Bộ trưởng Mai Tiến Dũng: Nhiều tín hiệu kinh tế tích cực 7 tháng qua

Thứ Năm, 02/08/2018, 07:58 [GMT+7]

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, 7 tháng qua, nền kinh tế Việt Nam đạt được nhiều chỉ số tích cực.
 
Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 7/2018 chiều ngày (1/8), ông Mai Tiến Dũng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Người phát ngôn của Chính phủ cho biết, trong hai ngày (ngày 31/7 và 1/8), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7/2018 thảo luận về công tác xây dựng thể chế và tình hình kinh tế-xã hội trong bối cảnh chúng ta đã đi qua hơn 1/2 chặng đường của năm 2018.

Tại phiên họp, Chính phủ đã bàn một số nội dung quan trọng, nhất là về kinh tế - xã hội. Nhìn chung, Chính phủ đánh giá 7 tháng qua, nền kinh tế đạt được nhiều chỉ số tích cực.
 

1
Cuộc họp báo được tổ chức tại Trung tâm


Trong đó, tình hình kinh tế-xã hội vẫn duy trì xu thế tích cực, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát trong tầm kiểm soát trong bối cảnh tình hình thế giới có nhiều biến động và căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc. Tính đến thời điểm hiện nay, về cơ bản cuộc chiến thương mại này chưa có tác động lớn đối với thương mại trong nước, thị trường ngoại hối và tỉ giá có biến động ở một số thời điểm nhưng đã được Ngân hàng Nhà nước chủ động điều chỉnh linh hoạt, kịp thời.

Khu vực nông nghiệp tăng trưởng khá, nổi bật nhất là ngành Thủy sản với sản lượng ước tăng khoảng 5,7%. Khu vực công nghiệp tăng trưởng rất tích cực, là động lực tăng trưởng chính. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp IIP tháng 7 tăng mạnh 14,3% so với cùng kỳ, mức tăng cao nhất từ đầu tháng 2/2018 đến nay.

 Về chỉ số giá tiêu dùng bình quân (CPI), sau 2 tháng liên tiếp tăng cao, Chính phủ đã có sự chỉ đạo quyết liệt trong điều hành giá, đảm bảo kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đã đề ra. Nhờ đó, CPI tháng 7 đã giảm nhẹ, giảm 0,09% so với tháng trước. Tính chung 7 tháng, CPI bình quân tăng khoảng 3,45%, lạm phát cơ bản bình quân tăng ở mức hợp lý, khoảng 1,36% so với cùng kỳ.

Tăng trưởng tín dụng tính đến ngày 20/7 khoảng 7,69%, đáp ứng được yêu cầu về vốn của nền kinh tế. Mặt bằng lãi suất cơ bản ổn định so với cuối tháng 6.

Vốn đầu tư nước ngoài tăng trưởng ở mức khá, trong đó tổng vốn đăng ký ước đạt gần 23 tỷ USD, tăng 4,6%; giải ngân vốn FDI ước đạt trên 9,8 tỷ USD, tăng 8,8% so với cùng kỳ.

Tính chung 7 tháng, cả nước có gần 75.800 doanh nghiệp được thành lập, với số vốn đăng ký đạt 771.000 tỷ đồng, tăng 3,9% về số doanh nghiệp và 6,4% về số vốn so với cùng kỳ...

Tính chung 7 tháng, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt gần 133,7 tỷ USD, tăng 15,3% so với cùng kỳ năm ngoái). Cả nước xuất siêu 3,1 tỷ USD. Giải ngân kế hoạch vốn đầu tư phát triển nguồn NSNN 7 tháng đầu năm ước đạt 150.454 tỷ  đồng, đạt 38,77% kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao, tăng 26% so với cùng kỳ năm 2017. Khách du lịch quốc tế đến VN 7 tháng ước đạt 9 triệu lượt khách, tăng 25,6% so với cùng kỳ năm trước.

Cùng với đó, chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu của Việt Nam năm nay cũng đã tăng 2 bậc, vươn lên vị trí thứ 4 trong ASEAN, sau Singapore, Malaysia và Thái Lan.

Chỉ số hiệu quả logistics 2018 tăng 25 bậc so với 2016. Hiện nay, Việt Nam đứng thứ 39/160 quốc gia và vùng lãnh thổ. Ban Thư ký Liên Hợp Quốc công bố chỉ số phát triển bền vững của Việt Nam 2018 tăng 11 bậc, xếp 57/156 quốc gia và vùng lãnh thổ. Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu của Việt Nam tăng 2 bậc, xếp 45/126 quốc gia và vùng lãnh thổ. Rất mừng là theo đánh giá mới nhất của WB, chỉ số hiệu quả logistics của Việt Nam năm 2018 đứng thứ 39/160 quốc gia và vùng lãnh thổ, tăng 25 bậc. ADB dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2018 đạt 7,1%.

Tuy nhiên, nhìn lại bên cạnh những kết quả tích cực thì cũng còn nhiều hạn chế, khó khăn vướng mắc. Trong đó, tình hình bão lũ tiếp tục phức tạp, gây nhiều tác động tiêu cực đến sản xuất và đời sống người dân, làm 78 người chết và mất tích và 64 người bị thương, thiệt hại ước 1,7 nghìn tỷ. Đây là con số thiệt hại rất lớn.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng chủ trì cuộc họp báo


Bộ trưởng cho biết, hôm nay, Thủ tướng rất nhấn mạnh yêu cầu các bộ, ngành địa phương quan tâm rà soát tất cả các hồ thủy điện và có trách nhiệm cảnh báo, dự báo sớm, chủ động khắc phục tiêu cực trong biến đổi khí hậu để giảm thiệt hại.

Dù chỉ số CPI giảm trong tháng 7 sau 3 tháng tăng liên tiếp, nhưng sức ép tăng giá vật liệu xây dựng ảnh hưởng đến kinh tế vĩ mô, nhất là trong bối cảnh thế giới nhiều biến động, trong đó có cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung.

Quy định về điều kiện kinh doanh, kiểm tra chuyên ngành vẫn còn tồn tại, Thủ tướng đã yêu cầu thời hạn đến 15/8/2018 là phải cắt giảm điều kiện kinh doanh như mục tiêu, nhưng kết quả thực tế đến nay đặt ra phải nỗ lực rất lớn. Quyết tâm là phải làm thực chất, cắt giảm thật, không thể để còn những vướng mắc.

Đặc biệt, vụ tiêu cực thi cử tại một số địa phương như Hà Giang, Sơn La gây ảnh hưởng không tốt tới niềm tin của xã hội. Xã hội cũng quan tâm rất nhiều đến tình trạng tai nạn giao thông nghiêm trọng; phế liệu nhập khẩu nhiều, thậm chí nhiều container vô chủ tại cảng...

Trong thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu tiếp tục bám sát nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, đặc biệt là về kiểm soát kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát để đảm bảo đạt mục tiêu tăng trưởng. Nhất là trong bối cảnh diễn biến phức tạp của chiến tranh thương mại, xu hướng thặt chặt tiền tệ của nhiều nước... thì cần kiên định các giải pháp để đảm bảo quyết tâm đạt các chỉ số mục tiêu vĩ mô đã đề ra. Trong đó, kiểm soát lạm phát không vượt quá 4%.

Đồng thời, cần tập trung tiếp tục đẩy mạnh cải cách thể chế; sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước; quan tâm đến doanh nghiệp khởi nghiệp, cơ cấu lại nợ công, quan tâm thúc đẩy tăng năng suất lao động....

Cũng theo Bộ trưởng, qua kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ của các bộ ngành được Chính phủ giao thì nhiệm vụ quá hạn ở tháng 7 tăng 0,3% so với tháng 6.

Về cắt giảm điều kiện kinh doanh và kiểm tra chuyên ngành thì kết quả chưa cao, mới đơn giản hóa được 606/9339 (đạt 6,6%) danh mục sản phẩm hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành; cắt giảm được 900/5.905 điều kiện kinh doanh (tương ứng 15,2%), và có 40% điều kiện kinh doanh đang làm thủ tục cắt giảm. Nếu không có gì thay đổi, sẽ cắt được 55% điều kiện kinh doanh như đề ra trước 15/8/2018. Chính phủ quyết định yêu cầu các bộ, ngành phải quyết liệt xử lý nhanh các thủ tục để đảm bảo thực hiện mục tiêu./.

 

 

Theo Hà Trần/VOV

.