Thấy gì sau vụ 80 tấn cá chết ở hồ Hồng Khếnh?

Chủ Nhật, 01/11/2020, 15:35 [GMT+7]

Điện Biên TV - Sự cố hy hữu khiến 80 tấn cá tại hồ Hồng Khếnh, xã Thanh Hưng, huyện Điện Biên của HTX Hải Hà chết hàng loạt đã được các cơ quan chuyên môn xác định nguyên nhân là do suy giảm nồng độ oxy  hòa tan trong nước. Sau sự cố này, các chủ cơ sở nuôi cá lồng bè cần phải làm như thế nào để không lặp lại tình trạng tương tự?

Ngay sau khi nhận được tin báo về tình trạng cá chết hàng loạt của HTX Hải Hà, các cơ quan chuyên môn của huyện Điện Biên và Chi cục Thú y tỉnh đã đi kiểm tra tình hình thực tế để xác định nguyên nhân.
Qua phương pháp kiểm tra độ oxy hòa tan trong nước hồ cho kết quả dưới 2,2mg/1lít nước, đây là mức rất thấp, quá ngưỡng nguy hiểm.

2
80 tấn cá chết thiệt hại ước tính hơn 3 tỷ đồng, nguyên nhân chính được cho là bởi suy giảm nồng độ oxy trong nước.

Trước đó, vào ngày 17 và 19/10, tại huyện Điện Biên xảy ra nhiều trận mưa bất thường có sương mù tạo lớp màng trên nước khiến không khí không hòa tan được trong nước gây suy giảm nồng độ oxy.

Theo ông Đỗ Thái Mỹ - Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh Điện Biên, hồ Hồng Khếnh là hồ nuôi thủy sản lâu năm, công tác thu gom chất thải và xử lý môi trường không tác động được bởi là hồ thủy lợi, nên độc tố sinh ra từ bùn bã hữu cơ gây ra yếu tố bất lợi. Đặc biệt, tảo trong nước kết thúc chu kỳ sinh ra môi trường bất lợi cùng yếu tố môi trường gây suy giảm oxy, đây là nguyên nhân khiến cho cá chết hàng loạt.

Ngay sau khi xảy ra tình trạng cá chết hàng loạt, các cơ quan chuyên môn của huyện Điện Biên đã kiểm tra đánh giá thực tế tại 3 chùm hồ thủy lợi trên địa bàn huyện là hồ Hồng Khếnh, hồ Pe Luông và hồ Hồng Sạt đang thực hiện nuôi cá lồng bè. Kết quả cho thấy, tất cả các cơ sở này đều thiếu các quy chuẩn kỹ thuật và mật độ lồng nuôi quá dày. Đặc biệt là thiếu các thiết bị hỗ trợ theo dõi thay đổi môi trường nước và vệ sinh lồng bè không đảm bảo.

1
Mật độ lồng quá dày, việc áp dụng các biện pháp điều kiện chủ động phòng chống giám sát môi trường còn có những hạn chế khiến người chăn nuôi không kịp trở tay khi sự cố xảy ra.

Cũng theo ông Đỗ Thái Mỹ - Chi cục trưởng Chi cục Thú y: “Mật độ nuôi 40 lồng với diện tích 22ha mặt nước hồ Hồng Khếnh đã gấp 13 lần so với quy định. Cùng với đó việc áp dụng các biện pháp điều kiện chủ động phòng chống giám sát môi trường còn có những hạn chế”.

Bài học nhãn tiền sau vụ việc rủi ro khiến 80 tấn cá chết hàng loạt là “hồi chuông” cảnh báo cho các cơ sở nuôi cá theo hình thức lồng bè trên địa bàn toàn tỉnh cần phải đảm bảo điều kiện kỹ thuật về chăn nuôi. Đặc biệt, cần phải trang bị các thiết bị theo dõi giám sát liên tục, phát hiện sớm những bất thường để kịp thời có phương án xử lý, tránh thiệt hại về kinh tế./.

 

Hoàng Út – Duy Hải/DIENBIENTV.VN

.