Liên kết trong phát triển du lịch vùng Tây Bắc

Thứ Ba, 06/05/2014, 11:30 [GMT+7]

Điện Biên TV - Sáng 6/5, tại tỉnh Điện Biên, dưới sự chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban chỉ đạo Tây Bắc Nguyễn Xuân Phúc, Bộ VH-TT&DL, Ban chỉ đạo Tây Bắc, Bộ Ngoại giao và UBND tỉnh Điện Biên phối hợp tổ chức Hội nghị liên kết phát triển du lịch vùng Tây Bắc và gặp gỡ Ngoại giao Đoàn. Làm sao để phát triển du lịch vùng Tây Bắc đúng với tiềm năng, lợi thế là vấn đề được quan tâm và đưa ra bàn thảo tại hội nghị lần này.

b

Tham dự hội nghị có đại diện Văn phòng Chính phủ, bộ, ban, ngành Trung ương; lãnh đạo các tỉnh Tây Bắc và một số tỉnh, thành cả nước; Sở VH-TT&DL 14 tỉnh vùng Tây Bắc; đại biểu Ngoại giao Đoàn của đại sứ quán, lãnh sự quán, cơ quan hợp tác phát triển một số nước và các tổ chức quốc tế; các nhà đầu tư, doanh nghiệp, hiệp hội, tổ chức hoạt động trong lĩnh vực du lịch, lữ hành trong và ngoài nước thuộc Bộ VH-TT&DL và một số tỉnh, thành trong cả nước.

Tây Bắc được đánh giá là vùng có nhiều tiềm năng, thế mạnh về phát triển du lịch. Là nơi sinh sống của 32 dân tộc anh em với một không gian văn hóa rộng lớn và phong phú; là vùng đất có nhiều nét văn hóa dân tộc đặc trưng, có cảnh quan hùng vĩ, hệ sinh thái phong phú... Những năm qua, hoạt động du lịch ở tất cả các tỉnh trong vùng đều có sự tăng trưởng về lượng khách du lịch quốc tế và nội địa, với tăng trưởng bình quân hàng năm đạt trên 10%. Năm 2013, số lượt khách quốc tế đến Tây Bắc đạt khoảng 1,23 triệu lượt (chiếm 16% trong tổng số 7,57 triệu lượt khách quốc tế đến Việt Nam), tăng gần 3 lần so với năm 2005; lượng khách nội địa đạt trên 6,5 triệu lượt; tổng doanh thu du lịch đạt trên 7.200 tỷ đồng (chiếm 3,6% tổng doanh thu du lịch cả nước); với trên 115.000 lao động, trong đó có 35.000 lao động trực tiếp trong ngành du lịch.

Tuy vậy thì lượng khách du lịch đến Tây Bắc vẫn thấp hơn nhiều so với các vùng, miền khác trong cả nước, nhất là vùng Đồng bằng sông Hồng, Đông Nam Bộ, Duyên hải Nam Trung Bộ.

b
Đại biểu tham quan gian trưng bày, giới thiệu sản phẩm của Điện Biên bên lề hội nghị.


Hiện cả vùng có 307 cơ sở lưu trú được xếp hạng với hơn 8.830 buồng, trong đó chưa có cơ sở 5 sao; công suất sử dụng buồng trung bình đạt xấp xỉ 60%. Chỉ có 34 doanh nghiệp lữ hành quốc tế được cấp phép (trong tổng số trên 1.300 doanh nghiệp lữ hành toàn quốc).

Có thể thấy, phát triển du lịch Tây Bắc chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh sẵn có mà mới chỉ có bước tăng trưởng ở trình độ sơ khai ban đầu. Một trong những nguyên nhân là do khó khăn về nguồn nhân lực, hạ tầng du lịch, thu hút đầu tư, mức đầu tư thấp, hiệu quả phát triển loại hình du lịch cộng đồng chưa cao.

Tại hội nghị, ý kiến của nhiều đại biểu và phát biểu của Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đều nhấn mạnh tới việc phải có sự liên kết chặt chẽ giữa các tỉnh Tây Bắc, vùng Tây Bắc với các vùng miền, tỉnh, thành khác trong cả nước để phát triển du lịch Tây Bắc tương xứng với tiềm năng, thế mạnh sẵn có của vùng.

b
Du lịch Tây Bắc cần sự liên kết chặt chẽ để phát triển tương xứng với tiềm năng, thế mạnh sẵn có.


Cụ thể hóa 5 quan điểm chiến lược và Quy hoạch phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, du lịch Tây Bắc đặt mục tiêu phát triển trở thành vùng du lịch đặc trưng, là điểm đến có thương hiệu với những giá trị trải nghiệm đặc sắc về văn hóa, lịch sử và sinh thái cảnh quan hùng vĩ; du lịch Tây Bắc sẽ đóng góp quan trọng vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế và phát triển kinh tế - xã hội của vùng.

Cụ thể, mục tiêu đến 2015 vùng Tây Bắc sẽ đón 1,5 triệu lượt khách quốc tế, 9 triệu lượt khách nội địa, với 1.250 cơ sở lưu trú và 26.000 buồng lưu trú, phấn đấu tổng thu du lịch đạt 11.000 tỷ đồng. Đến năm 2020, vùng Tây Bắc sẽ đón 2,3 triệu lượt khách quốc tế, 14 triệu lượt khách nội địa, với 1.900 cơ sở lưu trú và 40.000 buồng lưu trú, tổng thu du lịch đạt 22.000 tỷ đồng.

Để làm được điều này, du lịch Tây Bắc đặt ra 6 định hướng và giải pháp chủ yếu, bao gồm: Quy hoạch và đầu tư phát triển 12 khu du lịch quốc gia, hình thành các địa bàn trọng điểm du lịch; thu hút về nguồn lực đầu tư, nâng cấp hạ tầng phục vụ phát triển du lịch; tập trung phát triển sản phẩm du lịch đặc thù vùng Tây Bắc; xúc tiến, quảng bá, phát triển thương hiệu du lịch Tây Bắc; đào tạo, phát triển nguồn nhân lực du lịch và đẩy mạnh liên kết trong nước và quốc tế để phát triển du lịch.
 

 

Dương Huyền

.