Ai "mở đường" cho ĐH Đông Đô đào tạo văn bằng 2 trái phép?

Thứ Hai, 26/08/2019, 06:51 [GMT+7]

Bộ GD-ĐT khẳng định không cho phép ĐH Đông Đô đào tạo văn bằng 2, nhưng thực tế nhiều năm nay vẫn xác nhận chỉ tiêu tuyển sinh văn bằng 2 của trường.

Liên quan đến vụ bê bối đào tạo "chui" văn bằng 2 ngành Ngôn ngữ Anh của trường ĐH Đông Đô vừa bị cơ quan điều tra khởi tố, ngày 17/8, Bộ GD-ĐT khẳng định chưa từng cho phép trường này đào tạo văn bằng 2.

Cụ thể, đại diện Bộ GD-ĐT cho biết, theo quy định trong Quyết định số 22/QĐ-BGDĐT ngày 22/6/2001 của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT quy định về đào tạo để cấp văn bằng tốt nghiệp đại học thứ hai (gọi tắt là văn bằng 2 - VB2), việc đào tạo văn bằng 2 chỉ được thực hiện ở những cơ sở đào tạo được phép của Bộ GD-ĐT ở những ngành đã được phép đào tạo hệ chính quy sau khi có ít nhất hai khoá sinh viên chính quy của ngành đó tốt nghiệp.

ĐH Đông Đô ngang nhiên đào tạo văn bằng 2 sai quy định từ nhiều năm nay.
ĐH Đông Đô ngang nhiên đào tạo văn bằng 2 sai quy định từ nhiều năm nay.

Theo đó, cơ sở đào tạo phải có văn bản đề nghị với Bộ GD-ĐT về việc cho phép đào tạo văn bằng 2.

Bộ GD- ĐT cũng khẳng định chưa từng nhận được văn bản đề nghị về việc cho phép đào tạo văn bằng 2 của Trường Đại học Đông Đô nên Bộ chưa có văn bản cho phép trường được đào tạo văn bằng 2.

Từ năm 2016 đến năm 2018, trường Đại học Đông Đô có thực hiện báo cáo thông tin tuyển sinh đại học, cao đẳng hệ chính quy theo quy định của Quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng hệ chính quy. Tuy nhiên, trong Báo cáo kết quả tuyển sinh các năm từ 2016 đến 2018 gửi về Vụ GDĐH của trường không có thông tin về việc đào tạo văn bằng 2.

Tuy nhiên, theo tìm hiểu của phóng viên, từ năm 2015-2017, Bộ GD-ĐT vẫn liên tục xác nhận Chỉ tiêu tuyển sinh đăng ký của Đại học Đông Đô, trong đó có nội dung đào tạo văn bằng 2.

Theo đó, tại thông báo số 173 ngày 1/4/2015 của Vụ Kế hoạch Tài chính (Bộ GD-ĐT) gửi Đại học Đông Đô về việc đăng ký chỉ tiêu tuyển sinh năm 2015, cho thấy đơn vị này đã xác nhận chỉ tiêu đào tạo văn bằng 2 chính quy của Đại học Đông Đô là 500.
 

1
Chỉ tiêu tuyển sinh năm 2017 của ĐH Đông Đô được phê duyệt.
1
Chỉ tiêu tuyển sinh năm 2016 của ĐH Đông Đô.
1
 Chỉ tiêu tuyển sinh năm 2015 của ĐH Đông Đô được Bộ GD-ĐT phê duyệt.

Với thông báo số 68 ngày 24/2/2016, Vụ Kế hoạch Tài chính cũng xác nhận chỉ tiêu tuyển sinh đào tạo văn bằng 2 chính quy năm 2016 của Đại học Đông Đô là 150 ở khối ngành III, V và VII.

Năm 2017, theo thông báo số 136 ngày 7/3, Vụ Kế hoạch Tài chính xác nhận chỉ tiêu tuyển sinh đào tạo văn bằng 2 chính quy của Đại học Đông Đô là 150 ở khối ngành III, V và VII. Thông báo này do Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính Trần Tú Khánh ký.

Từ 2018, khi Bộ GD-ĐT ban hành thông tư số 06/2018 quy định về việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh trình độ trung cấp, cao đẳng các ngành đào tạo giáo viên; trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ, việc ra thông báo xác nhận chỉ tiêu không còn tồn tại.

Thông tư này quy định rõ: "Cơ sở giáo dục xác định chỉ tiêu tuyển sinh đại học chính quy theo quy định của Thông tư này, công bố công khai và chịu trách nhiệm giải trình về chỉ tiêu tuyển sinh đã xác định, các tiêu chí xác định chỉ tiêu, chất lượng đào tạo và cam kết chuẩn đầu ra đáp ứng nhu cầu xã hội".

TS Hoàng Ngọc Vinh, Nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ GD-ĐT cho biết, nếu như trước kia, nếu các trường muốn cấp phôi bằng tốt nghiệp đại học thì phải có chuyên viên của Vụ Giáo dục đại học xác nhận, lãnh đạo Vụ ký rồi mới xuống văn phòng Bộ mua phôi. Nhưng sau này chỉ để Văn phòng Bộ làm những việc này. Nếu các bộ phận không ăn nhập với nhau sẽ rất dễ xảy ra sai sót.

Như vậy các trường chỉ cần đến Văn phòng Bộ mua phôi bằng. Tức lúc này, bộ quản lý không phải tốt nghiệp hay không tốt nghiệp mà thực tế chỉ đóng vai trò nơi cung ứng phôi bằng, tức dịch vụ bán phôi bằng đúng nghĩa.

Còn về việc đào tạo ngành nào, chỉ tiêu ra sao thì bộ phận Văn phòng Bộ hoàn toàn không nắm được, do không biết về giáo dục đại học.

TS Lê Viết Khuyến, nguyên Phó vụ trưởng Vụ giáo dục Đại học, Bộ GD-ĐT cũng không khỏi băn khoăn: "Khi các trường lên trình xin chỉ tiêu hàng năm, bên cạnh việc không quản lý chuyện cấp phôi bằng, không hiểu các vụ chuyên môn quản lý việc cấp chỉ tiêu tuyển sinh, quản lý việc tuyển sinh như thế nào. Tất cả hồ sơ cũ chắc chắn họ phải báo cáo", TS Khuyến nói./.

 

 

Theo Nguyễn Trang/VOV

.