Tăng cường công tác đảm bảo an toàn thực phẩm

Thứ Ba, 21/05/2024, 15:53 [GMT+7]

Điện Biên TV - Sáng 21/5, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc tăng cường công tác bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc thực phẩm. Đồng chí Vừ A Bằng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng ban Thường trực Ban chỉ đạo liên ngành về ATTP tỉnh chủ trì hội nghị tại điểm cầu tỉnh Điện Biên.

D
Điểm cầu tỉnh Điện Biên.

Tại hội nghị, lãnh đạo Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế đã báo cáo tình hình ngộ độc thực phẩm và công tác chỉ đạo phòng chống ngộ độc thực phẩm; đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai các quy định pháp luật về kiểm soát nguyên liệu nông sản có nguồn gốc từ động vật, thực vật sản xuất trong nước và nhập khẩu; đại diện Bộ Công Thương báo cáo về kết quả thực hiện kiểm soát thực phẩm và nguyên liệu thực phẩm nhập lậu có nguồn gốc động vật, thực vật.

Theo đó, 5 tháng đầu năm, số vụ vi phạm về an toàn thực phẩm giảm, tuy nhiên số vụ mắc tăng hơn 1.000 người so với cùng kỳ năm 2023, trong đó ở khu công nghiệp số người mắc tăng lên 500 người. Một số vụ điển hình về an toàn thực phẩm xảy ra tương đối lớn trong cả nước, như tại Sóc Trăng ngộ độc thực phẩm do ăn bánh mỳ làm 150 người nhập viện, tại tỉnh Khánh Hoà ngộ độc thực phẩm tại quán cơm gà làm gần 400 người nhập viện…

Tại tỉnh Điện Biên, trong 5 tháng đầu năm 2024, toàn tỉnh đã thành lập trên 250 đoàn kiểm tra về an toàn thực phẩm, trong đó đã kiểm tra về an toàn thực phẩm tại hơn 3.200 cơ sở. Cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm và ký cam kết đảm bảo an toàn thực phẩm trên địa bàn toàn tỉnh gần 1.950 cơ sở và thực hiện hơn 6.000 test nhanh an toàn thực phẩm.

Kết luận hội nghị, Thứ trưởng Thường trực Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên ghi nhận về kết quả trong công tác an toàn thực phẩm của các địa phương trong 5 tháng đầu năm 2024. Đồng thời, gợi mở một số nội dung để các địa phương thực hiện công tác đảm bảo an toàn thực phẩm trong những tháng tới như: Các địa phương cần kiện toàn Ban chỉ đạo cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã và rà soát lại quy chế làm việc Ban chỉ đạo liên ngành; phân công nhiệm vụ cho từng ngành, thành viên cụ thể; tiếp tục thực hiện quản lý tốt an toàn thực phẩm, không để các cơ sở không đủ điều kiện an toàn thực phẩm hoạt động; người trực tiếp tham gia chế biến thực phẩm phải được tập huấn về đảm bảo an toàn thực phẩm và khám sức khỏe định kỳ; tăng cường thanh tra, kiểm tra về cơ sở vật chất, trang thiết bị, vệ sinh môi trường, giấy phép đăng ký kinh doanh tại cơ sở chế biến thực phẩm…

 

 

Thuý Hằng - Bùi Tiến/DIENBIENTV.VN
 

.