Điện Biên - Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam

Hợp tác toàn diện để phát triển

Thứ Tư, 14/05/2014, 15:15 [GMT+7]

Điện Biên TV - Sau nhiều cuộc họp bàn giữa lãnh đạo tỉnh Điện Biên và Tập đoàn Công nghiệp Cao su (CNCS) Việt Nam, cuối tháng 4 vừa qua, cùng với việc ký kết hợp tác toàn diện, phương án “chia sản phẩm giữa hộ gia đình, cá nhân góp quyền sử dụng đất để hợp tác kinh doanh cao su với các công ty cổ phần cao su trên địa bàn tỉnh Điện Biên” đã được 2 bên thống nhất thông qua. Với nguyên tắc, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp trồng cao su và người góp quyền sử dụng đất. Đây là cơ sở pháp lý để người dân yên tâm phát triển cao su, nhất là khi những vườn cao su trồng năm 2008 đã cận kề ngày khai thác...

b
Lãnh đạo Tập đoàn CNCS Việt Nam và ông Lò Văn Tiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh ký biên bản thỏa thuận phương án “chia sản phẩm giữa hộ gia đình, cá nhân góp quyền sử dụng đất để hợp tác kinh doanh cao su với các công ty cổ phần cao su trên địa bàn tỉnh Điện Biên

 

Hưởng tối thiểu 10% sản lượng vườn cây

Đó là mức chia sản phẩm mà người dân góp quyền sử dụng đất hợp tác kinh doanh cao su với các công ty cổ phần của Tập đoàn CNCS Điện Biên được hưởng khi vườn cây khai thác (trước khi vận chuyển về nơi chế biến). Sản phẩm được chia cho người dân góp đất được tính bằng diện tích đất góp (đưa vào trồng cao su và làm công trình hạ tầng phục vụ phát triển vườn cây) nhân với năng suất mủ bình quân của toàn công ty rồi nhân với tỷ lệ chia sản phẩm. Toàn bộ số sản phẩm trên sẽ được công ty mua theo giá thỏa thuận (giá được doanh nghiệp thống nhất với cơ quan quản lý giá của địa phương ban hành định kỳ) và trả tiền trực tiếp cho người góp đất 4 lần/năm. Thời gian người dân góp đất ít nhất là 1 chu kỳ sản xuất cao su (khoảng 27 năm) tính từ ngày bàn giao đất ngoài thực địa giữa các bên liên quan. Khi vườn cây hết chu kỳ khai thác mủ, sản lượng gỗ và củi thu được từ thanh lý vườn cây cũng được phân chia theo tỷ lệ phân chia sản phẩm mủ (sau khi trừ chi phí khai thác và chi phí vận chuyển đến nơi tiêu thụ). Trong quá trình hợp tác, vườn cây được quản lý tập trung, được bảo vệ, chăm sóc, khai thác theo đúng quy trình của Tập đoàn. Nếu đủ điều kiện, người góp đất được ưu tiên tuyển dụng vào làm công nhân của các công ty cao su; có quyền, nghĩa vụ theo quy định của Luật Lao động. Trong trường hợp người góp đất không đủ điều kiện tuyển dụng làm công nhân như: Quá tuổi lao động, sức khỏe không đảm bảo,… Các công ty ưu tiên ký kết hợp đồng lao động nhận khoán trồng, chăm sóc, bảo vệ và khai thác vườn cây; được hưởng mức tiền công khoán theo thỏa thuận. Đây được đánh giá là chính sách ưu việt cho người dân góp đất. Bởi lẽ, không chỉ gắn trách nhiệm, nghĩa vụ với doanh nghiệp mà người dân được hưởng lợi trực tiếp từ việc chia sản phẩm, trở thành công nhân hoặc nhận khoán vườn cây.

Ông Phạm Đức Hiển, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó trưởng Ban Chỉ đạo phát triển cao su tỉnh Điện Biên cho biết: Tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đến đầu tư, đến nay tỉnh Điện Biên có 2 công ty cổ phần cao su của Tập đoàn CNCS Việt Nam và các đơn vị thành viên của Tập đoàn đã và đang triển khai dự án, bước đầu đem lại hiệu quả kinh tế - xã hội cao. Đó là Công ty CPCS Điện Biên và Công ty CPCS Mường Nhé - Điện Biên. Các công ty nói trên đã trồng trên 4.250ha cao su, tích cực chăm sóc vườn cây hiện có và đang chuẩn bị cho mùa trồng mới năm 2014. Đến năm 2015, diện tích cao su trồng năm 2008, năm 2009 sẽ bắt đầu khai thác mủ. Điều đó đồng nghĩa với việc người dân được hưởng lợi từ phương án chia sản phẩm khi vườn cây đưa vào khai thác, tăng thu nhập và tạo việc làm cho lao động vùng dự án.

Hợp tác toàn diện, khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế

Đất lâm nghiệp hiện chiếm gần 63% tổng diện tích tự nhiên của tỉnh Điện Biên (trên 602.021ha). Đây được xác định là điều kiện, là thế mạnh để Điện Biên phát triển ngành kinh tế lâm nghiệp, đặc biệt là cao su đại điền. Ngoài tiến hành giao 9.215ha đất cho các công ty cổ phần cao su và hỗ trợ chuyển đổi đất, hỗ trợ theo các chính sách phát triển cao su của tỉnh 35 tỷ đồng, tỉnh Điện Biên đã tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia các dự án trồng cao su. Vào thời gian cao điểm, tỉnh đã huy động lực lượng lao động trong các tổ chức đoàn thể, lực lượng vũ trang tham gia khai hoang đảm bảo đạt diện tích trồng mới theo kế hoạch. Chỉ tính riêng số lao động được nhận vào làm công nhân tại các công ty hiện đã hơn 420 người. Dự kiến, đến năm 2020, các công ty cao su trên địa bàn tỉnh Điện Biên sẽ trồng mới thêm khoảng 8.000ha; đầu tư các nhà máy chế biến với tổng công suất 20.000 tấn/năm, tạo việc làm thường xuyên cho khoảng 7.000 lao động trong tỉnh.

cs
Công nhân Nông trường Cao su Điện Biên (Công ty CPCS Điện Biên) chăm sóc vườn cây

 

Ông Nguyễn Hồng Phú, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn CNCS Việt Nam cho biết: Tiềm lực, chiến lược phát triển của Tập đoàn và tiềm năng đất đai, định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Điện Biên là cơ sở để 2 bên hợp tác toàn diện cùng phát triển. Tập đoàn sẽ tổ chức khảo sát để tìm kiếm cơ hội đầu tư vào các dự án phù hợp với định hướng phát triển của tỉnh Điện Biên, cũng như đảm bảo phù hợp với năng lực và mục tiêu phát triển của Tập đoàn. Chủ động xây dựng kế hoạch trồng cao su dài hạn, trung hạn trên địa bàn tỉnh. Ngoài việc hợp tác đầu tư trực tiếp, thông qua mối quan hệ của mình, Tập đoàn sẽ kêu gọi các tập đoàn kinh tế lớn trong và ngoài nước đến nghiên cứu, tìm hiểu cơ hội đầu tư tại tỉnh Điện Biên. Trước mắt, Tập đoàn và các đơn vị thành viên trên địa bàn tỉnh tiếp tục phối hợp tốt với các ngành, các cấp để triển khai thực hiện các dự án hiệu quả; hỗ trợ tỉnh trong việc chuyển giao các thành tựu khoa học công nghệ về giống cây trồng, chế biến và tiêu thụ cao su...

Về phía tỉnh Điện Biên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lò Văn Tiến khẳng định: Điện Biên sẽ chủ động, phối hợp với các công ty thành viên của Tập đoàn CNCS Việt Nam xây dựng kế hoạch trồng cao su hàng năm để giao chỉ tiêu kế hoạch cho các đơn vị trên địa bàn phối hợp triển khai thực hiện. Chỉ đạo các cấp, các ngành phối hợp chặt chẽ với các công ty thành viên của Tập đoàn trong công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia góp đất trồng cao su. Hàng năm, chủ động tiến hành đo đạc, quy chủ, lập phương án và bố trí kinh phí hỗ trợ chuyển đổi đất theo chính sách quy định của tỉnh. Ưu tiên bố trí quỹ đất công trong quy hoạch cho các công ty cổ phần cao su thuộc Tập đoàn phát triển cao su theo dự án được duyệt và hỗ trợ đầu tư một số dự án cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển cao su đại điền theo quy hoạch được phê duyệt. Phối hợp với Tập đoàn xây dựng phương án, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao. Tiếp tục chỉ đạo UBND các cấp và các cơ quan chuyên môn đẩy nhanh việc quy chủ, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ gia đình, cá nhân có đất góp, làm cơ sở pháp lý để tiến hành làm hợp đồng góp đất vào công ty. Tỉnh cũng không cho phép các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình, cộng đồng dân cư thành lập các đại lý thu mua mủ trong vùng nguyên liệu do các công ty cổ phần cao su đã đầu tư; chỉ đạo các ngành hỗ trợ công ty trong việc quản lý, chế biến và tiêu thụ sản phẩm.


Minh Thùy

.