Hà Nội: Thêm 1 trường hợp tử vong do sốt xuất huyết, nhiều ca nguy kịch
Bệnh nhân nữ 56 tuổi bị bệnh sốt xuất huyết được chuyển tuyến lên bệnh viện Nhiệt đới TƯ vào trưa 9/8 đã tử vong vào tối cùng ngày sau 5 ngày phát bệnh.
Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương vừa thông báo Hà Nội tiếp tục ghi nhận thêm 1 ca tử vong mới do dịch sốt xuất huyết. Bệnh nhân nữ 56 tuổi, trú tại quận Thanh Xuân (Hà Nội) bị bệnh sốt xuất huyết và được chuyển tuyến lên Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương từ Bệnh viện Bưu Điện vào trưa 9/8 trong tình trạng nguy kịch, có dấu hiệu ngừng tim, không đo được huyết áp, không đáp ứng được thuốc vận mạch.
Hồ sơ bệnh án cho thấy bệnh nhân phát bệnh được 5 ngày. Bệnh diễn biến nhanh và mạnh khiến bệnh nhân bị suy đa tạng, xuất huyết nhiều. Ngoài ra, bệnh nhân mắc sốt xuất huyết Dengue trên nền bệnh basedow bướu cổ nhiều năm. Dù được cấp cứu tận tình nhưng do tình trạng bệnh quá nặng, nhập viện muộn nên bệnh nhân đã tử vong vào tối 9/8.
Hiện tại, Bệnh viện bệnh Nhiệt đới Trung ương có khoảng 300 bệnh nhân sốt xuất huyết đang điều trị nội trú, trong đó có nhiều trường hợp bệnh nặng, diễn biến xấu. Nhiều trường hợp bệnh nhân xuất hiện triệu chứng nhưng chủ quan nên không khám bệnh sớm, dẫn đến tình trạng bệnh trầm trọng hơn.
Nếu phát hiện các dấu hiệu ở người bệnh như thay đổi tính cách, bồn chồn hoặc bị sốt cao, vật vã, li bì, nôn nhiều, đau bụng thường xuyên, đi ngoài ra phân đen, đi tiểu ít, chảy máu chân răng hay chảy máu cam..., cần đưa người bệnh đến viện để xét nghiệm và điều trị.
Ngoài ra, bệnh nhân khi mắc bệnh sốt xuất huyết tránh tự ý điều trị tại nhà, cần tránh hai loại thuốc hạ sốt là Aspirin và Ibuprofen vì có khả năng gây xuất huyết trầm trọng hơn. Không nên lạm dụng kháng sinh để điều trị bệnh sốt xuất huyết vì kháng sinh không có hiệu quả đối với bệnh này. Ngoài ra, những người đã mắc bệnh sốt xuất huyết trước đây thì không được chủ quan. Do bệnh sốt xuất huyết gồm có 4 tuýp virus, những người đã mắc 1 trong 4 tuýp bệnh thì sẽ có khả năng miễn dịch suốt đời đối với tuýp đó nhưng lại không có miễn dịch chéo với những tuýp còn lại. Do đó, trường hợp bệnh nhân đã nhiễm 1 tuýp virus còn nhiễm tuýp bệnh khác có nhiều khả năng bệnh sẽ diễn biến nặng hơn.
Theo VTV