Trả lời kiến nghị cử tri trước và sau kỳ họp thứ 8, HĐND tỉnh khóa XV

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trả lời các kiến nghị của cử tri liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn

Thứ Năm, 03/11/2022, 10:45 [GMT+7]

Điện Biên TV - Tiếp theo báo cáo số 304/BC-UBND tổng hợp kết quả giải quyết kiến nghị của cử tri đến trước và sau kỳ họp thứ 8, HĐND tỉnh khóa XV của UBND tỉnh Điện Biên, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trả lời các kiến nghị của cử tri liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn:

- Nội dung kiến nghị: Trạm quản lý bảo vệ rừng và vườn ươm cây giống (thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) tại bản Hồ Chim 1 hiện nay không còn sử dụng, đã bỏ hoang nhiều năm nay, gây lãng phí tài sản của Nhà nước; đề nghị giao lại cho huyện Mường Chà để có phương án sửa chữa, nâng cấp giao cho xã Ma Thì Hồ quản lý, sử dụng làm Nhà văn hóa.

- Địa phương nơi có kiến nghị: Cử tri xã Ma Thì Hồ, huyện Mường Chà

- Phân loại theo kết quả giải quyết: Đang giải quyết.

- Nội dung trả lời cử tri của ngành: Trạm quản lý bảo vệ rừng xã Ma Thì Hồ tại bản Hồ Chim 1, xã Ma Thì Hồ, huyện Mường Chà được đầu tư xây dựng (theo Quyết định số 301/QĐ -UBND ngày 23/3/2010 của UBND tỉnh Điện Biên về phê duyệt báo cáo kinh tế kỹ thuật xây dựng công trình Trạm QLBVR xã Ma Thì Hồ huyện Mường Chà) và được giao cho Ban quản lý rừng phòng hộ huyện Mường Chà (thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) quản lý, đưa vào sử dụng từ năm 2011 để phục vụ công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn 02 xã: Ma Thì Hồ và Huổi Lèng huyện Mường Chà.

Tuy nhiên, đến các năm 2015 và năm 2020, Ban quản lý rừng phòng hộ huyện Mường Chà được giao quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn các xã Mường Tùng, xã Huổi Lèng, xã Hừa Ngài huyện Mường Chà (Quyết định số 546/QĐ-UBND ngày 03/7/2015 của UBND tỉnh Điện Biên về việc giao đất và công nhận quyền sử dụng đất cho Ban quản lý rừng phòng hộ huyện Mường Chà để quản lý, bảo vệ và phát triển rừng tại địa bàn xã Huổi Lèng và xã Mường Tùng, huyện Mường Chà, tỉnh Điện Biên và Quyết định số 1223/QĐ-UBND ngày 23/11/2020 của UBND tỉnh Điện Biên về Giao đất, giao rừng cho Ban quản lý rừng phòng hộ huyện Mường Chà tại địa bàn xã Hừa Ngài, huyện Mường Chà, tỉnh Điện Biên). Hiện tại, Trạm quản lý bảo vệ rừng tại xã Huổi Lèng đang phát huy tốt hiệu quả phục vụ công tác quản lý bảo vệ rừng tại địa bàn. Đối với Trạm quản lý bảo vệ rừng tại xã Ma Thì Hồ do từ năm 2016, Ban quản lý rừng phòng hộ huyện Mường Chà không được giao quản lý diện tích rừng tại xã Ma Thì Hồ, các xã được giao cho Ban quản lý rừng phòng hộ huyện Mường Chà quản lý, bảo vệ rừng (Mường Tùng, Huổi Lèng, Hừa Ngài) cách xa Trạm quản lý bảo vệ rừng xã Ma Thì Hồ do đó từ năm 2016 Trạm không sử dụng.

Để tránh gây lãng phí tài sản, Ban quản lý rừng phòng hộ huyện Mường Chà đã có Tờ trình số 130/TTr-BQL ngày 14/9/2022 về việc điều chuyển tài sản Trạm quản lý bảo vệ rừng xã Ma Thì Hồ cho UBND huyện Mường Chà. Ngày 14/10/2022, UBND huyện Mường Chà có công văn số 1516/UBND-TCKH ngày 14/10/2022 về việc tiếp nhận tài sản là nhà, đất của Trạm quản lý bảo vệ rừng xã Ma Thì Hồ huyện Mường Chà để làm nhà văn hoá bản Hồ Chim 1 xã Ma Thì Hồ. Căn cứ vào Tờ trình số 130/TTr-BQL và công văn số 1516/UBND-TCKH, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang hoàn thiện các thủ tục điều chuyển tài sản công theo quy định.

- Nội dung kiến nghị: Hiện nay trên địa bàn bản Hón Sáng, xã Ẳng Cang được bố trí 01 nhân viên thủy nông để thực hiện vận hành, điều tiết nước tưới tiêu trong nông nghiệp; tuy nhiên, do địa bàn rộng, nên việc bố trí 01 nhân viên trực tại bản Hón Sáng là không đáp ứng theo yêu cầu mùa vụ. Vì vậy, đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo Công ty TNHH quản lý Thủy nông Điện Biên tăng cường thêm nhân viên trực trên địa bàn hoặc phối hợp với bản để thực hiện nhiệm vụ trên.

- Địa phương nơi có kiến nghị: Cử tri  xã Ẳng Cang, huyện Mường Ảng

- Phân loại theo kết quả giải quyết: Thông tin đến cử tri.

- Nội dung trả lời cử tri của ngành: Khu vực xã Ảng Cang, huyện Mường Ảng được Công ty TNHH quản lý thủy nông Điện Biên phân công 4 công nhân quản lý 06 đập dâng với 16,6 km kênh tưới cho 423,8 ha trong đó (lúa vụ đông xuân 201,38 ha; lúa vụ mùa 201,38 ha; thủy sản 20,52 ha).

Tại bản Hón Sáng có 03 công trình tưới là đập dâng số II, đập dâng số III và đập dâng Phai Cói (đập dâng Phai Cói tận dụng nước thừa từ đập dâng số III), tổng chiều dài tuyến kênh của cả 03 đập dâng là 7,2 km, tưới cho 186 ha lúa 2 vụ/năm, trong đó bản Hón Sáng có 50,98 ha lúa. Hiện nay, Công ty TNHH quản lý thủy nông đang bố trí 02 công nhân quản lý, khai thác, điều tiết nước tại 3 đập dâng nêu trên (theo quy định tại mục 3, phần III Thông tư số 06/1998/TT-BNN-TCCB ngày 03/9/1998 của Bộ Nông nghiệp và PTNT về việc hướng dẫn tổ chức và hoạt động của Công ty khai thác công trình thủy lợi). Do tuyến kênh có địa hình phía tả là đồi núi dốc và khu dân cư nên khi có mưa lượng bùn đất chảy xuống kênh nhiều, một số khu dân cư người dân trực tiếp xả các chất thải chăn nuôi xuống làm tuyến kênh bị tắc nghẽn cục bộ, Công ty TNHH quản lý thủy nông đã bố trí công nhân tại khu vực lân cận về nạo vét kịp thời. Vì vậy, trong vụ sản xuất vừa qua Công ty không để xảy ra khô hạn, thiếu nước đối với diện tích thuộc công trình đang đảm nhiệm tưới.

Công ty TNHH quản lý thủy nông Điện Biên cam kết đảm bảo cung cấp nước tưới phục vụ sản xuất nông nghiệp theo hợp đồng đã ký kết với UBND xã Ảng Cang theo mùa vụ hàng năm; Chủ động thông báo lịch tưới đến chính quyền địa phương và người dân cùng phối hợp để điều tiết nước đến mặt ruộng.

Đề nghị UBND xã Ảng Cang tuyên truyền đến người dân không xả thải chất thải chăn nuôi vào kênh gây ô nhiễm môi trường và bồi lắng lòng kênh.

- Nội dung kiến nghị: Theo Quyết định số 01/2012/QĐ-UBND ngày 11/01/2012 của UBND tỉnh Điện Biên ban hành quy định về số lượng, chính sách hỗ trợ, chức năng, nhiệm vụ và tiêu chuẩn của nhân viên thú y cấp xã trên địa bàn tỉnh Điện Biên, địa bàn thị trấn và các xã của huyện Điện Biên Đông được bố trí 02 nhân viên thú y. Trong dự thảo sửa đổi Quyết định số 01/2012/QĐ-UBND, số lượng nhân viên thú y giảm còn 01 người. Huyện Điện Biên Đông địa bàn rộng, giao thông đi lại khó khăn, cử tri đề nghị giữ nguyên số lượng nhân viên thú y 02 người để đảm bảo thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ.

- Địa phương nơi có kiến nghị: Cử tri xã Tìa Dình, huyện Điện Biên Đông

- Phân loại theo kết quả giải quyết: Thông tin đến cử tri

- Nội dung trả lời cử tri của ngành: Đối với nội dung kiến nghị này, Sở Nông nghiệp và PTNT có ý kiến như sau:

Sở Nông nghiệp và PTNT bảo lưu ý kiến tại khoản 1 Điều 2 của dự thảo Quyết định sửa đổi Quyết định số 01/2012/QĐ-UBND: “Số lượng: Căn cứ vào yêu cầu hoạt động thú y trên địa bàn, mỗi xã, phường, thị trấn được bố trí tối đa không quá 01 nhân viên thú y xã.”. Lý do:

(1) Việc bố trí 01 nhân viên thú y/01 xã, phường, thị trấn phù hợp với xu thế chung về tinh gọn tổ chức bộ máy của Đảng, Nhà nước.

(2) Nhân viên thú y cấp xã hưởng lương theo trình độ chuyên môn (đại học, cao đẳng, trung cấp, sơ cấp) quy định tại khoản 2 Điều 2 dự thảo sửa đổi Quyết định số 01/2012/QĐ-UBND được bố trí chuyên trách, tham mưu triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ theo chuyên môn được đào tạo. Việc đề xuất 01 nhân viên thú y cấp xã sẽ làm tăng hiệu quả sử dụng kinh phí, nguồn lực nhà nước và hiệu quả trong tham mưu, quản lý lĩnh vực chăn nuôi và thú y của nhân viên cấp xã, phát huy được vai trò, trách nhiệm và giúp họ yên tâm công tác.

(3) Về thực hiện công tác phòng chống dịch bệnh động vật được triển khai tại các huyện, thị xã, thành phố hàng năm. Huyện Điện Biên Đông có số liều vắc xin tiêm phòng hàng năm ở mức trung bình khá của tỉnh (đứng thứ 4 trong 10 huyện, thị xã, thành phố sau huyện Điện Biên, Tuần Giáo, thành phố Điện Biên Phủ). Huyện có 14 xã/thị trấn và được bố trí 02 nhân viên thú y/xã (huyện nghèo). Tổng số lượng vắc xin tiêm phòng năm 2022 trên địa bàn huyện là 103.800 liều với 03 loại vắc xin, không triển khai tháng vệ sinh tiêu độc khử trùng (từ năm 2021 huyện không triển khai tháng vệ sinh tiêu độc khử trùng). Các huyện nghèo khác, số lượng vắc xin tiêm phòng tương đối thấp trong khi lực lượng cán bộ thú y cấp xã đều được bố trí 02 cán bộ/xã (huyện Nậm Pồ 15 xã với tổng số lượng vắc xin tiêm phòng là 37.940 liều với 03 loại vắc xin; thực hiện tháng vệ sinh tiêu độc khử trùng với 698 lít hoá chất), trong khi các huyện còn lại, khối lượng vắc xin và hóa chất sát trùng tương đối lớn nhưng chỉ được bố trí 01 nhân viên thú y xã (huyện Điện Biên với 21 xã, được bố trí 01 nhân viên thú y/xã. Tổng số liều vắc xin sử dụng năm 2022 là 1.195.615 liều với 4 loại vắc xin, triển khai thực hiện tháng vệ sinh tiêu độc khử trùng với 5.592 lít hoá chất). Điều này tạo nên sự không công bằng, so sánh trong cùng hệ thống tổ chức bộ máy giữa các địa phương. Ngoài ra, hiện nay chưa có căn cứ quy định đối với huyện nghèo được bố trí 02 thú y/xã. Nếu có các nhiệm vụ phát sinh trong tiêm phòng, phun phòng và chống dịch, UBND cấp xã, báo cáo UBND cấp huyện hợp đồng thêm lao động thời vụ theo quy định hiện hành.

- Nội dung kiến nghị: Hiện nay lực lượng Kiểm lâm trên địa bàn huyện Điện Biên Đông rất mỏng, 01 người phụ trách 02 xã, công tác quản lý, bảo vệ rừng rất khó khăn vất vả, nhất là đối với nhưng địa bàn diện tích rừng lớn. Đề nghị tỉnh xem xét tăng thêm lực lượng kiểm lâm, bố trí mỗi xã có 01 kiểm lâm viên phụ trách địa bàn

- Địa phương nơi có kiến nghị: Cử tri xã Tìa Dình, huyện Điện Biên Đông

- Phân loại theo kết quả giải quyết: Thông tin đến cử tri

- Nội dung trả lời cử tri của ngành: Năm 2022, Chi cục Kiểm lâm (thuộc Sở Nông nghiệp và PTNT) được UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp và PTNT giao 207 chi tiêu biên chế công chức, trong đó Kiểm lâm phụ trách địa bàn xã là 119 biên chế trên tổng số 128/129 xã, phường, thị trấn có rừng. Trên thực tế, một biên chế kiểm lâm địa bàn xã hiện nay đang quản lý diện tích rừng rất lớn, cụ thể: Số Kiểm lâm địa bàn cấp xã phụ trách diện tích rừng dưới 1.000 ha là 09 người; từ 1.000 đến dưới 3.000 ha là 46 người; từ 3.000 đến dưới 5.000 ha là 25 người; từ 5.000 đến dưới 10.000 ha là 29 người; từ 10.000 ha trở lên là 10 người.

Đối với huyện Điện Biên Đông có diện tích rừng là 31.624,09 ha, 01 thị trấn và 13 xã. Năm 2022, Hạt Kiểm lâm huyện Điện Biên Đông được giao 17 biên chế (16 công chức, 01 người lao động theo Hợp đồng 68), trong đó có 13 kiểm lâm phụ trách địa bàn cấp xã (có 01 kiểm lâm địa bàn phụ trách 2 xã), bình quân 01 kiểm lâm viên phụ trách khoảng 2.433 ha rừng.

Năm 2022, thực hiện Chỉ thị số 05/CT-TTg ngày 18/5/2022 của Thủ tưởng Chính phủ và Chỉ thị số 07/CTUBND ngày 17/6/2022 của UBND tỉnh Điện Biên về tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng, xử lý tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng trái pháp luật; để tiếp tục tăng cường công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng và căn cứ tình hình thực tế sử dụng biên chế được giao. Ngày 07/7/2022 Sở Nông nghiệp và PTNT đã ban hành văn bản số 1484/SNN-TCCB đề nghị UBND tỉnh và Sở Nội vụ xem xét bổ sung biên chế công chức cho lực lượng Kiểm lâm đảm bảo đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, phù hợp với điều kiện tình hình thực tiễn, trong đó tập trung ưu tiên bố trí đủ lực lượng cho Kiểm lâm địa bàn cấp xã, Kiểm lâm cơ động bảo vệ và phòng cháy, chữa cháy rừng.

(Có văn bản số 1484/SNN-TCCB ngày 07/7/2022 của Sở Nông nghiệp và PTNT về việc đề nghị bổ sung biên chế cho lực lượng Kiểm lâm và không thực hiện cắt giảm biên chế công chức kèm theo).

Còn nữa...

 

 

DIENBIENTV.VN
 

.