Những cuộc chuyển giao quyền lực tổng thống Mỹ đáng chú ý
Các cuộc chuyển giao quyền lực tổng thống trong suốt lịch sử chính trị Mỹ thường thay đổi từ suôn sẻ sang miễn cưỡng và thậm chí “đối đầu” lẫn nhau.
Chuyển giao quyền lực trong hòa bình từ một tổng thống sang người kế nhiệm là đặc trưng của nền dân chủ Mỹ. Sau khi tuyên thệ trở thành tổng thống thứ 2 của nước Mỹ năm 1797, John Adams đã viết thư cho vợ của mình, Abigal, mô tả về hành động của George Washington: “khi buổi lễ kết thúc, ông ấy tới và thân mật chúc mừng anh, chúc cho chính quyền của anh luôn thành công và được tôn trọng”.
Các cuộc chuyển giao quyền lực tổng thống trong suốt lịch sử chính trị Mỹ thường thay đổi từ suôn sẻ sang miễn cưỡng và thậm chí “đối đầu” lẫn nhau. Ảnh: Getty |
Hành động của George Washington đã trở thành hình mẫu truyền thống cho các tổng thống sau này của nước Mỹ. Dù vậy, điều đó không có nghĩa là quá trình chuyển giao thực sự luôn diễn ra suôn sẻ. Thực tế, có những cuộc chuyển giao quyền lực tổng thống lại trở thành vấn đề vô cùng “khó chịu”, bắt đầu từ cuộc chuyển giao giữa 2 đối thủ chính trị năm 1801. Tuy nhiên, cũng có những khoảnh khắc rất hòa nhã, trong đó có lá thư bày tỏ sự ủng hộ chân thành từ George H.W. Bush đối với người kế nhiệm Bill Clinton – một hành động mở ra một truyền thống mới cho các tổng thống trong giai đoạn gần đây của Mỹ.
John Adams - Thomas Jefferson
John Adams đã lựa chọn không tham dự lễ nhậm chức của Thomas Jefferson - người mà ông đã thua trong cuộc bầu cử năm 1800. Thay vào đó, Adams rời khỏi Washington D.C. trên một chuyến tàu sáng sớm vào đúng ngày mà Jefferson nhậm chức.
Chiến thắng của Jefferson đánh dấu bước chuyển hoàn toàn quyền lực ở một đất nước non trẻ từ chủ nghĩa liên bang sang Dân chủ-Cộng hòa, điều mà Jefferson gọi là “cuộc cách mạng 1800”.
John Quincy Adams - Andrew Jackson
4 năm sau khi giành chiến thắng về số phiếu phổ thông nhưng lại để “tuột mất” Nhà Trắng do “một giao kèo cửa sau” Andrew Jackson đánh bại John Quincy Adams năm 1828 trong cuộc bầu cử bị phủ bóng bởi những lời cáo buộc lẫn nhau từ cả 2 phía. Jackson thậm chí còn đổ lỗi cho chiến dịch công kích của Adams đã góp phần dẫn tới cái chết của vợ ông, Rachel.
Vào ngày nhậm chức, Adams cũng làm giống như cha của ông (John Adams): rời khỏi thành phố trước lễ nhậm chức.
Andrew Johnson - Ulysses S. Grant
Jackson và người kế nhiệm, Martin Van Buren đã cùng tới Capitol trên chuyến xe ngựa kéo để dự lễ nhậm chức của Van Buren. Điều này đặt ra một tiền lệ về các cuộc chuyển giao quyền lực trong hòa bình. Hầu hết các tổng thống sắp mãn nhiệm sau Jackson đều làm theo nghi thức này. Dù vậy, vẫn có ngoại lệ.
Andrew Johnson đã từ chối tham dự lễ nhậm chức của người kế nhiệm - Ulysses S. Grant và quyết định ở lại Nhà Trắng để tiến hành cuộc họp cuối cùng với Nội các của ông.
Herbert Hoover - Franklin D. Roosevelt
Cuộc bầu cử năm 1932 diễn ra trong bối cảnh suy thoái kinh tế tồi tệ nhất trong lịch sử của Mỹ. Franklin D. Roosevelt đánh bại Herbert Hoover và giành chiến thắng áp đảo, hứa hẹn về “một thỏa thuận mới cho người dân Mỹ”.
Sau cuộc bầu cử, Hoover nhiều lần tìm cách hợp tác với Roosevelt để đối phó với khủng hoảng kinh tế, nhưng Roosevelt từ chối, vì nếu ông đồng ý với các điều kiện của Hoover, điều đó sẽ làm suy yếu, thậm chí “giết chết” kế hoạch Thỏa thuận mới của ông từ trước khi nó bắt đầu.
Roosevelt cũng là tổng thống kế nhiệm cuối cùng có một cuộc chuyển giao kéo dài đến tận tháng 3. Tu chính án 20, theo đó chuyển Ngày nhậm chức sang tháng 1, được phê duyệt sau khi ông nhậm chức.
Franklin D. Roosevelt – Tổng thống duy nhất của Mỹ 4 lần đắc cử
Harry Truman - Dwight Eisenhower
Hai người đàn ông từng làm việc với nhau trong những tháng cuối cùng của Thế chiến 2, cũng như trong giai đoạn thành lập NATO, nhưng mối quan hệ giữa 2 người đã xấu đi trong cuộc bầu cử năm 1952, trong đó Eisenhower đánh bại ứng viên Adlai Steveson.
Vào Ngày nhậm chức, Eisenhower từ chối vào Nhà Trắng, mà chỉ đợi Truman trong xe ô tô ở bên ngoài trước khi họ cùng nhau đi đến Capitol. Theo lời của cố vấn tổng thống Clark Clifford, “Sự thù hận giữa hai người ngày đó giống như một cơn gió mùa”.
Jimmy Carter - Ronald Reagan
Những bất ổn kinh tế và cuộc khủng hoảng con tin đã dập tắt hy vọng của Jimmy Carter khi ông tái tranh cử năm 1980. Ngày 20/1/1981, vài phút sau khi Ronald Reagan tuyên thệ nhậm chức, 52 nhà ngoại giao và công dân Mỹ được thả khỏi Đại sứ quán Mỹ ở Iran sau 444 ngày bị bắt làm con tin.
Theo người viết tiểu sử cho Reagan, ông Richard Reeves, đến thời điểm Carter và Reagan cùng đi ô tô tới Capitol vào Ngày nhậm chức, Carter đã không ngủ suốt 48 giờ do các cuộc đàm phán vào phút chót để dẫn tới việc giải phóng con tin.
Sau đó, đã có những cáo buộc rằng có một thỏa thuận “cửa sau” giữa chiến dịch của Reagan và chính phủ Iran nhằm trì hoãn việc giải phóng các con tin cho tới khi cuộc bầu cử và lễ nhậm chức xong xuôi, nhưng những cáo buộc đó không được chứng minh.
George H.W. Bush - Bill Clinton
Một số Tổng thống sẽ gửi thư cho người kế nhiệm, và lá thư mà George H.W. Bush gửi người kế nhiệm Bill Clinton đã đi vào lịch sử là một trong những lá hòa nhã nhất, khởi đầu một truyền thống mới cho các Tổng thống mãn nhiệm sau này.
Dù thất bại trước Clinton khi tìm cách tái tranh cử năm 1992, nhưng Tổng thống George H.W. Bush vẫn tìm cách vượt qua những chia rẽ đảng phái và đưa ra một thông điệp ủng hộ đối với người kế nhiệm.
“Thành công của ông giờ là thành công của đất nước. Tôi sẽ hết lòng vì ông”, ông Bush viết ở cuối lá thư gửi người kế nhiệm. Lá thư này được lan truyền mạnh mẽ trên mạng xã hội khi ông George H.W. Bush qua đời năm 2018.
Tổng thống Bill Clinton cùng George W. Bush và Barack Obama cũng tiếp nối truyền thống tốt đẹp này./.
Link: https://vov.vn/the-gioi/ho-so/nhung-cuoc-chuyen-giao-quyen-luc-tong-thong-my-dang-chu-y-819707.vov
Theo Hoàng Phạm/VOV.VN