Tủ sách pháp luật trên địa bàn TP. Điện Biên Phủ không phát huy hiệu quả

Thứ Tư, 08/11/2023, 14:07 [GMT+7]

Điện Biên TV - Xây dựng tủ sách pháp luật ở các xã, phường là hoạt động nhằm tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật rộng rãi đến cán bộ và nhân dân. Tuy nhiên hiện nay, hầu hết các tủ sách pháp luật tại các xã, phường trên địa bàn thành phố Điện Biên Phủ đều không phát huy hiệu quả, thậm chí đang bị lãng quên.

Tủ sách pháp luật tại xã Thanh Minh, thành phố Điện Biên Phủ hiện có hơn 100 đầu sách pháp luật về các lĩnh vực như: Đất đai, hành chính, tuyên truyền giáo dục pháp luật, hôn nhân và gia đình... Tuy nhiên, hầu hết các loại sách này đều đã cũ, thậm chí có quyển đã hết hiệu lực. Điều đáng nói mặc dù được đặt ngay tại phòng một cửa của xã nhưng hầu như chẳng có ai quan tâm đọc, mượn để tra cứu, tìm hiểu.

Bà Tạ Thị Nga, Công chức Tư pháp - Hộ tịch xã Thanh Minh, TP. Điện Biên Phủ cho biết: “Đối với tủ sách pháp luật ở xã Thanh Minh, bây giờ hoạt động không hiệu quả. Tủ sách có trên 100 đầu sách nhưng hầu cán bộ công chức và nhân dân khai thác các văn bản, thông tin trên mạng internet, zalo… nên tủ sách pháp luật cũng không có người đến mượn đọc và tra cứu.”

d
Tủ sách pháp luật xã Thanh Minh, thành phố Điện Biên Phủ được đặt ngay tại Phòng Một cửa nhưng hầu như chẳng có ai quan tâm đọc, mượn để tra cứu, tìm hiểu.

Còn tại tủ sách pháp luật ở phường Mường Thanh, thành phố Điện Biên Phủ, hiện cũng có hơn 100 đầu sách. Tuy nhiên phần lớn các đầu sách này đã cũ, không được bổ sung đầu sách mới do không có kinh phí. Đặc biệt, đã từ lâu tủ sách hoạt động không hiệu quả, bởi nhu cầu đến tìm hiểu, tra cứu của cán bộ và nhân dân còn rất hạn chế và hầu như không có. 

Tủ sách pháp luật của phường Mường Thanh đã có từ rất lâu nhưng hoạt động không hiệu quả. Cán bộ phụ trách tủ sách thì kiêm nhiệm nên việc quản lý và xây dựng tủ sách còn hạn chế. Hiện nay, việc ứng dụng các công nghệ thông tin bằng điện thoại và mạng internet, tạo điều kiện cho người dân tìm hiểu, khai thác rất thuận lợi nên việc người dân tìm đến tủ sách pháp luật là không có.” - bà Lò Thị Bằng, Công chức Tư pháp - Hộ tịch phường Mường Thanh, TP. Điện Biên Phủ cho biết.

Được coi là kênh phổ biến, giáo dục pháp luật thiết thực tại cơ sở, không thể phủ nhận những hiệu quả của tủ sách pháp luật trong việc nghiên cứu, cập nhật kiến thức, nâng cao trình độ cho cán bộ, công chức, người lao động, lực lượng vũ trang và nhân dân trên địa bàn thành phố. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, sự phát triển nhanh chóng của công nghệ thông tin và các phương tiện truyền thông, mô hình tủ sách pháp luật truyền thống đã không phát huy được hết vai trò, bộc lộ nhiều hạn chế. Do vậy, hiện nay việc phổ biến giáo dục pháp luật thông qua hình thức này hiệu quả rất thấp.

Ông Nguyễn Văn Quý, Phó Chủ tịch UBND phường Mường Thanh, TP. Điện Biên Phủ cho biết: “Hiện nay, tủ sách pháp luật ở phường hoạt động không hiệu quả. Nguyên nhân do đời sống của nhân dân được nâng lên, người dân cơ bản đã có điện thoại thông minh, việc tiếp cận, xử lý cũng như xem các thông tin rất nhanh chóng nên việc sử dụng các tủ sách pháp luật không được hiệu quả.”

Tủ sách pháp luật tại các xã, phường là nơi tập hợp, lưu giữ, phổ biến và quản lý tài liệu, sách, báo pháp luật; là nơi cung cấp nguồn tài liệu, giúp cán bộ chính quyền cơ sở vận dụng đúng pháp luật để giải quyết công việc ở địa phương, giúp nhân dân có công cụ pháp luật để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Tuy nhiên, trong thời đại công nghệ thông tin 4.0 như hiện nay, vai trò của các tủ sách pháp luật trên địa bàn thành phố Điện Biên Phủ không còn phát huy hiệu quả, đây cũng là thực tế đã và đang xảy ra tại nhiều địa phương khác trên địa bàn tỉnh. Và tủ sách pháp luật có cần tồn tại nữa hay không? Nếu để tồn tại thì cần có giải pháp như thế nào để tránh lãng phí?

 

 

Minh Thư - Duy Hải/DIENBIENTV.VN
 

.