Xung quanh việc trồng cây mắc ca tự phát

Thứ Ba, 05/04/2022, 13:42 [GMT+7]

Điện Biên TV - Sau thời gian có mặt trên đất Điện Biên, cây mắc ca đã dần khẳng định được giá trị kinh tế cao hơn so với nhiều loại cây trồng truyền thống. Trong định hướng tái cơ cấu ngành Nông nghiệp đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, mắc ca sẽ được quy hoạch trồng trên địa bàn 4 huyện: Mường Nhé, Nậm Pồ, Ðiện Biên, Tuần Giáo với quy mô khoảng 26.000ha. Tuy được đánh giá có nhiều tiềm năng phát triển, nhưng nếu thiếu sự tính toán cẩn trọng và quá nóng vội đầu tư trồng mắc ca theo kiểu tự phát sẽ tiềm ẩn rủi ro rất lớn. Phân tích thực tế tại huyện Nậm Pồ.

Được mệnh danh là “cây trồng tỷ đô” hay “nữ hoàng hạt khô”, thời gian qua, mắc ca - loại cây lâm nghiệp hoàn toàn mới đã mang đến cho bà con nông dân tỉnh ta sự kỳ vọng rất lớn. Minh chứng cho điều đó là diện tích trồng mắc ca nhanh chóng được mở rộng ở nhiều địa phương. Tại huyện biên giới xa xôi Nậm Pồ, nhiều diện tích nương rẫy bạc màu giờ đây cũng đang dần được người dân đưa cây mắc ca vào trồng thay thế các loại cây lương thực.

Chưa thống kê đầy đủ, nhưng diện tích mắc ca mà người dân của địa phương này đã trồng không dưới 50 ha, kể cả trồng thuần và xen canh với các loại cây trồng khác. Nậm Chua và Nà Khoa là 2 xã có diện tích mắc ca đã trồng nhiều nhất của huyện Nậm Pồ đến thời điểm này. Đáng chú ý là nhiều người trồng mắc ca hoàn toàn theo cảm tính mà không biết loại cây này có những yêu cầu rất khắt khe. Thực tế đã có những người sẵn sàng đầu tư số tiền rất lớn để trồng mắc ca đơn giản chỉ qua những thông tin tiếp nhận được từ những quảng cáo trên mạng xã hội. Thậm chí là qua những lời giới thiệu, chào mời của các cơ sở bán cây giống. Anh Sùng A Sinh, bản Nậm Ngà 2, xã Nậm Chua là một trong những người như vậy.

1
Cây mắc ca dần được thay thế cho các loại cây trồng khác tại các khoảnh nương của người dân huyện Nậm Pồ.

Chất lượng cây giống là yếu tố đặc biệt quan trọng, quyết định 85% thành công hay thất bại đối với những người trồng mắc ca. Theo khuyến cáo, cây giống mắc ca được sử dụng phải là cây ghép, không sử dụng cây giống thực sinh để đảm bảo sự đồng đều về sinh trưởng và độ thuần giống. Mặt khác, cây mắc ca là cây thụ phấn chéo, trên 1 diện tích phải trồng ít nhất từ 2 giống trở lên để nâng cao khả năng thụ phấn và đậu quả. Vì thế, hoàn toàn sẽ không quá lời nếu cho rằng: Việc bỏ vốn trồng tới 6.600 cây mắc ca, tương đương với tổng diện tích trên 22 ha là một sự liều lĩnh, khi anh Sinh tuyệt nhiên chưa hề biết đến những yêu cầu bắt buộc này.

“Cây giống mua tại công ty là 60 nghìn đồng/cây. Công vận chuyển 1 cây tính ra khoảng 3 nghìn đồng. Chở 1.000 cây giống từ Điện Biên vào Nậm Pồ mất khoảng 3 triệu. Còn cả phân bón, công thuê phát nương, công đào hố trồng thì bình quân chi phí từ 100- 110 nghìn đồng/1 cây.” - anh Sùng A Sinh, bản Nậm Ngà 2, xã Nậm Chua, huyện Nậm Pồ chia sẻ.

Do thời gian kiến thiết cơ bản kéo dài tới từ 5 - 7 năm, ngoài số tiền gần 700 triệu đã chi phí trong năm đầu tiên, để cây mắc ca đến thời kỳ kinh doanh, trung bình một năm mỗi ha anh Sinh vẫn cần đầu tư từ 15 - 20 triệu đồng cho việc chăm sóc. Quá nóng vội, thiếu đi sự cân nhắc dẫn đến việc phát triển diện tích mắc ca lớn chỉ trong thời gian ngắn. Dù đã bỏ ra số tiền không hề nhỏ và vẫn tiếp tục phải đầu tư thêm, nhưng hiệu quả cây mắc ca thế nào, giờ đây còn phải trông chờ hoàn toàn vào sự may mắn của anh Sinh.

Anh Sùng A Sinh cho biết: “Mua cây mắc ca giống ở Điện Biên thì người ta chỉ cam kết bằng miệng thôi chứ không cam kết bằng văn bản. Thực ra tôi rất là lo lắng. Lúc đầu thì sợ cây không hợp khí hậu sẽ không lớn. Bây giờ thì sợ sau này cây không có quả.”

1
Đặt nhiều kỳ vọng về giá trị mang lại của loại cây được mệnh danh là "cây tỷ đô" nên nhiều nông dân huyện Nậm Pồ phát triển diện tích cây mắc ca ồ ạt mà không hề biết cách lựa chọn cây giống chất lượng còn hiệu quả thì trông chờ vào sự may mắn.

Không chỉ có gia đình anh Sinh, thấy bà con ở khắp nơi trong tỉnh trồng mắc ca, nhiều hộ dân ở huyện Nậm Pồ cũng không ngần ngại mua cây giống về trồng. Trên địa bàn xã Nà Khoa, những mảnh nương vốn nhiều năm chỉ sử dụng để trồng cây lúa, cây ngô, cây sắn nay đang dần được thay thế bằng sự hiện diện của cây mắc ca.

Theo ông Sùng A Lềnh, Chủ tịch UBND xã Nà Khoa, huyện Nậm Pồ: “Riêng xã Nà Khoa đã có trên 9ha do người dân tự trồng, còn chủ trương phát triển chung của tỉnh thì vẫn đang tiếp tục triển khai. Khó khăn đối với cấp ủy, chính quyền địa phương trong việc phát triển cây mắc ca thì chúng tôi mới chỉ nghe thôi, còn chất lượng giống loại nào đạt chất lượng, loại nào đạt tiêu chuẩn thì chúng tôi cũng chưa nắm rõ.”

Còn theo ông Lý Văn Khánh, Khuyến nông viên xã Nà Khoa, huyện Nậm Pồ: “Giống cây mắc ca thì bà con cũng thực sự chưa biết giống nào là giống tốt, giống nào là giống không tốt. Theo nghe những công ty bán giống thì người ta nói giống của họ rất tốt. Người dân chỉ biết vậy chứ đã trồng cây mắc ca bao giờ đâu.”

Không biết lựa chọn cây giống có chất lượng. Kỹ thuật trồng và chăm sóc cũng không được người dân thực hiện triệt để do thiếu kiến thức. Trong khi đó, các cơ quan chức năng và chính quyền các cấp chưa thực sự có trách nhiệm trong việc quản lý chất lượng giống cây trồng. Kết quả là: Trên cùng một diện tích nhưng cây mắc ca phát triển không đồng đều. Nhiều cây còi cọc, ít đọt non, thiếu sức sống. Có dấu hiệu đứng cây. Lá nhỏ hẹp chuyển màu vàng. Thân cây không bóng khỏe. Do trồng bằng cây giống quá già, không ít cây đã ra hoa ngay trong năm đầu tiên. Với tình trạng phát triển như thế này, hiệu quả từ cây mắc ca đem lại có lẽ cũng không mấy khả quan.

1
Do chọn phải cây giống kém chất lượng, cây quá già nên nhiều cây mắc ca đã ra hoa ngay trong năm đầu tiên.

Theo tính toán,  chi phí đầu tư cho 1 ha cây mắc ca trong 5 năm đầu khoảng từ 200 - 250 triệu đồng. Thường thì phải tới năm thứ 5, năm thứ 6 trở đi cây mắc ca sẽ cho thu hoạch, người dân mới có thu nhập. Nhưng trên thực thế, đã có những người trồng phải giống kém chất lượng, cây mắc ca không ra quả hoặc có ra quả nhưng rất ít. Trường hợp này, những cây mắc ca dù đã mất tới 5, 6 năm dày công đầu tư, chăm sóc cũng sẽ phải đau đớn chặt bỏ trồng lại hoặc chuyển sang trồng các loại cây khác, vì khó tìm được giải pháp khắc phục khả dĩ hơn.

Rủi ro là vậy, song với sự kỳ vọng rất lớn vào loại cây được mệnh danh là “cây tỷ đô”, cây “nữ hoàng hạt khô”, nhiều hộ nông dân ở Nậm Pồ đã có kế hoạch đầu tư mở rộng diện tích trong vụ trồng cây tới. Nếu không nhanh chóng có giải pháp quản lý chất lượng cây giống, tình trạng người dân tự phát trồng mắc ca theo phong trào khi còn thiếu quá nhiều kiến thức, được xem là mạo hiểm không khác gì đánh bạc đỏ đen.

“Cây mắc ca tổng vốn đầu tư rất lớn. Theo tôi, trong thời gian tới cần phải có các cơ quan chức năng, các ngành, các cấp quan tâm giám sát các nguồn cung cấp cây mắc ca đảm bảo chất lượng và tiêu chuẩn để sau này người dân không bị thiệt thòi.” - ông Sùng A Lềnh, Chủ tịch UBND xã Nà Khoa, huyện Nậm Pồ nói.

Trong thời gian tới, nhu cầu về giống loại cây trồng này chắc chắn sẽ tăng cao. Trong khi việc kinh doanh buôn bán cây giống hiện nay khá dễ dàng do hầu hết người dân không đòi hỏi truy suất về nguồn gốc xuất xứ. Mặt khác, giống trôi nổi, kém chất lượng thường có giá thành thấp nên dễ tiêu thụ hơn. Lợi dụng điều đó, các cơ sở sản xuất kinh doanh sẵn sàng trà trộn cây giống kém chất lượng bán cho người dân. Đối với cây mắc ca, chất lượng cây giống ảnh hưởng rất lớn đến năng suất, chất lượng sản phẩm.

Do vậy, ngoài việc tuyên truyền sâu rộng để người dân hiểu rõ chủ trương phát triển cây mắc ca của tỉnh, cấp ủy, chính quyền huyện Nậm Pồ cần tăng cường phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra, giám sát hoạt động sản xuất, kinh doanh giống cây cây trồng trên địa bàn, đặc biệt là đối với cây mắc ca. Song song với đó là tăng cường tuyên truyền, nâng cao hiểu biết các kỹ thuật trồng, chăm sóc mắc ca, giúp người dân biết lựa chọn cây giống, biết mua cây giống ở những cơ sở có đầy đủ hồ sơ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ, để hạn chế tối đa sự rủi ro không đáng có./.

 

 

Ngọc Thượng - Tiến Dũng/DIENBIENTV.VN
 

.