Nâng cao năng lực cạnh tranh, tận dụng Hiệp định RCEP

Thứ Ba, 26/04/2022, 13:36 [GMT+7]

Điện Biên TV - Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực hay còn gọi là Hiệp định RCEP giữa 15 quốc gia có hiệu lực từ ngày 1-1-2022 đã đánh dấu thêm một mốc quan trọng trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, toàn diện và chất lượng cao của Việt Nam. Để cụ thể hóa và triển khai kịp thời, hiệu quả Hiệp định, UBND tỉnh Điện Biên đã ban hành kế hoạch và giao nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ngành liên quan, các địa phương tổ chức thực hiện, nhằm chủ động và tận dụng Hiệp định để thúc đẩy phát triển hoạt động thương mại, xuất nhập khẩu của tỉnh trong thời gian tới.

Hiện nay, tỉnh Điện Biên đang tích cực triển khai công tác tuyên truyền, phổ biến thông tin về Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực tới các đối tượng có liên quan như: Cơ quan quản lý Nhà nước, các địa phương, cộng đồng doanh nghiệp, hợp tác xã và người dân thông qua các phương tiện truyền thông, các trang thông tin điện tử.

Ông Nguyễn Hùng Cường, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông: “Ngày 22/2, Sở TT&TT đã có Văn bản số 215 hướng dẫn, đề nghị Báo Điện Biên Phủ, Đài Phát thanh & Truyền hình tỉnh, Trung tâm Văn hóa - Truyền thanh - Truyền hình các huyện, thị xã, thành phố chủ động nắm thông tin về hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực, tổ chức tuyên truyền, phổ biến rộng về nội dung đã cam kết cũng như là công việc cần triển khai để thực thi có hiệu quả Hiệp định RCEP”.

1
Điện Biên tăng cường hoạt động quảng bá các sản phẩm thế mạnh của địa phương.

Là cơ quan đầu mối, Sở Công Thương đã và đang xây dựng chương trình, kế hoạch, đề án phát triển thị trường, xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm đối với các mặt hàng mà tỉnh có tiềm năng, lợi thế tới các nước thành viên của Hiệp định. Trong đó, tích cực phối hợp với các sở, ngành liên quan triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực sản xuất, chất lượng sản phẩm. Chú trọng vào các mặt hàng nông nghiệp chủ lực, sản phẩm chuỗi liên kết cung ứng thực phẩm an toàn, các sản phẩm OCOP có tiềm năng và lợi thế xuất khẩu.

“Sở tập trung vào các đề án hỗ trợ doanh nghiệp, đơn vị doanh nghiệp xây dựng các trang thương mại điện tử. Đồng thời, hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng quảng bá sản phẩm trên nền tảng số, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển thương mại điện tử. Ngoài ra, Sở đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành cũng như đăng ký với Bộ Công Thương xây dựng các đề án về hệ thống quản lý truy xuất nguồn gốc đối với các sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng của tỉnh trên nền tảng số. Ngoài các nhiệm vụ chung được giao, Sở còn xây dựng các đề án tổ chức hội nghị kết nối giao thương giữa các nhà cung cấp với doanh nghiệp xuất khẩu. Đồng thời, tổ chức hoạt động xúc tiến thương mại tỉnh Điện Biên được Bộ Công Thương phê duyệt hàng năm” - ông Vũ Hồng Sơn, Giám đốc Sở Công Thương cho biết.

1
Cục Hải quan tỉnh Điện Biên ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động xuất nhập khẩu.

Hiệp định RCEP được triển khai với các quy định chung về nguồn gốc xuất xứ, đơn giản hóa các thủ tục hải quan. Để tạo thuận lợi thương mại theo Hiệp định, Cục Hải quan tỉnh Điện Biên đã tăng cường việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động xuất nhập khẩu từ khâu khai báo của doanh nghiệp đến tiếp nhận, xử lý thông tin và ra quyết định thông quan. Tăng cường kiểm tra, giám sát nguồn gốc, xuất xứ đối với hàng hóa xuất nhập khẩu và thông quan hàng hóa nhanh chóng, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.

Ông Phạm Mạnh Dũng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Cửa khẩu Quốc tế Tây Trang: “Chúng tôi luôn tạo điều kiện trong quá trình làm thủ tục hải quan, đặc biệt là hệ thống thông quan và thông quan điện tử. Hệ thống giao thông hiện nay là giao thông giữa Việt Nam - Lào và sang Trung Quốc nữa rất thuận lợi. Theo thống kê, trong 2 năm 2020, 2021 có khoảng hơn 4.000 công nông sản xuất khẩu từ trong Nam xuất sang Trung Quốc. Đây là cơ hội cho doanh nghiệp Điện Biên tiếp cận thị trường để xuất hàng sang Trung Quốc”.

Nâng cao năng lực cạnh tranh, tận dụng hiệu quả Hiệp định RCEP, tỉnh tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, đảm bảo môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, minh bạch và thu hút vốn đầu tư từ nước ngoài vào các lĩnh vực trọng điểm. Cùng với đó, tập trung tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, chuyển đổi số hóa, áp dụng khoa học kỹ thuật, mô hình sản xuất tiên tiến theo hướng nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng quốc tế./.
 

 

 

 Hoàng Út – Minh Hòa/DIENBIENTV.VN
 

.