Chỉ dẫn địa lý - Cơ hội để chè Shan tuyết tủa chùa cất cánh
Điện Biên TV - Chè Shan tuyết Tủa Chùa là 1 trong 21 sản phẩm được Bộ Khoa học và Công nghệ phê duyệt tại Quyết định số 3330 về việc đăng ký bảo hộ, quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý. Sản phẩm sau khi đã có dấu hiệu nhận diện và được chứng nhận về chất lượng, nguồn gốc xuất xứ không chỉ tạo ra cơ hội mới để chè Shan tuyết Tủa Chùa khẳng định được danh tiếng, nâng cao giá trị sản phẩm trên thị trường xuất khẩu mà còn giúp bảo vệ quyền lợi cho người sản xuất, người tiêu dùng và kinh doanh.
Chè Shan tuyết Tủa Chùa mọc ở độ cao hơn 1.400m so với mặt nước biển. Phát triển ở núi cao lại không sử dụng thuốc trừ sâu, kích thích tăng trưởng nên chè cổ thụ Tủa Chùa có hương vị khác biệt, màu nước vàng ánh, trà mới uống có vị chát đậm đà, sau lại vị ngọt đượm.
Cuối tháng 3/2022, Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam công nhận quần thể 100 cây chè Shan tuyết cổ thụ là Cây di sản Việt Nam đã mở ra điều kiện lý tưởng để địa phương quảng bá, phát triển du lịch và nâng tầm thương hiệu cho cây chè nơi đây.
Những cây chè Shan tuyết cổ thụ có tuổi đời hàng trăm năm tại Tủa Chùa được công nhận là Cây di sản Việt Nam. |
Ông Đặng Tiến Công, Phó trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Tủa Chùa: “Sau khi cây chè Shan tuyết được công nhận là Cây di sản Việt Nam thì các sản phẩm của cây chè được người dân các tỉnh, thành trong cả nước cũng như trên thế giới biết đến. Qua đó góp phần tăng giá trị sản phẩm, giúp cho người dân có thu nhập cao hơn cũng như phát triển tốt về công tác du lịch cộng đồng gắn với thu hoạch và chăm sóc cây chè rất được ưa chuộng.”
Để từng bước đưa cây chè trở thành cây công nghiệp chủ lực, huyện Tủa Chùa đã vận động, hướng dẫn người dân chăm sóc, bảo vệ gần 10 nghìn cây chè Shan tuyết cổ thụ hiện có. Đồng thời, mở rộng thêm diện tích chè cây thấp và phát triển, chuẩn hóa sản phẩm chè với mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi. Đến nay huyện Tủa Chùa có gần 600 ha chè, sản lượng chè búp tươi đạt hơn 75 tấn/năm.
“Thời gian tới, huyện sẽ quan tâm khắc phục diện tích chè hiện có, từ nay đến 2025 sẽ trồng mới trên 2 vạn cây chè tại các điểm chưa đảm bảo mật độ. Bên cạnh đó, huyện tiếp tục thực hiện chuỗi liên kết vùng chè để được hỗ trợ theo quyết định 45 của tỉnh, để tạo ra sản lượng tăng theo hàng năm.” - ông Nguyễn Minh Tuân, Phó Chủ tịch UBND huyện Tủa Chùa, cho biết.
Tủa Chùa đã có 4 sản phẩm chè đạt chứng nhận OCOP 3 sao. |
Hiện nay, Tủa Chùa đã có 4 sản phẩm chè đạt chứng nhận OCOP 3 sao. 2 chuỗi sản phẩm chè Shan tuyết cổ thụ của Công ty Trà Phan Nhất và Công ty TNHH Hương Linh tỉnh Điện Biên được công bố tiêu chuẩn, có tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm.
Để tạo danh tiếng cho sản phẩm chè Shan tuyết Tủa Chùa, tháng 4/2022, 2 sản phẩm chè xanh và chè xanh Phổ Nhĩ của Tủa Chùa đã được Viện Thổ nhưỡng Nông hóa lựa chọn đăng ký bảo hộ, quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý theo Quyết định 3330 của Bộ Khoa học và Công nghệ, đánh dấu sự phát triển của chè Shan tuyết Tủa Chùa trong xu thế hội nhập kinh tế thị trường.
Theo ông Nguyễn Văn Hồng, Viện Thổ nhưỡng Nông hóa: Hiện Cục Sở hữu trí tuệ Bộ Khoa học và Công nghệ đang chú trọng vào các kênh, như: Xây dựng website cho sản phẩm để giới thiệu, quảng bá sản phẩm đến với người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh; xây dựng các phóng sự quảng bá, giới thiệu trên các sàn giao dịch điện tử để danh tiếng của sản phẩm đến với người tiêu dùng được nhiều hơn.
Cùng với việc hoàn thiện các tiêu chí để được cấp chỉ dẫn địa lý đối với chè Shan tuyết, huyện Tủa Chùa đang tiếp tục mở rộng liên doanh, liên kết với các công ty xây dựng thương hiệu, chế biến sản phẩm theo cơ chế sạch và bao tiêu sản phẩm. Đồng thời, tập trung vào việc giới thiệu, quảng bá sản phẩm trên sàn giao dịch điện tử, qua các kênh hội chợ thương mại để các sản phẩm chè Shan tuyết Tủa Chùa đến gần hơn với thị trường trong nước và quốc tế./.
Hoàng Út - Đức Trung/DIENBIENTV.VN