Tiết kiệm và sáng tạo để dạy học chất lượng
Điện Biên TV - Cùng với những thiết bị dạy học đã được trang bị, nhiều giáo viên đã tận dụng những vật liệu sẵn có hoặc những vật dụng phế thải, tưởng chừng chỉ bỏ đi để làm ra những đồ dùng dạy học sinh động, giúp học sinh dễ dàng tiếp thu kiến thức và có nhiều hứng thú hơn trong học tập. Ghi nhận tại trường THCS thị trấn Tuần Giáo, huyện Tuần Giáo.
Giờ học Vật lý của cô và trò lớp 8A, trường THCS thị trấn Tuần Giáo với mô hình mô phỏng kiến thức về áp suất chất lỏng và hai bình thông nhau. |
Tại lớp 8A, trường THCS thị trấn Tuần Giáo, huyện Tuần Giáo, giờ học Vật lý trở nên sôi động, thú vị và hấp dẫn hơn khi cô giáo Phạm Thị Giang Nam cùng các học sinh tự làm mô hình để mô phỏng kiến thức về áp suất chất lỏng và hai bình thông nhau. Những mô hình này được làm bằng những vật liệu rẻ tiền, dễ tìm kiếm như: kim tiêm, mảnh gỗ, đinh… có ưu điểm là nhẹ và dễ dàng di chuyển.
Thông qua mô hình, đã làm mới những tiết học khô khan bằng hình ảnh trực quan sinh động; giúp học sinh có cái nhìn cụ thể và sâu sắc hơn về kiến thức của bộ môn. Đồng thời khuyến khích tính sáng tạo, độc lập nghiên cứu và sự hứng thú trong học tập của học sinh.
“Bộ môn Vật lý 8 mình dạy khá nhiều năm. Trong quá trình dạy học có nội dung: áp suất chất lỏng, bình thông nhau, máy nén thủy lực. Khi dạy nội dung kiến thức này, bản thân mình và các em học sinh gặp nhiều khó khăn vì đồ dùng dạy học được cấp về không có mô hình minh họa. Tất cả chủ yếu thông qua tranh vẽ, hoặc nhiều hơn là các cô xây dựng mô hình ảo. Chính vì thế khi cung cấp lý thuyết cho học sinh, mình đã định hướng cho học sinh xây dựng những mô hình máy nén đơn giản” - Cô giáo Phạm Thị Giang Nam chia sẻ.
Giảng dạy bộ môn Tin học, cô giáo Nguyễn Thị Minh, trường THCS thị trấn Tuần Giáo đã thu thập các linh, phụ kiện của máy tính hỏng đưa vào giảng dạy để giờ học thêm trực quan. |
Từ những đồ phế thải, nguyên vật liệu sẵn có, bằng tâm huyết với nghề, sự sáng tạo và bàn tay khéo léo, cô giáo Nguyễn Thị Minh, bộ môn Tin học, trường THCS thị trấn Tuần Giáo cũng đã mang tới cho học sinh bộ đồ dùng dạy học về cấu tạo của máy tính rất trực quan, giàu tính thẩm mỹ và độc đáo. Mô hình này đã khắc phục tối đa những khó khăn trong quá trình truyền thụ kiến thức như: cấu trúc máy tính phức tạp, nhiều khái niệm trừu tượng,…
Cô giáo Nguyễn Thị Lan, Phó hiệu trưởng trường THCS thị trấn Tuần Giáo, cho biết: Nhà trường luôn tạo điều kiện và động viên, hỗ trợ giáo viên và học sinh phát huy tính sáng tạo trong nghiên cứu, cải tiến các đồ dùng, thiết bị dạy học hiện có hoặc tự làm thêm các đồ dùng, thiết bị dạy học cần thiết. Từ đó, hằng năm, nhà trường có nhiều mô hình dạy và học sáng tạo, tham gia và đạt giải tại hội thi “Sáng tạo đồ dùng dạy học” các cấp, góp phần khắc phục tình trạng thiếu đồ dùng dạy học, từng bước nâng cao chất lượng giáo dục của nhà trường.
Đồ dùng dạy học là phương tiện lao động sư phạm của người dạy, là một trong những điều kiện giúp nâng cao hiệu quả dạy và học. Những hoạt động sáng tạo đồ dùng dạy học của thầy và trò trường THCS thị Trấn Tuần Giáo đã phát huy khả năng tư duy và niềm say mê nghiên cứu của cán bộ, giáo viên và học sinh. Qua đó phát hiện những ý tưởng mới, cải tiến các thiết bị dạy và học phù hợp với thực tiễn./.
Nhật Oanh – Chí Công/DIENBIENTV.VN