Gian khó Tìa Dình
Điện Biên TV - Tìa Dình là xã vùng cao của huyện Điện Biên Đông. Nơi đây gặp rất nhiều khó khăn trong phát triển kinh tế - xã hội. Không chỉ bởi là nơi sinh sống của đồng bào dân tộc thiểu số, tỷ lệ hộ nghèo cao, Tìa Dình còn là xã thiếu và yếu về hạ tầng nông thôn như đường giao thông, điện lưới quốc gia. Đây chính là những nguyên nhân chính khiến cho việc phát triển kinh tế - xã hội ở Tìa Dình vốn đã khó lại càng chồng thêm nhiều khó khăn hơn.
3 năm trở lại đây, Nhân dân bản Tìa Ghếnh, xã Tìa Dình, huyện Điện Biên Đông có chung một tài sản đó là chiếc máy nổ. Trung bình mỗi năm bản chi khoảng 2 triệu đồng tiền xăng để phát máy nổ lấy điện phục vụ các hoạt động chung của bản như: họp bản, lễ cưới, lễ tang.
Sử dụng máy nổ là phương án cấp điện trong những trường hợp khẩn thiết. Còn các hoạt động sản xuất và sinh hoạt tinh thần khác đều thiếu điện. Mà thiếu điện thì không thể nâng cao năng suất lao động, chất lượng sản phẩm. Thiếu điện đang là một trong những nguyên nhân kìm hãm sự phát triển kinh tế của bà con nhân dân nơi đây.
Con đường đất vào bản Tìa Ghếnh, xã Tìa Dình, huyện Điện Biên Đông mùa mưa đi lại hết sức khó khăn. Điện lưới quốc gia cũng chưa được kéo tới bản. |
“Người dân chúng tôi khi mua con trâu, con bò về chăn nuôi phải lấy sức người mà làm thức ăn cho nó, mất rất nhiều thời gian, công sức. Nếu như có điện, chúng tôi chỉ cần mua một cái máy thái thì chỉ 3 phút là xong. Không có điện thì ngay cả việc xát thóc lấy gạo ăn của dân bản cũng là một vấn đề, hầu hết là chúng tôi phải ra tận trung tâm xã để xát thóc mà đường giao thông rất khó khăn. Và nếu có điện thì chúng tôi sẽ có ti vi để xem, học hỏi kinh nghiệm của các bản khác, nước khác phát triển kinh tế.” - ông Giàng Chếnh Chìa, người dân bản Tìa Ghếnh, xã Tìa Dình, chia sẻ.
Không chỉ thiếu điện, bản Tìa Ghếnh còn thiếu cả đường. Con đường đất từ xã Tìa Dình vào bản Tìa Ghếnh khoảng hơn 4 km, mùa khô này có thể đi lại được nhưng vào mùa mưa thì trơn trượt, sình lầy, đi lại vô cùng khó khăn.
Ông Giàng Nhè Sình, trưởng bản Tìa Ghếnh, xã Tìa Dình, nói: “Nhân dân bản Tìa Ghếnh rất khó khăn về đường giao thông, về điện. Con đường vào bản mùa khô còn tạm được chứ mùa mưa thì đường rất trơn, đi lại rất khó khăn lại xa trung tâm xã. Không có điện thì người dân muốn mua tủ lạnh, ti vi, máy móc như là máy cắt cỏ, mát xát gạo cũng không thể mua được. Vào mùa này thanh niên đi làm ăn xa hết, mình chỉ xát gạo bằng chân bằng tay thôi. Rất là khổ.”
Đường giao thông nối từ trung tâm huyện Điện Biên Đông vào xã Tìa Dình cũng còn nhiều đoạn rất khó đi, đặc biệt vào mùa mưa. |
Tìa Ghếnh không phải là bản duy nhất ở xã Tìa Dình, huyện Điện Biên Đông chưa có điện lưới quốc gia, chưa có đường cứng hóa vào bản. Theo thống kê, hiện nay, xã Tìa Dình còn có 6/10 bản chưa có điện; 10/10 bản chưa có đường cứng hóa nối liền với trung tâm xã. Ngay cả đường từ huyện Điện Biên Đông vào trung tâm xã Tìa Dình khoảng 40 km nhưng vẫn còn trên 15 km là đường đất khó đi. Chưa có điện và giao thông đi lại khó khăn đang là những rào cản lớn trong công cuộc phát triển kinh tế xã hội, xóa đói giảm nghèo của nhân dân địa phương.
Ông Tráng A Dia, Bí thư Đảng ủy xã Tìa Dình, huyện Điện Biên Đông, thông tin: “Theo điều tra của năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo của xã chiếm trên 62%. Số hộ nghèo chủ yếu tập trung ở những bản xa trung tâm xã và giao thông đi lại hết sức khó khăn.”
Với tỷ lệ hộ nghèo còn cao, chiếm trên 62%, các hạ tầng về đường, điện còn thiếu và yếu đang là những trở ngại lớn để Tìa Dình phát triển - kinh tế xã hội. Khắc phục nhiều gian khó, cấp ủy, chính quyền, nhân dân nơi đây vẫn đang nỗ lực phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó hướng phát triển kinh tế chủ yếu vẫn là từng bước thay đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; tiếp tục phát triển sản phẩm OCOP bí xanh và chăn nuôi gia súc. Và để phát triển kinh tế đột phá trong điều kiện còn thiếu điện, thiếu đường với xã Tìa Dình là điều quá khó khăn.
Bí xanh Tìa Dình nổi tiếng với chất lượng thơm ngon và đã được xây dựng là sản phẩm OCOP, song nhiều nông dân vẫn không khỏi lo lắng về đầu ra cho sản phẩm. |
“Hạ tầng giao thông khó khăn khiến người dân luôn lo lắng vì sợ rằng sản phẩm làm ra không xuất bán được. Chính vì vậy, họ chỉ làm đủ để đáp ứng nhu cầu hàng ngày của gia đình. Thực tế, trước đây cũng một số hộ đầu tư vào các sản phẩm nông nghiệp, nhưng qua một thời gian nhận thấy đầu ra không khả thi nên họ cũng dừng không muốn tiếp tục nữa.” - ông Sùng A Giàng, Chủ tịch Hội Nông dân xã Tìa Dình, huyện Điện Biên Đông, cho biết.
Những yếu tố nền tảng cần thiết để phát triển kinh tế - xã hội như điện, đường còn thiếu và yếu chính là lý do khiến cấp ủy, chính quyền địa phương luôn cân nhắc kỹ càng, thậm chí có phần thận trọng, không dám đưa ra những giải pháp đột phá khi định hướng phát triển kinh tế cho nhân dân. Còn từ phía người dân thì lo lắng sản phẩm không có đầu ra ổn định. Cứ loay hoay như vậy, bài toán giảm nghèo ở Tìa Dình vẫn chưa có lời giải. Tìa Dình chưa hình thành được chuỗi sản xuất liên kết nào, cũng chưa có mô hình nông nghiệp nào thật sự đem lại hiệu quả, là nguồn thu nhập chính cho bà con nhân dân. Tự cung, tự cấp vẫn đang là xu hướng của nhiều hộ dân nơi đây. Bởi vậy đói nghèo vẫn dai dẳng ở nhiều nếp nhà. Và gian khó thì vẫn chồng gian khó ở xã vùng cao Tìa Dình, huyện Điện Biên Đông. Bài toán giảm nghèo có lẽ sẽ bớt khó nếu như có điện, có đường !./.
Hoàng Giang - Dương Hải/DIENBIENTV.VN