Xây dựng thương hiệu gạo Điện Biên vươn ra thị trường trong nước và quốc tế

Thứ Ba, 16/03/2021, 16:18 [GMT+7]

Điện Biên TV - Được biết đến là địa phương có cánh đồng Mường Thanh lớn nhất của vùng Tây Bắc với các loại gạo đặc sản dẻo, thơm ngon và đã trở thành thương hiệu nổi tiếng cả nước. Tuy nhiên, việc xây dựng thương hiệu cũng như tiêu thụ sản phẩm theo hướng bền vững vẫn còn hạn chế, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế vốn có hiện nay. Vậy, các ngành chức năng của tỉnh đã thực hiện giải pháp như thế nào để đưa thương hiệu gạo Điện Biên đến với thị trường trong nước và quốc tế?

1
Cánh đồng Mường Thanh - nơi cho ra những hạt gạo dẻo thơm nức tiếng.

Huyện Điện Biên có vị trí địa lý đặc biệt quan trọng, chiếm phần lớn diện tích của cánh đồng Mường Thanh với 4.000ha và có nhiều lợi thế về xây dựng vùng chuyên canh sản xuất nông nghiệp.

Dựa trên lợi thế về đất đai, nguồn nước và kinh nghiệm sản xuất của người nông dân, nhiều năm nay các xã trên địa bàn huyện đã có quy hoạch sản xuất hợp lí, tạo nên vùng sản xuất hàng hóa nông sản với các loại gạo nổi tiếng như: Bắc thơm số 7, Séng cù để cung cấp cho thị trường trong và ngoài tỉnh.

Hiện nay, huyện Điện Biên đang triển khai Dự án Cánh đồng mẫu lớn liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ lúa  tại xã Thanh Yên, Thanh Hưng, Thanh Xương… với sự tham gia của hàng trăm hộ gia đình. Đồng thời tạo điều kiện cho các HTX liên kết với bà con nông dân xây dựng những mô hình sản xuất lớn.

Đến thời điểm này, sau 4 năm liên kết, người nông dân đã thực sự tin tưởng vì sản phẩm của mình làm ra đến đâu đều được thu mua, không lo bị ép giá so với trước kia. Khi đã có hợp đồng bao tiêu sản phẩm, việc sử dụng thuốc trừ sâu, hóa chất đã được hạn chế ở mức thấp nhất, chất lượng khi thu hoạch cũng được tăng lên, giá bán cao hơn từ 10-15% so với thị trường, tạo thành chuỗi liên kết bền vững, giúp người nông dân yên tâm gắn bó với cây lúa.

1
Dây chuyền sản xuất gạo của HTX dịch vụ tổng hợp Thanh Yên.

Với tiềm năng, lợi thế sẵn có của địa phương, xã Mường Phăng, TP. Điện Biên Phủ đang tập trung xây dựng thương hiệu sản phẩm OCOP đối với gạo Nếp tan. Để được chứng nhận sản phẩm OCOP, thời gian qua xã Mường Phăng đã tập trung đẩy nhanh việc hoàn thiện các thủ tục cần thiết đối với các cơ quan chức năng.

Đồng thời, xác định việc liên kết với chủ cơ sở thu mua thóc, gạo trên địa bàn, cam kết bao tiêu đầu ra ổn định cho người nông dân. Bên cạnh đó, cơ sở thu mua này còn tuyên truyền, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc cây lúa, hạn chế sử dụng hóa chất trong giai đoạn cây lúa sinh trưởng và phát triển. Đảm bảo tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về nông sản sạch cũng như đảm bảo an toàn thực phẩm nhưng vẫn giữ được vị riêng của gạo Nếp tan Mường Phăng.

Thực tế cho thấy, việc phát triển sản phẩm nông nghiệp sạch đã được nhiều cá nhân và doanh nghiệp tích cực tham gia với sự vào cuộc quyết liệt của các ngành, các địa phương.

1
Giống lúa Nếp tan đang được xã Mường Phăng, TP. Điện Biên Phủ tập trung xây dựng thương hiệu sản phẩm OCOP.

Tuy nhiên, chủ yếu vẫn chỉ dừng lại ở mô hình nhỏ lẻ, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của địa phương. Ngay như gạo Điện Biên, một sản phẩm nổi tiếng cả nước nhưng đến nay mới chỉ có 2 sản phẩm là gạo Bắc thơm và IR64 có chỉ dẫn địa lý. Trong đó, gạo IR64 thì gần như người nông dân vùng lòng chảo không còn canh tác. Như vậy, ngoài thúc đẩy phát triển các sản phẩm chủ lực thì việc xây dựng chỉ dẫn địa lý là yếu tố vô cùng quan trọng.

Ông Chu Văn Bách, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Điện Biên, cho biết: “Theo xu thế sản xuất hiện nay thì các giống chủ lực của huyện Điện Biên là Séng cù, Hana 112... đều là các giống lúa chất lượng cao, song hiện chưa được cấp chứng nhận chỉ dẫn địa ký. Huyện đang tiếp tục đang làm đề nghị các sở, ngành, cơ quan chuyên môn cấp tỉnh quan tâm triển khai thực hiện.”

Để thương hiệu gạo Điện Biên vươn ra thị trường trong và ngoài nước một cách ổn định và bền vững, tỉnh ta đang tập trung chỉ đạo đẩy mạnh thực hiện cơ cấu lại ngành Nông nghiệp; tập trung chuyển đổi sản xuất theo hướng chuyển từ mục tiêu số lượng sang chất lượng và giá trị gia tăng; chuyển từ quy mô nhỏ lẻ, phân tán hướng dần sang tập trung với quy mô phù hợp ở một số nơi có điều kiện. Từ đó mới có thể thực hiện được mục tiêu là xuất khẩu bền vững các sản phẩm gạo ra ngoài tỉnh và sang các thị trường Bắc Lào cũng như Thái Lan./.
 

 

 

Anh Thu - Tiến Thành/DIENBIENTV.VN
 

.