Phòng chống tham nhũng cần mở rộng ra khu vực ngoài nhà nước
Nhiều vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực gần đây cho thấy sự tiếp tay, móc ngoặc của những cán bộ thoái hóa, biến chất trong bộ máy Nhà nước với DN để tham nhũng.
Mới đây, một lãnh đạo Bộ Ngoại giao vừa bị khởi tố trong vụ án nhận hối lộ để duyệt cấp phép cho một số doanh nghiệp thực hiện chuyến bay đưa người Việt về nước tránh dịch bệnh. Trong vụ án này, nhiều đối tượng có dấu hiệu câu kết với doanh nghiệp để trục lợi.
Một loạt vụ án, vụ việc được khởi tố gần đây cho thấy, hành vi móc ngoặc giữa doanh nghiệp với quan chức để tham nhũng ngày một trở nên phổ biến, gây lo lắng cho xã hội. Doanh nghiệp câu kết với cả cơ quan trung ương và địa phương nâng khống giá thành sản phẩm để trục lợi, hoặc lợi dụng kẽ hở của pháp luật để thao túng, lũng đoạn thị trường với quy mô lớn.
TS. Đinh Văn Minh - Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Thanh tra Chính phủ cho hay: "Hầu hết các vụ việc lớn đều có sự móc ngoặc tiếp tay rồi sân trước sân sau. Đấy chính là sự móc ngoặc của khu vực công, khu vực tư. Chúng ta không chỉ chống trong khu vực công mà chúng ta phải chống vào các khu vực tư, chúng ta phải chống cả người đưa hối lộ và chống cả người nhận hối lộ".
Từ thực tế trên, có thể thấy, phòng chống tham nhũng sẽ không đạt hiệu quả như kỳ vọng nếu chỉ tập trung vào khu vực công quyền. Do đó, việc Bộ Chính trị yêu cầu từng bước mở rộng phòng chống tham nhũng ra khu vực ngoài nhà nước trong Kết luận mới đây là định hướng quan trọng, là gọng kìm thứ hai để siết chặt và nâng cao hơn nữa hiệu quả của công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực thời gian tới.
Phòng chống tham nhũng cần mở rộng ra khu vực ngoài nhà nước
Từng bước mở rộng công tác phòng chống tham nhũng ra khu vực ngoài nhà nước, yêu cầu trong Kết luận của Bộ Chính trị đã nhận được sự quan tâm và ủng hộ của đảng viên và nhân dân bởi tính kịp thời, nhanh nhạy và cho thấy công tác chỉ đạo việc phòng chống tham nhũng, tiêu cực thực sự xuất phát từ thực tiễn.
Trong các nhiệm vụ trọng tâm cần thực hiện, cùng với yêu cầu hoàn thiện thể chế nhất là cơ chế kiểm soát quyền lực, Kết luận 12 của Bộ Chính trị đặc biệt nhấn mạnh trách nhiệm người đứng đầu trong phòng ngừa tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.
Ông Nguyễn Thái Học - Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương nhận định: "Qua những vụ việc cũng cho thấy trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong vấn đề quản lý những lĩnh vực mà được phân công được giao là chưa tốt. Như vậy thì cũng phải soát xét lại xem trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong quản lý ngành, trong quản lý lĩnh vực, trong quản lý địa bàn. Vấn đề thứ hai gọi là từng bước là bởi vì bây giờ mình muốn làm không phải làm được ngay mà nó phải có luật pháp. Chúng ta phải xây dựng và hoàn thiện thể chế. Cho nên là trước khi nội dung đấu tranh phòng, chống tham nhũng ra khu đầu tư là phải rà soát và hoàn thiện những cái quy định của pháp luật ở nhiều lĩnh vực".
Link: https://vtv.vn/chinh-tri/phong-chong-tham-nhung-can-mo-rong-ra-khu-vuc-ngoai-nha-nuoc-20220417213201001.htm
Theo VTV