Mô hình nuôi lợn an toàn sinh học ở Thanh Hưng

Thứ Tư, 14/05/2014, 18:50 [GMT+7]

Điện Biên TV - Nhằm giúp các hộ chăn nuôi tiếp nhận công nghệ chăn nuôi an toàn, kỹ thuật quản lý, sản xuất và phòng, chống dịch bệnh hiệu quả hơn, đồng thời nâng cao tính cạnh tranh của sản phẩm chăn nuôi trên thị trường. Trong thời gian qua, xã Thanh Hưng, huyện Điện Biên đã triển khai thực hiện chăn nuôi lợn an toàn, thu hút được nhiều hộ thực hiện.

Cũng như nhiều gia đình khác trong xã, gia đình chị Nguyễn Thị Kim Thắng, đội 11 xã Thanh Hưng thực hiện việc nuôi lợn theo hướng VietGAHP được 3 năm, kết quả theo chị nhận định là mang lại hiệu quả cao. Trước đây, thực hành các công việc liên quan chăn nuôi lợn, vợ chồng chị chỉ ang áng mức chi, ngày thực hiện, không chi tiết, cụ thể một nội dung nào. Nay thì làm việc gì cũng lên kế hoạch chi tiết trước, khi thực hiện thì ghi chép tỉ mỉ, đầy đủ các thông tin để thuận lợi cho việc so sánh, đối chiếu, hạch toán kinh tế. Nhờ vậy, lợi nhuận từ chăn nuôi của gia đình chị tăng bình quân 15% so với cách làm cũ. Chị Nguyễn Thị Kim Thắng, đội 11 xã Thanh Hưng chia sẻ: "Chăn nuôi theo hướng VietGAHP giúp cho người dân tiện lợi được nhiều mặt như: Đầu tư vốn rất ít, vì không hao tốn nhân công; lợn cũng lớn nhanh hơn so với nuôi bình thường; chất lượng thịt thì đỏ và đẹp, bán ra ngoài thị trường lúc nào cũng tiêu thụ nhanh hơn lợn nuôi theo hướng thủ công."

c
Nhờ chăn nuôi theo hướng VietGAHP mà lợi nhuận từ chăn nuôi của gia đình chị Nguyễn Thị Kim Thắng (bên trái) tăng bình quân 15% so với cách làm cũ

Nếu như các hộ chăn nuôi quy mô trang trại rất chú trọng công tác phòng dịch bệnh cho đàn vật nuôi thì các hộ chăn nuôi quy mô nhỏ, quy mô hộ gia đình thường ít quan tâm hơn đến công tác này. Tuy nhiên, khi các hộ chăn nuôi quy mô hộ nuôi lợn theo hướng an toàn sinh học tham gia sinh hoạt nhóm, dễ dàng kết hợp với nhau trong công tác phòng dịch bệnh cho đàn vật nuôi, hoặc khi đàn lợn của hộ này có biểu hiện khác thường thì các hộ chia sẻ thông tin để cùng tập trung cao cho công tác phòng chống, giảm thấp nhất thiệt hại do dịch, bệnh gây ra.

Cái được lớn nhất mà chương trình chăn nuôi an toàn theo hướng VietGAHP đem lại cho người chăn nuôi trong xã đó là kinh nghiệm, kỹ thuật chăn nuôi được nâng lên, hình thành cho người chăn nuôi có thói quen làm việc khoa học, có kế hoạch cụ thể, chuyên nghiệp hơn. Thứ hai là khâu quản lý chặt chẽ do hàng tháng đều phải báo cáo nên các hộ chăn nuôi không thể giấu được những điểm yếu trong công tác chăn nuôi, phòng dịch bệnh. Thứ ba là hiệu quả từ chăn nuôi tăng lên rõ rệt cả về kinh tế và môi trường. Bà Hà Bích Nhung, Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Hưng cho biết: "Một số hộ của xã chăn nuôi lợn theo hướng VietGAHP đã hạn chế được nguồn thức ăn, hạn chế được dịch bệnh, tăng trưởng và hiệu quả kinh tế là rất cao."

Tuy nhiên, hiện nay một vấn đề mà người chăn nuôi theo hướng VietGAHP đang mong muốn sớm được giải quyết, đó là xây dựng thương  hiệu, xuất xứ sản phẩm thịt nhằm nâng cao tính cạnh tranh trên thị trường, vì thực tế hiện nay là trên thị trường chưa có sự phân biệt giữa các sản phẩm từ chăn nuôi đạt tiêu chuẩn VietGAHP với sản phẩm bình thường. Bởi vậy, chưa đem lại quyền lợi lớn hơn cho người chăn nuôi và cả người tiêu dùng theo hướng VietGAHP./.

 

Phạm Hải - Tuấn Trung
 

.