Chăn nuôi lợn – Nỗi lo dịp cuối năm

Thứ Ba, 03/11/2020, 15:02 [GMT+7]

Điện Biên TV - Khoảng từ đầu tháng 10 hàng năm là thời điểm người chăn nuôi trên địa bàn tỉnh bắt đầu tái đàn phục vụ nhu cầu lợn thịt dịp cuối năm, đặc biệt là dịp Tết Nguyên đán. Tuy nhiên, từ tháng 6 đến nay khi dịch tả lợn châu Phi tái bùng phát, toàn tỉnh đã có gần 560 hộ dân thuộc 38 xã trên địa bàn 7 huyện, thị xã, thành phố bị dịch, số lượng lợn phải tiêu hủy đã lên tới 104 tấn. Ngoài thiệt hại lớn về kinh tế, người dân đang đứng trước nỗi lo không thể kịp khôi phục lại đàn lợn phục vụ thị trường cuối năm.

Gia đình bà Hoàng Thị Dung là một trong những hộ chăn nuôi lợn lâu năm của xã Thanh Xương, huyện Điện Biên. Những năm trước, trung bình các gian chuồng trại của bà thường xuyên có gần 30 con lợn các loại.

Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, do đã bị thiệt hại hàng chục triệu đồng vì lợn mắc dịch tả lợn Châu Phi, vì vậy, dù thời điểm để bắt đầu vụ nuôi mới phục vụ Tết đã đến nhưng chuồng trại của bà vẫn bỏ trống.

Bà Dung chia sẻ: “Dịch đang phát triển, thuốc chữa thì không có nên chúng tôi cũng không dám nuôi nữa. Trong khi đó, lợn giống bây giờ chủ yếu đưa ở các nơi khác về nhiều rất khó khẳng định về chất lượng con giống nên tôi không dám tái đàn trong thời điểm này”.

1
Lo ngại dịch bệnh tái bùng phát nên dù là thời điểm thích hợp để tái đàn lợn phục vụ nhu cầu thị trường cuối năm nhưng chuồng nuôi của gia đình bà Hoàng Thị Dung vẫn bỏ trống.

Tính cả 2 đợt dịch tả lợn Châu Phi năm 2019 và năm nay, gia đình ông Trần Đình Trung, đội C9, xã Thanh Xương, huyện Điện Biên đã thiệt hại gần 30 con lợn sắp đến ngày xuất chuồng với giá trị gần 100 triệu đồng.

Sau khi tiến hành rắc vôi bột, phun hóa chất để xử lý chuồng trại, tiêu diệt mầm bệnh, dịp đầu tháng 10, ông lại đầu tư mua 5 con lợn giống về nuôi để tái đàn dần.

Ông Trung cho biết, cuối năm, gia đình thường tăng đàn phục vụ thị trường, chăn nuôi khoảng 30 đến 40 con lợn nhưng năm nay, dịch bệnh rất quy hiểm nên ông chỉ nuôi cầm chừng với quy mô nhỏ.

Dịch tả lợn châu phi đã khiến cho hàng trăm hộ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh thiệt hại lớn về kinh tế, có những hộ vừa tái đàn được một thời gian ngắn thì lại tái mắc bệnh dịch.

Bên cạnh đó, dịch tả lợn Châu Phi cũng chưa có vaccine tiêm phòng và virus này lại có khả năng tồn dư rất lâu trong quần thể của đàn lợn.

Một thực tế nữa là trên 95% hộ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh là nhỏ lẻ, việc áp dụng các biện pháp an toàn sinh học còn hạn chế, tiềm ẩn nguy cơ dịch tái phát bất cứ lúc nào.

1
Dù giá lợn đã tăng trở lại song phần lớn các hộ chăn nuôi vẫn đang tái đàn một cách cầm chừng do lo ngại dịch bênh

Bởi vậy, dù giá lợn hơi tăng cao, đạt mức trên 90.000 đồng/kg và cuối năm là thời điểm tiêu thụ tốt nhưng các cơ quan chuyên môn vẫn khuyến cáo người chăn nuôi tuyệt đối không tái đàn ồ ạt trong giai đoạn dịch đang tái bùng phát và chỉ tái đàn khi thực sự đảm bảo các quy định về vệ sinh chuồng trại, con giống.

“Các hộ chăn nuôi cần chủ động nâng cao việc phòng chống, trong đó cần cân nhắc trong việc tái đàn, đảm bảo trong việc mua bán con giống ở các cơ sở có chứng nhận kiểm dịch của cơ quan Thú y. Cùng với đó, hộ chăn nuôi cũng cần thực hiện việc tổ chức, nuôi dưỡng thật tốt, đảm bảo vệ sinh sát trùng thường xuyên theo hướng dẫn của cơ quan thú y” - ông Đỗ Thái Mỹ, Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh Điện Biên, khuyến cáo.

Thị trường cuối năm luôn là cơ hội để người chăn nuôi tăng đàn vật nuôi, bởi đây là thời điểm nhu cầu tiêu dùng các mặt hàng thực phẩm tăng cao, nhất là các loại thịt gia súc, gia cầm.

Tuy nhiên, trước những thiệt hại của dịch tả lợn Châu Phi hiện nhiều hộ chăn nuôi vẫn đang loay hoay tìm hướng tái đàn hay chuyển đổi đàn vật nuôi.

Để tháo gỡ khó khăn cho người chăn nuôi, các cơ quan chức năng cần theo dõi sát tình hình dịch bệnh và có khuyến cáo, hướng dẫn người dân kịp thời, cụ thể trong việc phục hồi hoặc chuyển đổi đối tượng chăn nuôi./.

 

 

Phương Dung - Bùi Tiến/DIENBIENTV.VN
 

.