Các tổ chức quốc tế đánh giá tích cực về triển vọng tín nhiệm của Việt Nam
Báo chí quốc tế tuần qua có nhiều bài viết xoay quanh triển vọng cải thiện xếp hạng tín nhiệm quốc gia của Việt Nam.
Cải thiện mức xếp hạng tín nhiệm không chỉ là vấn đề nâng cao uy tín quốc gia, mà còn mở ra các kênh tiếp cận vốn đa dạng hơn, chi phí đi vay thấp hơn và củng cố vị thế tài chính đối ngoại của đất nước.
Tờ The Star quan tâm tới mục tiêu "Đề án Cải thiện xếp hạng tín nhiệm quốc gia tới năm 2030" của Việt Nam. Đó là đến năm 2030 đạt mức xếp hạng tín nhiệm từ Baa3 (đối với Moody's) hoặc BBB- (đối với S&P và Fitch) trở lên.
Bài báo nhấn mạnh tới các giải pháp chủ yếu để thực hiện mục tiêu này. Trong đó có xây dựng nền tài chính công vững mạnh, cải thiện các chỉ số nợ và thúc đẩy củng cố tài khóa.
Hiện tại các tổ chức tín dụng quốc tế đang có những đánh giá rất tích cực về Việt Nam trong dài hạn. Hãng đánh giá tín dụng Fitch đang xếp hạng tín nhiệm Việt Nam ở mức "BB" với triển vọng "Tích cực".
Các tổ chức tín dụng quốc tế đánh giá tích cực về tín nhiệm quốc gia của Việt Nam. Ảnh minh họa - Ảnh: Dân trí. |
Fitch khẳng định triển vọng tăng trưởng trung hạn của Việt Nam tiếp tục lạc quan bất chấp bất chấp đại dịch COVID-19 và ảnh hưởng kinh tế toàn cầu từ cuộc xung đột ở Ukraine, đồng thời đưa ra mức dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam đạt 6,1% trong năm nay và 6,3% trong năm 2023.
Trước đó, hãng xếp hạng tín nhiệm S&P cũng giữ nguyên hệ số tín nhiệm quốc gia của Việt Nam, nâng triển vọng từ Ổn định lên Tích cực. S&P đưa ra quyết định dựa trên tình hình phát triển kinh tế bất chấp dịch COVID-19, cũng như sự cải thiện về hoạch định chính sách.
"Từ năm 2013 - 2021, xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam luôn trong xu hướng tốt lên. Cụ thể, tăng từ B2 lên Ba3 theo đánh giá của Moody's, từ BB- lên BB theo đánh giá của S&P và từ B + lên BB theo đánh giá của Fitch. Hiện tại cả 3 tổ chức xếp hạng đều đánh giá Việt Nam có triển vọng tích cực và điều này phản ánh rất đúng triển vọng tăng trưởng dài hạn cũng như sự phục hồi như kỳ vọng của nền kinh tế", ông Olivier Rousselet - Giám đốc Quốc gia của BNP Paribas Việt Nam cho hay.
Theo các chuyên gia, thông thường có thể mất từ 4 - 10 năm để đạt được mức xếp hạng đầu tư BBB từ mức xếp hạng BB. Thời gian nhanh hay chậm tùy thuộc vào các cải cách tổng thể về cơ cấu và kinh tế.
Link: https://vtv.vn/kinh-te/cac-to-chuc-quoc-te-danh-gia-tich-cuc-ve-trien-vong-tin-nhiem-cua-viet-nam-20220417101716389.htm
Theo VTV