Hàng superfake giá rất rẻ được rao bán công khai trên Sendo, Lazada

Chủ Nhật, 05/08/2018, 08:54 [GMT+7]

Nhiều trang thương mại điện tử hàng đầu của Việt Nam đang rao bán các sản phẩm hàng hiệu được quảng cáo là hàng superfake với giá rất rẻ.
 
Theo Thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ, hành vi xâm phạm nhãn hiệu hàng hóa đang diễn ra tràn lan trên môi trường số, đặc biệt công khai trên các trang thương mại điện tử, bao gồm cả các sàn giao dịch thương mại điện tử được coi là hàng đầu ở Việt Nam như Lazada, Sendo...
 

1
Bà Nguyễn Như Quỳnh, Phó Chánh Thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ. (Ảnh: Vân Anh).


Bà Nguyễn Như Quỳnh, Phó Chánh Thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết, các loại đồng hồ sang trọng, kính mắt, bút thương hiệu Montblanc, túi xách Hermes, Channel, giầy Nike, nếu là hàng thật có giá hàng nghìn USD, nhưng được rao bán trên trang thương mại điện tử Sendo.vn của Tập đoàn FPT, Lazada.vn - một trong những sàn thương mại điện tử được coi là uy tín nhất - với lời quảng cáo hàng SuperFake, hàng Fake 1, Fake 2 với giá chỉ vài trăm nghìn đến hơn 1 triệu đồng.

"Người mua có thể đặt hàng nhanh chóng và được giao hàng trong vòng 30 phút là có sản phẩm ưng ý. Rất nhiều các trang thương mại điện tử hàng đầu của Việt Nam đang rao bán hàng nhái, hàng fake đã vi phạm các quy định về sở hữu trí tuệ", bà Quỳnh cho hay.

Theo quy định, hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp trên internet sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại điều 10, điều 11 của Thông tư 11/2015/TT-BKHCN. Theo quy định tại thông tư này, trang web là phương tiện kinh doanh và khi có hành vi quảng cáo hoặc bán hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ sẽ bị xử lý như các trường hợp vi phạm khác.

Thế nhưng, thực tế hiện nay, số vụ xử phạt các vi phạm sở hữu trí tuệ trên môi trường số còn rất hạn chế.
 

1
Những sản phẩm giả thương hiệu được rao bán công khai trên các trang thương mại điện tử với giá bằng 1/10 so với hàng chính hãng.


Ông Adam Sitkoff, Giám đốc điều hành Hiệp hội Thương mại Mỹ tại Việt Nam cho rằng, đẩy mạnh việc thực thi Quyền sở hữu Trí tuệ tại Việt Nam không phải là câu chuyện làm giàu cho các công ty lớn mà chính là để cải thiện môi trường kinh doanh tại Việt Nam, nâng cao nấc thang phát triển kinh tế, đặc biệt tạo việc làm cũng như môi trường phát triển cho giới trẻ.

"Việt Nam hiện có hơn 93 triệu dân, trong đó phần lớn là dân số trẻ. Họ là những người có sức trẻ, được giáo dục và mong muốn có được những công việc tốt hơn cũng như được làm việc trong một môi trường coi trọng và khuyến khích sự phát triển và sáng tạo", ông Adam đánh giá.

Ông Adam Sitkoff cũng chỉ ra rằng, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ khuyến khích tinh thần kinh doanh, hỗ trợ phát triển khu vực tư nhân, cùng với đó thúc đẩy sự phát triển của các hệ sinh thái công nghệ cao và những công việc thu nhập cao cho lao động có trình độ.

Nếu không có việc bảo hộ ý tưởng, các doanh nghiệp và cá nhân sẽ không thể gặt hái được toàn bộ lợi ích từ những phát minh của họ và ít tập trung hơn vào việc nghiên cứu, phát triển. Tương tự như vậy, các nghệ sĩ sẽ không được đền đáp xứng đáng cho sáng tạo của mình và hậu quả là sức sống của nền văn hóa sẽ ảnh hưởng.
 

1
Ông Adam Sitkoff, Giám đốc điều hành Hiệp hội Thương mại Mỹ tại Việt Nam. (Ảnh: Vân Anh).


Ông Adam Sitkoff cho rằng, việc ăn cắp, sao chép ý tưởng, nhãn hiệu, bí quyết, công thức sản phẩm và thậm chí là làm giả địa chỉ website sẽ khiến nhiều người sợ làm kinh doanh tại Việt Nam.

Việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ còn quan trọng hơn khi Việt Nam đang bước vào nền thương mại điện tử; điều này sẽ giúp tạo nên một môi trường lành mạnh, thúc đẩy sáng tạo và phát triển; nhờ đó, người trẻ Việt có thể tìm thấy nhiều cơ hội hơn.

Để đảm bảo việc thực hiện quyền sở hữu trí tuệ và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp yên tâm đầu tư, kinh doanh, đại diện AmCham đề xuất, cơ chế thực thi của Chính phủ cần được cải tiến một cách rộng rãi để có thể xóa bỏ, trừng phạt và ngăn chặn các hành vi vi phạm một cách hiệu quả.

"Tại Việt Nam, người vi phạm có thể sẽ bị bắt, nộp phạt và được thả một vài ngày sau đó mà gần như chẳng có vấn đề gì to tát. Chúng tôi cho rằng cần có những biện pháp cứng rắn hơn để răn đe người vi phạm, ăn cắp ý tưởng và sự sáng tạo của người khác", ông Adam Sitkoff nêu ý kiến.

Giám đốc điều hành của AmCham nhấn mạnh, việc thực thi có hiệu quả chính là việc trừng phạt những người vi phạm Quyền sở hữu Trí tuệ theo cách thức mà sẽ ngăn cản họ và những người khác thực hiện hành vi đó trong tương lai.

Ước tính, tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử hàng năm sẽ tăng trưởng khoảng 22%. Trong 5 năm tới, quy mô thị trường này tại Việt Nam sẽ đạt khoảng 10 tỷ USD. Vì thế, Việt Nam cần có nhiều hơn các chính sách, quy định để bảo hộ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ một cách có hiệu quả. Cùng với đó là đẩy mạnh vai trò của tòa án trong xử lý vi phạm quyền sở hữu trí tuệ./.

 

 

Theo VOV

.