Nêu cao vai trò của người đứng đầu trong việc tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia

Thứ Sáu, 08/03/2024, 16:42 [GMT+7]

Điện Biên TV - Sáng 8/3, Ban Chỉ đạo Trung ương các chương trình mục tiêu quốc gia họp phiên thứ 5 theo hình thức trực tuyến với các tỉnh, thành phố nhằm đánh giá việc thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia năm 2023 và 2 tháng đầu năm 2024; triển khai nhiệm vụ trong thời gian tới. Dự và chủ trì tại điểm cầu Trung ương có đồng chí Trần Lưu Quang, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương. Dự tại điểm cầu tỉnh Điện Biên có đồng chí Lò Văn Tiến, đồng chí Vừ A Bằng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, các thành viên Ban chỉ đạo tỉnh và lãnh đạo các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh.

c
Điểm cầu tỉnh Điện Biên.

Theo báo cáo của Ban chỉ đạo Trung ương, trong năm 2023 và 2 tháng đầu năm 2024, Ban chỉ đạo Trung ương đã ban hành 109 văn bản quy định cơ chế quản lý, hướng dẫn thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia; Quốc hội đã thông qua Nghị quyết 111 về một số cơ chế, chính sách đặc thù, trên cơ sở đó các bộ, ngành, địa phương tháo gỡ nhiều khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện.

Hiện cả nước có khoảng 78% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều năm 2023 còn 3,9%, giảm 1,1%; tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số còn hơn 17%, giảm 2,3%. Việc giải ngân vốn năm 2023 và năm 2022 chuyển sang của các chương trình là trên 40.180 tỷ đồng, đạt trên 61% kế hoạch.

Tại hội nghị này, các thành viên Ban chỉ đạo Trung ương, các tỉnh, thành phố đã có nhiều ý kiến tham gia để làm rõ hơn những vướng mắc, nhất là những hướng dẫn mà Nghị quyết 111 đề ra như: Cần đánh giá, rà soát để xác định người lao động có thu nhập thấp; định mức giao rừng; cơ chế thí điểm phân cấp cho cấp huyện trong quản lý, thực hiện giai đoạn 2024-2025; việc ủy thác của ngân sách địa phương qua hệ thống ngân hàng chính sách xã hội; quản lý, sử dụng tài sản hình thành trong dự án hỗ trợ sản xuất…

Đối với tỉnh Điện Biên, trong năm 2023 và 2 tháng đầu năm 2024, Ban chỉ đạo tỉnh đã chỉ đạo và tập trung triển khai tốt các kế hoạch đề ra. Tổng dự toán ngân sách năm 2024 giao thực hiện các chương trình là trên 2.100 tỷ đồng. Trong đó, vốn đầu tư phát triển là trên 1.300 tỷ đồng; vốn chương trình mục tiêu phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi hơn 729 tỷ đồng; vốn chương trình mục tiêu xây dựng NTM hơn 166 tỷ đồng; vốn chương trình giảm nghèo bền vững hơn 433 tỷ đồng. Hiện tỉnh đã phân bổ chi tiết đạt từ 94 đến 100% kế hoạch. 

Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương nhấn mạnh: Để thực hiện tốt các chương trình và đem lại hiệu quả cho người dân và xã hội, các bộ, ngành, địa phương phải quyết liệt hơn nữa, nêu cao tinh thần và vai trò của người đứng đầu trong việc tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia đã được giao.

Các địa phương phải chú trọng nghiên cứu các văn bản mới ban hành, nhất là bám sát Nghị quyết 111 của Quốc hội để triển khai, thực hiện. Đồng thời, tăng cường công tác giám sát để nâng cao hiệu quả mà mục tiêu các chương trình đề ra; góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu về phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, nhất là ở các vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

 

 

Văn Phú - Bùi Tiến/DIENBIENTV.VN
 

.