ đặt tuyên bố trên của ông Biden vào một phép thử trong khu vực.
Hiện nay ở Washington, hầu như có rất ít lời kêu gọi cải thiện quan hệ hay đối thoại nhiều hơn với Bắc Kinh khi lưỡng đảng Mỹ đều chỉ trích Trung Quốc về nhiều vấn đề. Mỹ cũng ngày càng mất niềm tin vào giới lãnh đạo Trung Quốc.
Năm ngoái, chính quyền Tổng thống Trump đã thành lập một vị trí cấp cao mới ở Lầu Năm Góc chỉ tập trung vào việc đối phó với Trung Quốc. Vị trí này hiện do ông Chad Sbragia nắm giữ, một chuyên gia về Trung Quốc trong quân đội Mỹ.
Sức ép phải “rắn tay” với Trung Quốc
Ông Biden đang đứng trước sức ép chính trị khi phải duy trì một lập trường cứng rắn với Trung Quốc trong khi tất cả các lựa chọn nhân sự của ông về chính sách đối ngoại, tình báo và quốc phòng đều có thể phải đối mặt với sự xem xét kỹ càng trước khi được phê duyệt ở Thượng viện.
Cố vấn an ninh quốc gia của ông Biden - Jake Sullivan và người sẽ trở thành Ngoại trưởng tương lai Antony Blinken đều là những nhân vật cấp cao dưới thời chính quyền Tổng thống Obama. Một số nghị sĩ đảng Cộng hòa trong Quốc hội chuyên chỉ trích Trung Quốc nhận định rằng, ông Blinkin và ông Sullivan là những người quá “ngây thơ” về sự trỗi dậy của Trung Quốc. Dù vậy, cả hai quan chức trên đều đưa ra bình luận rằng hiện họ coi Trung Quốc là mối đe dọa với các lợi ích của Mỹ lớn hơn so với trước đây.
Ông Biden chưa nêu tên người sẽ đảm nhiệm vị trí Bộ trưởng Quốc phòng nhưng theo những đồn đoán ở Washington, bà Michele Flournoy đang được coi là ứng viên tiềm năng nhất.
Giữa bối cảnh căng thẳng leo thang, một số quan chức của Mỹ và Trung Quốc đều đề xuất rằng 2 chính phủ, bao gồm cả quân đội 2 bên nên tìm cách hợp tác để giải quyết những vấn đề như hồ sơ Triều Tiên, Iran và biến đổi khí hậu.
"Trung Quốc muốn thiết lập nhiều kênh trao đổi nhất có thể với quân đội Mỹ", ông Zhou Chenming, một chuyên gia quân sự tại Bắc Kinh khẳng định.
Tuy nhiên, ở Washington, các nhà quan sát cho rằng Mỹ đã thử thiết lập kiểu hợp tác quân sự với Trung Quốc song việc này không hiệu quả.
Trong những năm qua, Trung Quốc đã thúc đẩy các yêu sách tại Biển Đông thông qua việc xây dựng trái phép các đảo nhân tạo, ngang nhiên bác bỏ tuyên bố chủ quyền của các nước láng giềng tại vùng biển này và coi thường phán quyết của Tòa trọng tài quốc tế.
Trung Quốc cũng mở rộng sự hiện diện của hải quân ở Ấn Độ Dương. Nước này đã mở một căn cứ quân sự đầu tiên ở nước ngoài năm 2017 tại Djibouti, nằm ở phía tây của Ấn Độ Dương. Mỹ cũng có một căn cứ ở Djibouti.
Hồi tháng 9, Lầu Năm Góc đã công bố một báo cáo tới Quốc hội rằng, hải quân Trung Quốc, với 350 tàu, hiện đã trở thành lực lượng lớn nhất thế giới. Điều này sẽ giúp Bắc Kinh tăng cường quyền lực cũng như tiếp cận được nhiều khu vực trên thế giới hơn.
"Điều đó cho thấy Trung Quốc đã nhanh chóng trỗi dậy như một cường quốc trên biển như thế nào", Toshi Yoshihara, học giả cao cấp tại Trung tâm Đánh giá Ngân sách và Chiến lược, đồng thời là cựu chủ tịch chương trình nghiên cứu châu Á - Thái Bình Dương của Cao đẳng Chiến tranh Hải quân Mỹ cho hay.
"Rõ ràng, ngoài căn cứ vĩnh viễn ở Djibouti, Trung Quốc còn là một người chơi lâu dài ở Ấn Độ Dương. Ai mà tưởng tượng được điều đó cách đây 10 năm chứ?", ông Yoshihara đánh giá.
Hồi tháng 7, Bộ Ngoại giao Mỹ thông báo Washington không công nhận bất kỳ yêu sách chủ quyền phi pháp nào của Bắc Kinh ở Biển Đông.
Cái bắt tay với các đồng minh
Ngoài vấn đề Biển Đông, đội ngũ quốc phòng của ông Biden cũng sẽ để mắt tới khu vực biên giới giữa Trung Quốc và Ấn Độ.
Đầu năm nay, quân đội Trung Quốc và Ấn Độ đã đụng độ với nhau bằng đá và gậy gộc, gây nên nhiều thương vong cho cả hai bên ở khu vực dãy Himalaya. Việc sử dụng hỏa lực tại đây bị cấm theo một thỏa thuận năm 1996 giữa 2 quốc gia.
Manjari Chatterjee Miller, một giáo sư tại Đại học Boston, người từng nghiên cứu quan hệ Trung - Ấn cho hay, các cuộc đụng độ ở biên giới đã đẩy Ấn Độ đến gần hơn với Mỹ và mối quan hệ này vẫn sẽ tiếp tục duy trì dưới thời ông Biden.
"Dưới thời chính quyền Tổng thống Trump, Ấn Độ đã ký 3 thỏa thuận quốc phòng với Mỹ trong vòng 3 năm", chuyên gia này cho hay.
Năm 2017, chính quyền Tổng thống Trump đã xem xét lại quan hệ đối tác với Ấn Độ, Australia và Nhật Bản, còn được biết tới là nhóm Quad. Dù vậy, hầu như không có dấu hiệu rõ ràng nào cho thấy Washington sẽ dịch chuyển các mối quan hệ thân thiết trên thành sự phản ứng quyết liệt hơn với Trung Quốc.
"Ý tưởng sử dụng Ấn Độ để đối phó với Trung Quốc đã được cân nhắc trong 2 thập kỷ qua. Câu hỏi đặt ra hiện nay là Ấn Độ có sẵn sàng đối phó với Trung Quốc hay không", ông Miller đánh giá.
Ông Biden và đội ngũ của ông cũng sẽ phải đối phó với kho hạt nhân ngày càng gia tăng của Trung Quốc. Theo các nhà phân tích, Trung Quốc đang hiện đại hóa kho hạt nhân theo những cách thức có thể khiến nhiều người đặt câu hỏi về động cơ của họ.
Chính quyền Tổng thống Trump đã nỗ lực đưa Trung Quốc vào quá trình đàm phán hạt nhân với Mỹ và Nga nhưng Bắc Kinh kiên quyết cho rằng việc này là không cần thiết vì kho vũ khí của Trung Quốc nhỏ hơn.
Ông Biden khẳng định, bất chấp những thách thức đang chờ đợi khi ông nhậm chức, ông và đội ngũ của ông đã lên kế hoạch hợp tác với các đồng minh của Mỹ như những đối tác quan trọng mà thiếu họ, Mỹ không thể thành công. Đây là một lập trường trái ngược với Tổng thống Trump và đội ngũ của ông, những người có xu hướng nhìn những đồng minh và đối tác trong các liên minh quân sự của Mỹ qua "lăng kính" trao đổi có đi có lại.
Hôm 24/11, ông Biden nói rằng Mỹ "sẵn sàng đương đầu với các kẻ thù và sẽ không từ chối các đồng minh của chúng ta".
Drew Thompson, một cựu quan chức thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết thách thức của ông Biden là thuyết phục các đồng minh cùng hành động để hỗ trợ Mỹ.
"Các đối tác và đồng minh của Mỹ ngày càng ngần ngại ủng hộ những nỗ lực chống lại Trung Quốc và Nga, đồng thời đặt câu hỏi về tính hiệu quả của chiến lược", Thompson, hiện là một nhà nghiên cứu tại Trường Chính sách công Lee Kuan Yew thuộc Đại học Quốc gia Singapore cho hay.
Ông Yoshihara cho biết các liên minh của Mỹ sẽ giữ một tầm quan trọng mới khi Trung Quốc sở hữu lực lượng hải quân lớn nhất thế giới.
"Khi xem xét sự cân bằng quyền lực trên biển, nếu chúng ta chỉ đếm số tàu của Trung Quốc và số tàu của Mỹ, chúng ta thực sự sẽ bỏ lỡ bức tranh toàn cảnh", chuyên gia Yoshihara cho hay, đồng thời cho biết nếu tính đến vai trò của hải quân các nước khác như Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, Ấn Độ... thì "bức tranh sẽ thay đổi khá đáng kể"./.
Link: https://vov.vn/the-gioi/quan-sat/tuyen-bo-my-la-cuong-quoc-thai-binh-duong-biden-se-ran-tay-voi-trung-quoc-821033.vov
Theo Kiều Anh/VOV.VN