Nghị lực của những nạn nhân chất độc da cam

Thứ Tư, 10/08/2022, 15:46 [GMT+7]

Điện Biên TV - Nhìn lại 61 năm "Ngày thảm họa da cam ở Việt Nam" (10/8/1961 - 10/8/2022), cùng với sự quan tâm của các cơ quan chức năng và cộng đồng, phần lớn những nạn nhân chất độc da cam đã vượt lên nỗi đau để xây dựng cuộc sống. Nhiều người đã trở thành tấm gương sáng về tinh thần, nghị lực vươn lên, tích cực tham gia công tác xã hội, phát triển kinh tế gia đình, trở thành người có ích cho xã hội.

Mang trong mình chất độc da cam cùng thương tật hơn 30%, sức khỏe giảm sút, nhưng ông Nguyễn Xuân Dự, sống tại thôn Hồng Thanh, xã Thanh Hưng, huyện Điện Biên vẫn luôn lạc quan, tích cực tham gia công tác xã hội. Với tinh thần trách nhiệm, tận tâm vì công việc, trong hơn 20 năm giữ chức vụ chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Thanh Hưng, ông đã có những đóng góp quan trọng cùng cấp ủy, chính quyền địa phương thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội, xây dựng đời sống văn hóa tại khu dân cư.

1
Những kỷ vật, những tấm bằng khen, giấy khen luôn được ông Nguyễn Xuân Dự cất giữ, trân trọng.

“Tôi về địa phương là một thương binh và là nạn nhân chất độc da cam. Phát huy phẩm chất của Bộ đội cụ Hồ, tôi luôn nêu gương, tuyên truyền vận động hội viên và nhân dân chấp hành tốt chủ chương của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước, xây dựng nông thôn mới tại địa phương. Bản thân và gia đình cũng luôn gương mẫu chấp hành tốt các phong trào của địa phương.” - ông Nguyễn Xuân Dự chia sẻ.

Cũng là hội viên Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin xã Thanh Hưng, huyện Điện Biên, sau khi tham gia chiến đấu ở chiến trường Miền Đông Nam Bộ, ông Vũ Ngọc Lự xuất ngũ trở về quê hương với thương tật gần 30% và là nạn nhân chất độc da cam. Về với đời thường nhưng không cam chịu hoàn cảnh khó khăn, ông đã mạnh dạn khai hoang ruộng vườn làm lúa và trồng rau màu cung cấp ra thị trường để tăng thu nhập cho gia đình. Đến nay mô hình kinh tế của gia đình ông phát triển tốt, tạo nguồn thu nhập gần 100 triệu đồng/ năm.  

Hiện toàn tỉnh có trên 200 nạn nhân chất độc da cam/dioxin. Với tâm niệm “tàn nhưng không phế”, nhiều hội viên đã nỗ lực vươn lên trong cuộc sống, tham gia các hoạt động xã hội, phát triển kinh tế, được cấp ủy, chính quyền địa phương tin tưởng ghi nhận.

1
Với tâm niệm “tàn nhưng không phế”, các nạn nhân da cam/dioxin luôn đi đầu gương mẫu trong mọi phong trào, tích cực tham gia phát triển kinh tế gia đình.

Ông Nguyễn Văn Mỹ, Chánh văn phòng Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh Điện Biên, cho biết: “Trở về với thời bình, tuy mang trong mình thương tật và nhiễm chất độc hóa học nhưng phát huy bản chất là người lính cụ Hồ, các thương, bệnh binh luôn là người gương mẫu đi đầu trong mọi phong trào, hoạt động của Hội, của địa phương; giáo dục con cháu chấp hành tốt mọi chủ trương của Đảng, pháp luật của nhà nước, xây dựng gia đình hạnh phúc, xã hội phồn vinh.”

47 năm đã trôi qua kể từ khi đất nước hòa bình, thống nhất, nỗi đau chiến tranh dần được xoa dịu nhưng nỗi ám ảnh chất độc da cam/dioxin vẫn còn hiện hữu trong rất nhiều gia đình. Không gục ngã trước thử thách khắc nghiệt, nhiều nạn nhân da cam trên địa bàn tỉnh đã nỗ lực vươn lên hòa nhập cộng đồng và sống có ích, tiếp tục cống hiến cho xã hội./.

 

 

Thu Nga - Đức Bình/DIENBIENTV.VN
 

.