Điện Biên: Còn nhiều khó khăn trong thực hiện chương trình giảm nghèo

Thứ Sáu, 01/11/2013, 10:12 [GMT+7]

Điện Biên TV - Còn nhiều khó khăn trong thực hiện chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững theo Nghị quyết 30a của Chính phủ tại các huyện nghèo, dẫn đến tỷ lệ hộ nghèo vẫn còn cao - là thực tế được nêu tại buổi làm việc của Đoàn công tác liên bộ với các sở, ngành tỉnh Điện Biên ngày 31/10 về nội dung này.

b
Đoàn công tác làm việc với các sở, ngành tỉnh.

Những nguyên nhân chủ yếu được các sở, ngành đề cập như sự phối hợp giữa các đơn vị với các huyện về hướng dẫn của các cấp, ngành chưa thống nhất, chưa đồng bộ nên việc triển khai thực hiện còn lúng túng, chậm tiến độ. Nguồn vốn bổ sung, hỗ trợ có mục tiêu theo Nghị quyết 30a của Trung ương hàng năm còn thấp, chưa đảm bảo nhu cầu đầu tư của địa phương, khó khăn cho tỉnh trong việc đầu tư cơ sở hạ tầng ở các huyện nghèo. Do xuất phát điểm nền kinh tế thấp, trình độ văn hoá, mặt bằng dân trí thấp, một số tập tục lạc hậu, tính trông chờ ỷ lại còn tồn tại trong một bộ phận nhân dân gây khó khăn trong việc tiếp thu và ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất, đời sống. Năng lực điều hành của một số cán bộ còn hạn chế, nhất là ở cơ sở đội ngũ cán bộ còn thiếu và yếu về chuyên môn nghiệp vụ, đa phần là người dân tộc thiểu số chưa được đào tạo chuyên môn nghiệp vụ... đã ảnh hưởng đến kết quả, hiệu quả của chương trình trong 3 năm qua.   

Để thực hiện có hiệu quả hơn Chương trình 30a, các sở, ngành tỉnh kiến nghị: Chính phủ và các bộ, ngành cần có cơ chế bố trí vốn hợp lý, tăng mức vốn hàng năm để xây dựng hoàn thành các công trình thiết yếu và bố trí nguồn vốn sự nghiệp sớm ngay từ đầu năm để các huyện chủ động triển khai các chương trình, dự án theo đúng kế hoạch, lộ trình. Theo tinh thần Nghị quyết 30a, các bộ, ngành có liên quan phải nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật về đầu tư, đấu thầu cho phù hợp với đặc thù và năng lực tổ chức thực hiện ở các huyện nghèo, nhưng đến nay chưa được triển khai thực hiện. Bên cạnh đó, nên có cơ chế hỗ trợ thêm bằng trợ cấp hoặc cho vay ưu đãi đối với các hộ nghèo trồng rừng, với định mức hỗ trợ trồng rừng 5 triệu đồng/ha như hiện nay là thấp so với chi phí cần phải đầu tư khoảng 10 triệu đồng/ha. Nên tập trung nguồn vốn để hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, giảm bớt các chính sách trợ cấp cho không đối với hộ nghèo. Đồng thời có cơ chế đối với các hộ mới thoát nghèo tiếp tục được hưởng các chính sách hỗ trợ như hộ nghèo trong 02 năm kế tiếp để các hộ vừa thoát nghèo có điều kiện phát triển bền vững và hạn chế tái nghèo.

v
Đoàn công tác kiểm tra thực tế việc thực hiện công tác giảm nghèo tại huyện Mường Ảng.


Tại buổi làm việc, đồng chí Lương Văn Mạnh, Phó Cục trưởng Cục Kinh tế (Bộ Quốc phòng), Trưởng đoàn công tác liên bộ đánh giá cao kết quả tỉnh đạt được trong việc triển khai Nghị quyết 30a của Chính phủ, đồng thời lưu ý các sở, ngành cần tiếp tục triển khai có hiệu quả các chỉ thị, nghị quyết của cấp trên và địa phương về chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo. Việc triển khai các chính sách giảm nghèo bền vững phải đảm bảo sự thống nhất và có lồng ghép; những chính sách đang phát huy hiệu quả cần được tiếp tục đẩy mạnh thực hiện; cần khẩn trương kiến nghị đề xuất Trung ương sửa đổi, bổ sung các chính sách cho phù hợp với thực tế. Chính sách hỗ trợ giảm nghèo phải đặc biệt quan tâm đến dạy nghề, tạo việc làm gắn với hỗ trợ sản xuất phát triển nông nghiệp, và các tiêu chí xây dựng nông thôn mới nhằm giảm nghèo bền vững.

 

Tuấn Trung

.