Từng bước xóa bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại

Thứ Ba, 03/11/2020, 09:53 [GMT+7]

Điện Biên TV - Xác định công tác xóa đói giảm nghèo nhanh và bền vững là chủ trương, chính sách lớn của Đảng, Nhà nước, trong những năm qua, huyện Tuần Giáo đã xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu. Từ đó, huyện tăng cường sự chỉ đạo sâu sát và đồng bộ của các cấp chính quyền, đồng thời phát huy vai trò làm chủ của nhân dân, đặc biệt xác định rõ: việc giảm nghèo phải được thực hiện bằng ý chí, nỗ lực vươn lên từ chính người nghèo.

Xã Quài Cang, huyện Tuần Giáo bước vào thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững với xuất phát điểm thấp khi dân cư trên địa bàn chủ yếu là người dân tộc thiểu số, trình độ dân trí không đồng đều, nguồn thu nhập chính của người dân dựa vào sản xuất nông nghiệp, tỷ lệ hộ nghèo luôn ở mức từ 40-50%.

Sau nhiều nỗ lực phấn đấu, với sự vào cuộc của cấp ủy chính quyền, sự đồng thuận của người dân cùng với giải pháp phù hợp, đến nay, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn xã giảm xuống còn 31,5%, đưa Quài Cang trở thành một trong những xã có tỷ lệ hộ nghèo thấp nhất của huyện. Để chương trình giảm nghèo được bền vững, một trong những giải pháp trọng tâm được xã chú trọng thực hiện đó là tăng cường công tác tuyên truyền, thúc đẩy ý thức tự vươn lên thoát nghèo từ chính các hộ dân.

1
Một khóa học ngắn ngày hướng dẫn người dân cách trồng và chăm sóc các loại cây trồng tại huyện Tuần Giáo.

Trong quá trình thực hiện chính sách giảm nghèo trước đây, chính sách hỗ trợ thiên về cho không đã dẫn tới tình trạng một bộ phận người dân có tư tưởng trông chờ, ỷ lại, không muốn thoát nghèo để tiếp tục được hưởng chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Nhận thấy thực tế này, việc áp dụng hệ thống chính sách giảm nghèo theo hướng hỗ trợ có điều kiện đã thể hiện hiệu quả rõ rệt khi khơi dậy được ý chí vươn lên của người nghèo. Từ những chương trình tín dụng ưu đãi cho hộ nghèo, hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế, giúp người dân có cơ hội tự lực vươn lên, tạo thu nhập ổn định để thoát nghèo bền vững.

Ông Lò Văn Tương - Phó Chủ tịch UBND xã Quài Cang, huyện Tuần Giáo, cho biết: “Để giảm nghèo bền vững, chúng tôi đã cho bà con tiếp cận nguồn vốn chính sách để mạnh dạn vay vốn phát triển về chăn nuôi, buôn bán nhỏ lẻ hộ gia đình. Từ đó nhiều hộ đã vươn lên thoát nghèo, đưa tỷ lệ hộ nghèo của xã đã giảm xuống đáng kể.”

Với những đầu tư cho các chính sách giảm nghèo, từ năm 2016 đến nay huyện Tuần Giáo có gần 10.000 lượt người được vay vốn ưu đãi để phát triển kinh tế xóa đói giảm nghèo, bình quân gần 80 tỷ đồng/năm. Bên cạnh đó, huyện xây dựng 18 dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, chăn nuôi với 500 hộ dân tham gia, tiến hành tập huấn chuyển giao kỹ thuật cho hàng nghìn lượt cán bộ khuyến nông và người dân. Tinh thần tự nguyện thoát nghèo từ đó cũng dần xuất hiện, tác động mạnh mẽ đến quá trình xóa đói giảm nghèo tại địa phương. 

1
Muốn thoát nghèo, yếu tố cốt lõi là người dân phải xóa bỏ được tư tưởng trồng chờ, ỷ lại vào sự trợ giúp của Nhà nước, mạnh dạn đầu tư phát triển kinh tế.

Khi đầu tư nguồn lực vào lớn như thế, nếu người dân ỷ lại thì không bao giờ thực hiện được, bắt buộc tư tưởng phải đặt lên hàng đầu, người dân phải thật sự muốn thoát nghèo, nếu không có nguồn lực đó họ vẫn phải cố gắng, có nguồn lực chỉ là chất xúc tác để họ thoát nghèo, chúng tôi xác định nhận thức là rất quan trọng. Vì vậy chúng tôi rất chú trọng vào công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức người dân.” – ông Mùa Va Hồ - Phó Chủ tịch UBND huyện Tuần Giáo, nói.

Thông qua nhiều chương trình, dự án, người nghèo trên địa bàn huyện Tuần Giáo ngày càng có nhận thức đúng đắn, từng bước thay đổi, loại bỏ dần tư tưởng trông chờ, ỷ lại, biết tìm tòi, học hỏi cách phát triển kinh tế để tận dụng các cơ hội trợ giúp từ các chương trình hỗ trợ hiệu quả hơn. Từ đó có thể nhận thấy, để xóa được đói, giảm được nghèo thì phải xóa bỏ từ trong tư tưởng, chỉ khi nào tư tưởng thông suốt, nhận thức được vấn đề thì mới có thể thoát nghèo bền vững./.

 

Minh Trang – Tiến Thành/DIENBIENTV.VN

 

.