Gập ghềnh gieo chữ vùng cao

Thứ Hai, 12/09/2022, 14:06 [GMT+7]

Điện Biên TV - Vượt suối, băng rừng, dạy học dưới mái trường đơn sơ, nhiều năm qua, biết bao thế hệ nhà giáo ở Điện Biên đã miệt mài "cõng chữ" lên non vì sự nghiệp trồng người. Những con đường gập ghềnh không hề dễ dàng đi tới được xây bằng tình yêu thương và trách nhiệm với cộng đồng.

Con đường quen thuộc mà thầy giáo Mè Văn Ngoãn đi qua mỗi ngày để đến nơi mình dạy học nhỏ hẹp, gập gồ những đá to. Dù chỉ cách trung tâm xã hơn 10km, nhưng vào được đến điểm trường phải mất tới cả giờ đồng hồ. Để duy trì đều đặn được những lớp học ở nơi xa xôi, thiếu thốn này là cả một sự nỗ lực không nhỏ của thầy giáo Ngoãn và các đồng nghiệp nơi đây.

1
Con đường đến điểm trường Huổi Xổm, Trường Mầm non Nà Khoa, huyện Nậm Pồ của các giao viên cắm bản những ngày mưa.

“Các thầy cô gặp rất nhiều khó khăn, phần vì đường xá xa xôi lại khó đi, trong khi nhiều em học sinh do hoàn cảnh kinh tế gia đình khó khăn phải lên nương lao động phụ giúp gia đình, do đó các thầy cô phải đến từng nhà vận động để đưa các em trở lại trường học.” - thầy giáo Mè Văn Ngoãn, điểm trường Sam Lang, Trường PTDTBT Tiểu học Nà Hỳ, huyện Nậm Pồ, chia sẻ.

Tại Nậm Pồ - một trong những huyện nghèo khó khăn nhất của tỉnh Điện Biên, con đường đến mỗi điểm trường, điểm bản của các giáo viên chưa bao giờ hết gian nan. Với hơn 41 trường học từ cấp Mầm non đến Trung học cơ sở, trong đó có gần 130 điểm trường lẻ, ở cách xa trung tâm từ vài km cho tới hàng chục km, con đường gieo chữ không chỉ khó khăn về địa hình xa xôi, hiểm trở, mà còn là mối lo từ thiên tai, bão lũ khắc nghiệt. Có đi, có gặp, mới thật sự thấu hiểu được những khó khăn, vất vả của người giáo viên cắm bản vùng cao.

1
Các cô giáo điểm trường Nộc Cốc 1, Trường Mầm non Vàng Đán, huyện Nậm Pồ cải tạo lại cảnh quan để đón học trò tới lớp.

“Dù rất vất vả nhưng chúng tôi luôn khắc phục để vận động các em đi học đầy đủ; dù khó khăn như thế nào chúng tôi cũng phải tạo cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp và tự động viên nhau để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.” - cô giáo Vừ Thị Kía, điểm trường Nộc Cốc 1, Trường Mầm non Vàng Đán, huyện Nậm Pồ tâm sự.

1
Các thầy, cô giáo đến từng nhà vận động phụ huynh cho con tới trường.

Nhắc đến thành công cốt lõi trong công tác giáo dục ở Nậm Pồ nói riêng và giáo dục vùng cao nói chung trong nhiều năm qua không thể thiếu đi tấm lòng và sự nhiệt huyết của các giáo viên cắm bản. Vượt lên trên những gian khó, các giáo viên không quản ngại khó khăn vất vả đến từng nhà vận động học sinh ra trường, ra lớp, tuyên truyền, thay đổi nhận thức của đồng bào dân tộc nơi đây trong việc cho con em mình tới trường học tập.

1
Vượt lên những khó khăn, vất vả các thầy, cô giáo vùng cao Nậm Pồ vẫn luôn miệt mài gieo chữ trên vùng khó.

“Gia đình tôi rất khó khăn nhưng cũng phải cho các con học tốt. Mình đã thiếu hụt kiến thức thì không thể để con mình cũng như vậy được, có kiến thức thì mới biết làm ăn phát triển kinh tế.” - anh Giàng A Vàng, bản Huổi Khương 1, xã Vàng Đán, huyện Nậm Pồ. nói.

Tại các điểm trường đơn sơ, từ ánh sáng kiến thức được giáo viên thắp lên, hàng nghìn trẻ em nghèo đã bắt đầu học những chữ cái đầu tiên, mở ra con đường đến với tri thức. Dẫu khó khăn đến mấy, ở đâu có tình yêu thương, có sự hy sinh, cố gắng thì ở nơi đó ắt có niềm tin về một tương lai hạnh phúc./.

 

 

Minh Trang - Ngọc Hải/DIENBIENTV.VN
 

.