Tình trạng tái mù chữ trong cộng đồng phụ nữ người dân tộc Mông huyện Tủa Chùa

Thứ Hai, 09/03/2020, 16:58 [GMT+7]

Điện Biên TV - Những năm gần đây, mặc dù đã có sự vào cuộc một cách đồng bộ của các cấp; các ngành từ tỉnh đến huyện, nhưng do nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan nên tình trạng tái mù chữ trong cộng đồng phụ nữ người dân tộc Mông ở huyện vùng cao Tủa Chùa vẫn còn ở mức cao. 

1
Hiện nay trên đại bàn huyện Tủa Chùa, phụ nữ người dân tộc Mông không biết chữ chiếm khoảng gần 27% số hội viên phụ nữ

Mặc dù đã học hết lớp 5 của chương trình phổ cập xóa mù chữ nhưng khi được hỏi về mặt con chữ, chị Thào Thị Sung- Bản Dê Dàng- xã Sính Phình - huyện Tủa Chùa hầu như chẳng đánh vần được những từ đơn giản nhất.

Chị Thào Thị Sung, Bản Dê Dàng, xã Sính Phình, huyện Tủa Chùa cho biết: Ngày trước mình cũng được học lớp xóa mù chữ nhưng do bận làm nương và không có sách báo để đọc nên đến giờ, mình quên hết rồi.

Trường hợp của chị Giàng Thị Là thì khác hẳn. Do tục tảo hôn nên chị Là đã lập gia đình từ năm 13 tuổi. Mải lo toan cuộc sống, bận nương rẫy và chăm sóc gia đình nên đến nay đã trên 50 tuổi nhưng chuyện đọc và viết đối với chị Là vẫn là điều hết sức mới mẻ.

Chị Giàng Thị Là, Xã Sính Phình huyện Tủa Chùa cho biết: Chị mất bố mất mẹ  từ sớm, năm 13 tuổi thì đã đi lấy chồng thế nên là chỉ đi làm nương thôi, chưa có điều kiện để đi học. Bây giờ mới đang tham gia cái lớp học xóa mù chữ ở đây để nâng cao hiểu biết.

Trên địa bàn huyện Tủa Chùa, hiện nay số chị em phụ nữ mù chữ tập trung nhiều ở phụ nữ Mông, do điều kiện đi học của người dân, đặc biệt là phụ nữ còn khó khăn, chủ yếu sống bằng nương rẫy, kinh tế mang nặng tính tự cung, tự cấp. 

Mặt khác, người dân vùng cao luôn sống trong môi trường biệt lập, gần như khép kín ở địa bàn vùng núi cao, kỹ thuật canh tác mang nặng tính kinh nghiệm di truyền từ đời này sang đời khác. Nhu cầu giao tiếp ít, đời sống văn hoá còn thấp.

Vì vậy nhu cầu dùng chữ của đồng bào còn hạn chế, nhiều nơi chưa hình thành nhu cầu dùng chữ. Đây là nguyên nhân chủ yếu khiến cho tình trạng mù chữ và tái mù chữ trong cộng đồng phụ nữ người dân tộc Mông ở các bản vùng cao của huyện Tủa Chùa diễn ra khá phổ biến.

1
Tình trạng mù chữ và tái mù chữ trong cộng đồng phụ nữ người dân tộc Mông ở các bản vùng cao của huyện Tủa Chùa diễn ra khá phổ biến.

Ông Đặng Quang Diễn, Phó phòng Giáo dục - Đào tạo huyện Tủa Chùa cho biết: Phòng GD&ĐT Tủa Chùa mong muốn được sự quan tâm, sát sao hơn nữa của chính quyền địa phương cũng như của UBND tỉnh Điện Biên về cấp kinh phí để thực hiện lớp xóa mù chữ. Hiện tại thực hiện lớp xóa mù chữ thì hầu như là vận động giáo viên tiểu học dạy tăng ca, tăng buổi trong khi đó số lượng biên chế của giáo viên tiểu học tại  Tủa Chùa là đang thiếu. Thế nên việc tổ chức cho riêng một giáo viên dạy một lớp xóa mù chữ để không phải cấp kinh phí về rất là khó, hoàn toàn là phải xin chế độ tăng giờ của sở GD&ĐT.

Qua khảo sát, đối tượng mù chữ là phụ nữ người dân tộc Mông  hiện chiếm khoảng gần 27% số hội viên phụ nữ. Đây là những hội viên  có điều kiện kinh tế khó khăn, bản thân đều là lực lượng lao động chính trong gia đình nên thời gian tham gia học tập không có. Bên cạnh đó, nhiều nơi phụ nữ không thể tự quyết được cuộc sống của bản thân, việc tham gia vào các tổ chức đoàn thể hay tham gia các lớp học đều phụ thuộc vào sự đồng ý của người chồng.

Vì vậy, để tổ chức những lớp học xóa mù cho chị em, bên cạnh công tác tuyên truyền đả thông tư tưởng cho người chồng thì chính quyền địa phương cũng cần có sự hỗ trợ về phương tiện học tập, từ đó tạo điều kiện tốt nhất cho chị em phụ nữ yên tâm tham gia các lớp học xóa mù chữ.

            

 

Phạm Hải - Tiến Thành/DIENBIENTV.VN

.