Nhiều chuyển biến tích cực sau một năm thực hiện Nghị định 100/2019/NĐ-CP
Điện Biên TV - Sau một năm thực hiện Nghị định 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt và Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia cho thấy Nghị định thực sự đã đi vào cuộc sống, được người dân đồng tình ủng hộ. Điều này thể hiện ở việc ý thức chấp hành tham gia giao thông của người dân trên địa bàn tỉnh Điện Biên được nâng cao, tình hình TTATGT có nhiều chuyển biến tích cực, TNGT được kéo giảm trên cả 3 tiêu chí.
Ngay sau khi Nghị định 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ có hiệu lực, phòng Cảnh sát giao thông - Công an tỉnh, Công an thành phố và các địa phương trong tỉnh đã tập trung huy động lực lượng ra quân tăng cường tuần tra, kiểm soát; thường xuyên lập các chốt kiểm tra lưu động trên các tuyến đường, địa bàn trọng điểm để tránh sự đối phó của các lái xe khi đã sử dụng rượu, bia.
Nghị định 100/2019 của Thủ tướng Chính phủ ban hành có rất nhiều điểm mới, trong đó tăng mức xử phạt với nhiều hành vi vi phạm, nhất là vi phạm về nồng độ cồn.
Bên cạnh đó, trong Nghị định này, lần đầu tiên Chính phủ quy định người đi xe đạp, xe đạp điện có thể bị phạt từ 80.000 - 600.000 khi lái xe có nồng độ cồn. Đối với người điều khiển xe ô tô vi phạm nồng độ cồn ở mức cao nhất sẽ bị phạt tiền từ 30-40 triệu đồng; với người điều khiển xe mô tô, nếu vi phạm các quy định về nồng độ cồn cao nhất sẽ bị xử phạt từ 6-8 triệu đồng, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 22-24 tháng.
Một chốt kiểm tra nồng độ cồn trên địa bàn thành phố Điện Biên Phủ. |
Với mức phạt cao có tính răn đe rất lớn như hiện nay, Nghị định 100 đã góp phần kiềm chế tai nạn giao thông và một số các bệnh liên quan đến rượu bia, được người dân đồng tình ủng hộ.
Anh Phạm Đăng Minh, người dân huyện Điện Biên Đông, chia sẻ: “Là người trực tiếp tham gia giao thông, tôi thấy Nghị định 100 rất thiết thực, đã hạn chế được số vụ tai nạn giao thông do người điều khiển phương tiện sử dụng rượu, bia gây ra; mức phạt đảm bảo được tính răn đe. Nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật, bản thân tôi khi tham gia giao thông cũng sẽ không uống rượu, bia để đảm bảo an toàn cho chính mình và mọi người”.
Cùng với công tác tuần tra, kiểm soát, lực lượng cảnh sát giao thông đã kết hợp tuyên truyền, nhắc nhở để người dân biết về Nghị định này. Sau một năm thực hiện, theo thống kê, năm 2020 lực lượng công an toàn tỉnh đã phát hiện, lập biên bản 7.500 trường hợp vi phạm; trong đó, thực hiện chuyên đề về xử lý nồng độ cồn, đã lập biên bản gần 960 trường hợp, xử lý vi phạm hành chính 490 trường hợp, với tổng số tiền hơn 2,3 tỷ đồng.
Mức phạt của Nghị định 100 được đánh giá là đủ tính răn đe, đã góp phần giảm thiểu tình trạng sử dụng rượu, bia khi tham gia giao thông của nhiều người. |
Thượng tá Nguyễn Mạnh Cương, Phó trưởng phòng CSGT - Công an tỉnh Điện Biên, cho biết: “Thực hiện Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia và Nghị định 100, ngoài công tác tuyên truyền, chúng tôi chỉ đạo lực lượng tuần tra kiểm soát tập trung kiểm tra, xử lý nghiêm với các hành vi người điều khiển phương tiện ô tô, mô tô trong cơ thể có nồng độ cồn. Cùng với đó, chúng tôi tăng cường kiểm tra, xử lý kịp thời với các trường hợp lái xe vận tải hành khách, hàng hóa trong cơ thể có nồng độ cồn và chất ma túy".
Sau một năm thực hiện, có thể thấy tính thiết thực và hiệu quả của Nghị định 100/2019/NĐ-CP đã được thể hiện thông qua việc kiềm chế và kéo giảm được cả 3 tiêu chí về TNGT. Đặc biệt là nhận thức của người dân trên địa bàn tỉnh khi tham gia giao thông đã được nâng lên rõ rệt, nhiều người đã từ bỏ thói quen điều khiển phương tiện sau khi đã sử dụng rượu, bia./.
Minh Thư - Tiến Dũng/DIENBIENTV.VN