Lượng vi nhựa vô tình đưa vào cơ thể mỗi người khoảng 5g mỗi tuần

Thứ Năm, 31/03/2022, 08:59 [GMT+7]

Một nghiên cứu của Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên (WWF) năm 2019 đã chỉ ra rằng, lượng vi nhựa mà chúng ta vô tình đưa vào cơ thể là khoảng 5g mỗi tuần.

1
Một chất liệu tự nhiên khác cũng có thể là giải pháp thay thế rất tốt cho nhựa, đó là mycelium (hệ sợi nấm).

Với lượng vi nhựa như vậy, trong một tháng, số vi nhựa mà cơ thể ta nhận vào có trọng lượng tương đương một miếng đồ chơi xếp hình lego kích thước 4 x 2. Sau 10 năm, chúng ta có thể đã nuốt hoặc hít vào 2,5 kg nhựa, tương đương với 2 ống nhựa tương đối lớn. Và trong suốt cuộc đời, mỗi chúng ta trung bình tiêu thụ khoảng 20kg vi nhựa. Bởi vậy, tiết giảm, tái sử dụng và tái chế nhựa là chưa đủ, các nhà khoa học đang nỗ lực tìm ra những giải pháp thay thế từ các vật liệu tự nhiên.

40% nhựa được sản xuất trên thế giới dùng để làm bao bì sản phẩm. Năm 2018, chỉ hơn 13% lượng bao bì nhựa này được tái chế. Một sản phẩm bao bì sinh học đã ra đời, có thể thay thế nhựa. Những túi nhỏ đựng đồ ăn hay thức uống được làm từ rong biển. Các bao bì này có thể tự phân hủy trong môi trường trong vòng từ 4 đến 6 tuần.

Công ty Notpla cũng phát triển một sản phẩm khác từ rong biển là những hộp đựng đồ ăn mang đi, cùng cốc uống nước, thìa, dĩa. Tất cả có thể tự phân hủy trong vòng một tháng.

1
Hạt vi nhựa đã hiện diện trong máu người. (Ảnh: Tổ chức Hòa bình xanh)

Ông Pierre Paslier - Đồng sáng lập công ty Notpla cho biết: "Rong biển luôn là lựa chọn tốt đối với chúng tôi, vì chúng lớn rất nhanh, một số loại rong biển chúng tôi sử dụng có thể dài thêm 1m mỗi ngày. Còn về quá trình phân hủy, rong biển đã tồn tại hàng triệu năm và môi trường thiên nhiên không có vấn đề gì với việc phân hủy của rong biển".

Một chất liệu tự nhiên khác cũng có thể là giải pháp thay thế rất tốt cho nhựa, đó là mycelium (hệ sợi nấm). Đây chính là cấu trúc rễ của nấm. Khi trồng trong rơm hoặc mùn cưa, những sợi nấm mọc dài này sẽ lấp đầy không gian trống và trở thành vật liệu có thể thay thế cho polystyrene. Vật liệu tự nhiên này còn bền hơn polystyrene và lại có khả năng phân hủy sinh học. Nhưng điểm trừ của loại vật liệu này là giá thành và vật liệu này cần không gian lớn để sản xuất.

Vẫn cần nhiều nghiên cứu để giảm chi phí sản xuất, trước khi các vật liệu tự nhiên có thể được sử dụng rộng rãi và thay thế nhựa, từ đó giảm thiểu lượng rác thải nhựa và giúp bảo vệ môi trường.

Link: https://vtv.vn/the-gioi/luong-vi-nhua-vo-tinh-dua-vao-co-the-moi-nguoi-khoang-5g-moi-tuan-20220331063831458.htm

 

 

Theo VTV

 

.