Việt Nam nỗ lực ứng phó với biến đổi khí hậu

Thứ Hai, 09/05/2022, 06:50 [GMT+7]

Cam kết đưa phát thải ròng về 0 vào năm 2050, Việt Nam đang đứng trước nhiều cơ hội và thách thức để đạt được mục tiêu này.

Một trong những cam kết nổi bật của Việt Nam tại COP26 - Hội nghị các bên tham gia công ước khung về Biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc cuối năm 2021 là đưa phát thải ròng về 0 vào năm 2050.

Là quốc gia đang phát triển, mặc dù còn nhiều khó khăn, việc tham gia các cam kết này của Việt Nam là sự quyết tâm lớn trong ứng phó với các vấn đề toàn cầu về khí hậu và môi trường trong bối cảnh nước ta cũng là 1 trong 6 quốc gia chịu tác động nặng nề của biến đổi khí hậu.

Ngay sau COP26, Chính phủ đã thành lập Ban Chỉ đạo Quốc gia triển khai thực hiện cam kết tại COP26 do Thủ tướng Phạm Minh Chính là Trưởng Ban. Quyết định này được quốc tế đánh giá là bước đi đúng đắn, thể hiện quyết tâm của Việt Nam trong lộ trình này. Dù thời gian hoạt động mới đươc một vài tháng nhưng Ban Chỉ đạo đã thực hiện nhiều hoạt động hiệu quả. Hiện Ban chỉ đạo đang tập trung định hướng 8 mục tiêu chính trong đó, chuyển đổi năng lượng, giảm phát thải khí nhà kính đang được thực thi trước hết.

1

Cam kết đưa phát thải ròng về bằng 0 hay còn gọi là Net Zero có thể hình dung như một chiếc cân. Chúng ta phải tính toán để khả năng hấp thụ CO2 tương đương với lượng CO2 phát thải ra. Còn phía bên phát thải, Việt Nam đã có nhiều phương án để giảm bớt, điển hình nhất là chuyển dịch năng lượng vì ngành này chiếm đến 70% lượng phát thải.

Theo Đề án Quy hoạch điện VIII trình Chính phủ vào đầu tháng 4 vừa qua, quy mô công suất điện than là 30.000 MW. Trong khi đó, tại quy hoạch điện VIII trình hồi tháng 3, công suất điện than là 47.000 MW. Còn ở Quy hoạch điện VII điều chỉnh là 55.000 MW. Như vậy, điện than đã giảm gần một nửa công suất so với quy hoạch điện VII.

1
1

27 dự án nhiệt điện than, trong đó nhiều dự án khó khả thi như: Dự án Nhiệt điện than Quỳnh Lập I&II, Long Phú II, III… được đưa ra khỏi Quy hoạch. Theo Quy hoạch Điện VIII, đến 2045, toàn hệ thống chỉ còn 9,6% điện than, trong khi đó nguồn cung năng lượng tái tạo, năng lượng sạch sẽ đạt 80%.

Lộ trình chuyển đổi các nhà máy điện than sẽ được tính toán chi tiết, cụ thể cho từng trường hợp. Nhiều cơ chế chính sách cũng sẽ được ban hành để phát triển các nguồn năng lượng sạch, năng lượng tái tạo. Còn với những ngành nghề sản xuất khác, Việt Nam định hướng giảm phát thải theo hướng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.

Sản xuất xanh là một điểm cộng cho doanh nghiệp khi thu hút vốn đầu tư thời điểm này, sẽ là ưu thế cạnh tranh khi có các sản phẩm xanh. Bởi khảo sát mới đây của Cơ quan bảo vệ người tiêu dùng EU, cứ 4 người tiêu dùng thì lại có 1 người quyết định mua sản phẩm dựa theo yếu tố môi trường.

Đối với tài nguyên rừng, Việt Nam cũng sẽ có nhiều cơ hội. Với tỷ lệ che phủ trên 42% và đang đẩy mạnh thực hiện chương trình trồng 1 tỷ cây xanh đến năm 2025, Việt Nam có tiềm năng để hấp thu carbon, thậm chí là còn dư thừa để có thể bán tín chỉ carbon vào năm 2025, mang lại lợi ích về kinh tế, môi trường và khí hậu.

Có thể thấy, những cam kết tại COP 26 sẽ là bước ngoặt cho việc thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng phát thải "carbon thấp", "kinh tế xanh". Việt Nam đang có nhiều cơ hội, song cũng gặp không ít thách thức nhất là về công nghệ và tài chính. Chỉ riêng lĩnh vực năng lượng, ước tính, tổng vốn đầu tư phát triển điện lực và năng lượng từ nay đến năm 2045 sẽ cần nguồn vốn rất lớn khoảng 380 tỷ USD.

Xu thế phát triển xanh là tất yếu. Nhiều nước sẵn sàng coi đây là một cơ hội để xây dựng thương hiệu xanh của mình. Việt Nam đang ở giai đoạn khởi đầu, được cộng đồng quốc tế đánh giá rất cao về những cam kết trung hòa carbon, hướng tới phát triển xanh. Tuy nhiên, việc có về đích, đạt được thương hiệu Việt Nam xanh hay không phụ thuộc vào sự quyết tâm và chung tay của tất cả chúng ta.

Link: https://vtv.vn/xa-hoi/viet-nam-no-luc-ung-pho-voi-bien-doi-khi-hau-20220508185353823.htm

 

 

Theo VTV

.