Đi tìm nguyên nhân khiến vốn rừng Mường Nhé bị suy giảm

Thứ Ba, 29/07/2014, 16:48 [GMT+7]

Điện Biên TV - Mường Nhé được biết đến là địa phương có diện tích và tỷ lệ che phủ rừng lớn nhất tỉnh hiện nay. Tuy nhiên, với sức ép về làn sóng dân di cư tự  do nên thời gian qua những cánh rừng của huyện đang bị tàn phá nặng nề.
    
Xót xa những cánh rừng Mường Nhé

Có thể khẳng định, vốn rừng Mường Nhé đã bị mất đi một cách nhanh chóng và chưa có chiều hướng giảm trong thời gian qua. Theo số liệu thống kê từ năm 2009 đến nay, lực lượng kiểm lâm của huyện đã phát hiện hơn 250 vụ phá rừng làm nương trái phép, diện tích rừng bị chặt phá gần 30 ha, có nhiều diện tích rừng trong trạng thái 2a, 2b và 3a1 cũng bị chặt phá. Tuy nhiên, đó chỉ là những diện tích quá nhỏ được thống kê, còn trên thực tế thì khác xa.

Có tận mắt chứng kiến cảnh rất nhiều ha rừng đầu nguồn của hai bản Phiếm Kham và bản Mường Nhé (xã Mường Nhé) bị chặt phá và đốt bỏ, trong đó có không ít cây gỗ đường kính 40 - 50 cm, chúng tôi không khỏi xót xa khi rừng bị tàn phá. Một người dân ở bản Phiếm Kham cho biết: Cánh rừng đầu nguồn này vốn dĩ được người dân hai bản Phiếm kham và Mường nhé quý hơn "vàng" vì chính nó đã mang lại một phần nguồn sống cho hơn 100 hộ dân sở tại. Không chỉ cung cấp nước cho đồng ruộng, cánh rừng còn có rất nhiều loại lâm sản mà người dân có thể lấy để phục vụ cuộc sống hàng ngày. Tuy nhiên, chỉ sau có mấy ngày những người dân di cư tự do đã nhẫn tâm mang cưa máy đến ra sức tàn phá không thương tiếc.

f f
v
Những cánh rừng ở Mường Nhé bị con người tàn phá không thương tiếc.

 

Một cánh rừng khác, rừng tái sinh thuộc bản Cà Là Pá (xã Leng Su Sìn) cũng bị những người dân chặt phá trái phép. Thật đau xót khi tận mắt chứng kiến diện tích rừng tái sinh hơn 10 năm đã bị chặt phá không thương tiếc. Các thân cây gỗ lớn, bé tất cả nằm ngổn ngang, vàng úa và chỉ cần một mồi lửa nhỏ sẽ biến thành tro tàn.
    
Chỉ cách đây 5 năm về trước, đến với Mường Nhé, dọc đường đi chúng ta có thể được chiêm ngưỡng những cánh rừng đại ngàn hùng vĩ bao bọc những bản làng. Song giờ đây, đến với Mường Nhé, chúng ta không khỏi bàng hoàng và xót xa cho những cánh rừng. Tất cả đã bị trọc trơ, gốc cây trơ trụi nằm xen kẽ với màu xanh của cây lúa, cây ngô. Trao đổi với chúng tôi về diện tích rừng bị tàn phá, ông Quàng Văn Thương, Chủ tịch UBND xã Mường Toong cho biết: Chỉ cách đây vài năm thôi, rừng khu vực Mường Toong còn khá nhiều, với các loại gỗ quý nhưng bây giờ rừng của xã đã bị tàn phá nặng nề, diện tích rừng suy giảm nhanh chóng, đường giao thông đến đâu rừng mất đến đó.
    
Dân di cư - Thủ phạm phá rừng Mường Nhé
    
Với điều kiện tự nhiện rộng, trong những năm qua Mường Nhé là một địa danh mà đồng bào dân tộc Mông ở các địa phương khác chọn là nơi di cư đến. Tình trạng dân di cư vào Mường Nhé một cách ồ ạt và trở thành làn sóng trong khoảng hai chục năm qua, gây những hậu quả khôn lường. Những ngày mới thành lập, huyện có 6 xã với khoảng 2,5 vạn dân. Ðến nay, Mường Nhé có 11 xã, 95 bản và hơn 3,5 vạn dân. Dân số tăng chủ yếu do người dân di cư tự do từ nơi khác đến với con số hơn 1 vạn người. Dân số tăng nhanh, trong khi đó với điều kiện của huyện miền núi, diện tích đất dành cho sản xuất nông nghiệp hạn chế. Do vậy, người dân di cư đã chọn những cánh rừng là nơi màu mỡ để chặt phá biến thành nương lúa, nương ngô cho cuộc sống mưu sinh.

g
Làn sóng dân di cư tự do ồ ạt vào Mường Nhé là nguyên nhân khiến rừng nơi đây bị tàn phá.


Là một xã mới được chia tách và thành lập, Leng Su Sìn là điểm nóng về dân di cư. Hiện toàn xã có khoảng trên 3.000 người, trong số đó có tới trên 3/4 là dân từ nơi khác di cư đến. Dân di cư vào ồ ạt không chỉ là mất ổn định tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội mà họ là thủ phạm chính tàn phá những cánh rừng đầu nguồn của xã. Có một thực tế, dân di cư đến càng đông thì những cánh rừng của xã càng giảm nhanh. Theo ông Sừng Sừng Khai, Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch UBND xã Leng Su Sìn cho biết: Đến nay, xã vẫn chưa thống kê được số diện tích rừng bị dân di cư chặt phá làm nương trái phép và tình trạng chặt phá rừng không có chiều hướng giảm. Người dân chặt phá rừng rất tinh vi, khó kiểm soát, bởi họ thường vào trong rừng sâu, lén lún chặt phá. Chỉ khi họ đốt cháy thấy khói thì  lực lượng chức năng mới phát hiện. Nhiều người còn tổ chức phát nương theo nhóm hộ bằng hình thức đổi công cho nhau để phát cho nhanh và đồng thời là để đối phó với lực lượng chức năng khi bị phát hiện. Có nhóm còn tinh vi hơn là ban ngày thì phát cây nhỏ dưới tán rừng, ban đêm thì dùng đèn pin chặt hạ cây to, ngày hôm sau cánh rừng đã bị chặt phá xong, gây khó khăn cho lực lượng chức năng trong việc tuần tra kiểm soát.
    
Để ngăn chặt tình trạng chặt phá rừng làm nương, huyện Mường Nhé đã thành lập tổ công tác gồm Kiểm lâm, Công an, Biên phòng, UBND xã và một số cơ quan, đoàn thể tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, kết hợp đẩy mạnh tuyên truyền ngăn chặn và xử lý vi phạm. Tuy nhiên, tình trạng người dân di cư chặt phá rừng làm nương trái phép không có chiều giảm.
    
Khi đề cập đến vấn đề rừng bị tàn phá, ông Thào A Dế, Phó Chủ tịch UBND huyện Mường Nhé cũng khẳng định: Chính người dân di cư vào địa bàn là những thủ phạm tàn sát rừng Mường Nhé.
    
Như vậy có thể thấy việc những cánh rừng đại ngàn của huyện Mường  Nhé đang dần mất đi, nguyên chính là do những người dân di cư chặt để làm nương trái phép và tình trạng này chưa có giải pháp hữu hiệu.

 

Duy Linh - Anh Tuấn

.