Những trải nghiệm "lần đầu tiên" đối với giáo dục Việt Nam
Tổ chức xây dựng, triển khai chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa mới là một trong những nỗ lực ngành giáo dục và các địa phương đã thực hiện trong 5 năm qua.
Để tiếp tục đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục đào tạo theo tinh thần của Nghị quyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, trong 5 năm qua, ngành giáo dục và các địa phương đã nỗ lực triển khai nhiều công việc, trong đó, một trong những nhiệm vụ trọng tâm là tổ chức xây dựng và triển khai chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa mới.
Việc chuyển từ chương trình giáo dục nặng về truyền thụ kiến thức sang định hướng phát triển phẩm chất, năng lực người học là công việc khó khăn, thách thức và tác động tới nhiều đối tượng khác nhau, từ người dạy, người học đến cả cha mẹ học sinh.
Đổi mới cách thức tổ chức dạy học là một trong những điểm mới khi triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018 với nhiều trải nghiệm "lần đầu tiên" đối với giáo dục Việt Nam. Lần đầu tiên nền giáo dục Việt Nam vốn có truyền thống khoa cử, nặng về truyền thụ kiến thức, chuyển sang đánh giá theo phẩm chất, năng lực người học. Giáo viên đứng trước những thay đổi căn bản về phương pháp tổ chức lớp học, phương pháp dạy học.
Đây là lần đầu tiên chương trình giáo dục phổ thông được xây dựng một cách bài bản, tiệm cận chuẩn quốc tế. Biên soạn và ban hành khung chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, khung chương trình các môn học rồi mới đến khâu biên soạn, thẩm định sách giáo khoa. Đây cũng là lần đầu tiên Việt Nam có nhiều bộ sách giáo khoa khác nhau theo cùng một khung chương trình giáo dục phổ thông thống nhất.
Để thuận lợi triển khai chương trình mới, ngành giáo dục đã chỉ đạo và phối hợp chặt chẽ với các địa phương chuẩn bị tốt đội ngũ giáo viên, cả về công tác tập huấn, cách thức tổ chức sinh hoạt chuyên môn. Từng bước giảm áp lực thành tích để họ tập trung vào nghiên cứu tài liệu, đổi mới phương pháp dạy học.
Đổi mới cách quản trị nhà trường theo hướng chủ động, linh hoạt, sáng tạo. Cơ sở vật chất cũng được nhiều địa phương nỗ lực đầu tư nhờ đó, năm nay, hầu hết học sinh lớp 1 trên toàn quốc được học 2 buổi/ngày, thuận lợi thực hiện được yêu cầu của chương trình mới.
Việc đổi mới kiểm tra, đánh giá, khen thưởng, kỷ luật học sinh cũng từng bước được điều chỉnh theo hướng đánh giá năng lực và sự tiến bộ của học sinh, khen thưởng kịp thời, kỷ luật tích cực. Đây là cơ sở để ngành giáo dục thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa một cách thực chất; từng bước thay đổi tâm lý chạy theo thành tích, thi cử đã ăn sâu, bén rễ trong quan niệm xã hội hàng nghìn năm qua. Để làm được điều này, cần sự kiên trì và cả kiên định…
Link: https://vtv.vn/giao-duc/nhung-trai-nghiem-lan-dau-tien-doi-voi-giao-duc-viet-nam-20210117173608726.htm
Theo VTV.VN